Nước mắt rơi bên “đầu cơ nghiệp”

Thứ năm, ngày 13/01/2011 13:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau gần nửa tháng trời chịu đựng giá rét kéo dài, hơn 1.300 gia súc của người dân Sơn La lại bị quật ngã. Nhìn những con trâu, bò, lợn nằm chết cứng trong vòng tay của chủ mà xót xa.
Bình luận 0
img
Nông dân xã Mường Do, Phù yên, Sơn La làm chuồng cho gia súc sau những ngày thả rông.

Thiệt hại không thể tính

Chỉ vào dãy chuồng lợn trống trải với vài con lợn đang tụ lại gần đống lửa ở góc chuồng để sưởi, ông Hà Duy Hoàn ở bản Bướt, xã Chiềng Yên (Mộc Châu, Sơn La) nửa khóc, nửa mếu: "Mất sạch rồi chú ạ, 2 hôm rồi, 2 con nghé, 1 con bê và mấy chục con lợn lăn ra chết, tôi vừa mổ bán chạy, vừa đem chia cho bà con trong bản ăn đỡ.

img Con số hơn 1.300 con trâu, bò của Sơn La chết trong những ngày rét vừa qua mà Cục Chăn nuôi đưa ra là có thật. Số liệu này là tính từ cuối tháng 12-2010 đến 3-1-2011. Số gia súc chết chủ yếu do lỗi hỗn hợp mà nguyên nhân chính là đói ăn, ốm lâu ngày kiệt sức, gặp rét nên ngã qụy. img

Ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La

Thế là mấy năm tích cóp vốn liếng cộng với tiền vay lãi đi tong". Ông kể: Sáng ngày 11-1, vừa ngủ dậy, ông chạy ngay ra chuồng lợn đã thấy mấy con cứng đờ. Mấy con khác còn nhúc nhích được, ông xoa dầu, sưởi ấm nhưng chúng vẫn chết.

Cạnh nhà ông là nhà ông Đinh Văn Thoa cùng đang bóp đầu vì tiếc của: "Hai con nghé tơ của tôi vừa bị đông cứng chiều hôm qua. Phải huy động bà con trong bản mổ giúp, xẻ thịt bán theo kiểu "chia phần, ăn đỡ" cho các hộ trong bản. Không biết Nhà nước có hỗ trợ gì không...".

Xã Chiềng Yên hầu như quanh năm có sương mù bao phủ. Bà con ngoài sản xuất rừng thì lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính. Vì thế gia súc ở đây đúng nghĩa là “đầu cơ nghiệp".

Mỗi con trâu chết cũng thiệt hại mất 4-5 triệu đồng, là mất đi món tài sản lớn. Đợt lạnh giá này quá dài ngày nên đàn gia súc cũng đã hết sức chịu đựng, nguồn thức ăn dự trữ mùa đông trong các hộ nông dân cũng đã cạn kiệt. Nhiều trâu, bò bị cước chân, bỏ ăn rồi lăn ra chết.

img
 

Tại tiểu khu 77, thị trấn Nông trường Mộc Châu, gia đình chị Dung Toản cũng đang ngẩn người vì con bò sữa mẹ to lớn vừa bị giá rét quật ngã: Nó là bát cơm, manh áo hàng ngày của chúng tôi. Nó chết rồi, tôi biết lấy gì làm nguồn sống. Nó lại vừa mới sinh được 1 con bê, bây giờ lấy gì mà nuôi bê nữa chứ...?

Lỗi do đâu?

Trao đổi với NTNN, bà Hoàng Thị Mai Phanh - Trưởng phòng Chăn nuôi-Trồng trọt của Sở, hiện đang đi kiểm tra tình hình tại huyện Phù Yên, cho biết: Sở đã lập nhiều đoàn công tác xuống các địa phương để nắm tình hình và chỉ đạo chống rét cho gia súc, gia cầm, cây trồng. Tới ngày 16-1 mới có thể có số liệu thiệt hại về đợt rét này.

Ông Lò Xuân Tăng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sơn La trăn trở: So với yêu cầu phát triển đàn gia súc thì kinh nghiệm chăn nuôi cùng tiềm lực kinh tế và trình độ dân trí của nông dân Sơn La chưa đáp ứng. Đặc biệt, trong việc phòng, chống dịch bệnh, phòng chống rét cho vật nuôi thì nhiều nông dân vẫn chưa quan tâm.

Theo quan sát của chúng tôi thì ngay trong những ngày giá rét đến tê tái này, nhiều hộ dân vẫn không biết đàn gia súc của mình đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Ông Mùa A Dao - Chủ tịch Hội ND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cho biết: Nông dân Tà Xùa chăn nuôi rất nhiều trâu, bò nhưng chủ yếu là thả rông trong rừng và ít tiêm phòng dịch.

Đến giờ vẫn chưa thấy ai báo cáo về trâu, bò chết rét. Hôm nay, thấy cán bộ xã, bản giục thì dân mới đi vào rừng tìm trâu, bò xem có thiếu, có chết con nào không. Có người còn bảo: Sương mù đặc quánh, giá lạnh thế này có con nào chết vài ba ngày cũng không bị thiu thối gì mà phải lo...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem