|
Nhờ có téc chứa nước, cuộc sống gia đình anh Vàng Seo PLẩu đã đổi khác. |
Ở Bản Phố, đồng bào Mông chiếm 100% dân số, trong đó có tới 45,3% là hộ nghèo. Từ xa xưa, dùng nước suối trong sinh hoạt hàng ngày đã thành thói quen của đồng bào. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ, thói quen này đang thay đổi.
Có nước sạch, có nhà vệ sinh
Anh Vù Seo Giáo - cán bộ xã đưa chúng tôi đến thôn Quán Dín Ngài, một trong những thôn xa nhất của Bản Phố. Anh Giáo dẫn chúng tôi đến gia đình Vàng Seo PLẩu, một trong 7 hộ gia đình vừa mới "tậu" được téc chứa nước.
Người dân Bản Phố sử nước sạch trong sinh hoạt, làm nhà vệ sinh là một bước tiến trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Ông Đinh Văn Sửu - Giám đốc Trung tâm NSVSMT nông thôn Lào Cai.
Nhà PLẩu nằm chon von trên quả đồi đất đỏ. Từ xa nhìn đã thấy chiếc téc đựng nước ở đầu cổng. Tuy là hộ nghèo trong xã nhưng được sự vận động của cán bộ, anh PLẩu quyết định vay vốn của ngân hàng để xây nhà vệ sinh và mua téc đựng nước.
Chị Giàng Thị Dính, vợ anh PLẩu bảo: “Con gái mình lớn cả rồi, sắp đến tuổi lấy chồng mà suốt ngày ra suối tắm thì bất tiện lắm. Hai vợ chồng bàn bạc vay tiền mua téc đựng nước rồi xây nhà vệ sinh, nhà tắm". Được biết, thôn Quán Dín Ngài có 38 hộ trong đó có đến 18 hộ nghèo. Nhờ có chính sách hỗ trợ và tuyên truyền tích cực, đến nay, đã có 8 hộ xây được bể lọc, mua téc đựng nước.
Bác Vàng Seo Dính, thôn Phéc Bủng 2, phấn khởi: "Năm 2007, xã tuyên truyền cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, tôi đánh liều đi vay tiền về sửa lại cái nhà và làm luôn bể nước". Bác Chấu Seo Vần, thôn Phéc Bủng 2 tâm sự: "Năm 2003, Chương trình 135 hỗ trợ xây cái bể nước sạch, dẫn được nước về thích lắm, không còn phải đi chở nước nữa.
Từ lúc đó, mình thích tắm lúc nào là tắm được. Ra phố, thấy có nhà vệ sinh cũng thích, thế là năm 2008 có tiền hỗ trợ của Dự án Bánh mỳ thế giới (1,5 triệu đồng), rồi bỏ thêm tiền tiết kiệm làm luôn. Cuộc sống thay đổi rồi cán bộ à!".
Không phải tắm suối nữa
Thêm một niềm vui của người dân Bản Phố bây giờ là trường tiểu học của xã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Chị Nguyễn Thị Uyên - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Bên cạnh các chỉ tiêu về chuyên môn thì nước sinh hoạt, ăn uống cho học sinh cũng được chính quyền địa phương quan tâm".
Công tác ở đây từ năm 1999, nhưng mấy năm gần đây, chị Uyên ngỡ ngàng trước những đổi thay của đồng bào Mông. "Trước đây bà con tắm suối thì bây giờ dần đã có thói quen tắm ở nhà. Học sinh trước đây mỗi tuần tắm lần thì giờ có nước sạch về tận trường, tận bản nên đã tắm thường xuyên và biết mua cả… dầu gội đầu" - chị Uyên tâm sự.
Theo ông Thào Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Bản Phố, hiện xã có 7 công trình cấp nước ở 13 thôn, bản. "Dù là xã nghèo, nhưng mục tiêu cấp nước hợp vệ sinh cho bà con chúng tôi coi là tiêu chí quan trọng trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của xã" - ông Thành khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.