Nuôi 2 loài cá với sáng kiến xử lý nước thải, ông nông dân Kiên Giang giàu lên, lãi hơn 1 tỷ đồng/năm

Thứ sáu, ngày 14/07/2023 18:47 PM (GMT+7)
Ở ấp Phước Hòa, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), có một nông dân đang giàu lên với mức lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/năm nhờ nuôi cá lóc bông và cá tra thương phẩm.
Bình luận 0

Ðó là anh Lê Tuấn Kiệt, ấp Phước Hòa, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), người đã gắn bó với nghề nuôi cá hơn 20 năm.

Nuôi 2 loài cá với sáng kiến xử lý nước thải, ông nông dân Kiên Giang giàu lên, lãi hơn 1 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Anh Lê Tuấn Kiệt xay thức ăn nuôi cá.

Người thành công luôn có lối đi riêng, có lẽ điều đó đúng với anh Lê Tuấn Kiệt, một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Kiên Giang. 20 năm trước, trong khi hầu hết người dân ở xã Mong Thọ B đều sống dựa vào cây lúa thì anh Kiệt lại chuyển hướng sang nuôi cá. 

“Ông bà mình nói “Muốn giàu thì nuôi cá”. Ban đầu tôi nuôi cá tra, đến năm 2017, cá tra rớt giá thê thảm, khiến gia đình thua lỗ nặng”, anh Kiệt kể. 

Thất bại ban đầu không làm anh Kiệt chùn bước. Nhanh chóng lấy lại tinh thần, với phương châm “ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”, anh Kiệt quyết tâm vực dậy nghề nuôi cá của gia đình bằng con cá lóc bông.

Sau khi khảo sát thị trường, cùng với đi nhiều nơi tham quan, học tập từ những người đi trước, anh Kiệt nhận thấy cá lóc bông là đối tượng dễ nuôi, dễ bán và giá ổn định qua nhiều năm. Vậy là anh quyết định đầu tư nuôi cá lóc bông trên hệ thống ao nuôi cá tra trước đây. Anh chia thành nhiều ao nuôi với tổng diện tích 23.000m2, trong đó vẫn giữ 5.000m2 duy trì nuôi cá tra thương phẩm. Nguồn nước ngọt địa phương, nguồn thức ăn cá tươi nguyên liệu trong tự nhiên dồi dào giúp chi phí đầu vào mô hình nuôi cá lóc bông của anh Kiệt khá thấp, cá sinh trưởng và phát triển tốt.  

Anh Kiệt cho biết: “Nước thải từ ao nuôi cá lóc bông tôi đưa qua ao nuôi cá tra để tận dụng nguồn thức ăn còn thừa. Chờ đến khi nước ở ao cá tra trong lại tôi mới xả ra môi trường. Nhờ vậy mà nguồn nước tại chỗ phục vụ nuôi cá không bị ô nhiễm qua nhiều năm”.

Ðể nuôi cá đạt chất lượng, hiệu quả cao, anh Kiệt thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài để ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Anh cũng liên tục cập nhật diễn biến thị trường để có hướng điều chỉnh số lượng cá nuôi phù hợp, tránh tình trạng dội chợ, rớt giá.

Anh Kiệt chia sẻ, nước và con giống là yếu tố quan trọng nhất để quyết định thành công trong nuôi cá. Từ 2018 đến nay, mỗi năm, gia đình anh Kiệt đã thả nuôi 2 đợt cá cá lóc bông với số lượng 200.000 con giống và khoảng 300.000 con cá tra. Ðể giảm chi phí đầu vào, mỗi ngày anh Kiệt đều lái xe đến Khu cảng cá Tắc Cậu để mua cá nguyên liệu, sau đó về tự xay và trộn thêm men vi sinh làm thức ăn nuôi cá. Nhờ vậy, cá lớn nhanh, ít bệnh và chắc thịt, được thương lái thu mua với giá cao. Sau 14-15 tháng nuôi, cá lóc bông và cá tra sẽ cho thu hoạch. 

Bình quân mỗi năm, anh Kiệt thu hoạch từ 80-100 tấn cá lóc bông, giá bán 48.000 đồng/kg và trên 230 tấn cá tra, giá bán 25.000 đồng/kg. Với mức giá và sản lượng này, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm anh Kiệt thu lợi nhuận trên 1 tỉ đồng.

Ông Lưu Hoàng Ý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mong Thọ B, cho biết: “Thành công với con cá tra và cá lóc bông thương phẩm, lại sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhiều người, giúp 3-10 hộ nghèo ở địa phương khó có việc làm, anh Kiệt được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Ðặc biệt, anh Kiệt đã có sáng kiến xử lý nước thải trong nuôi cá, đó là nuôi đồng thời 2 loại cá tra và cá lóc bông để tận dụng nguồn thức ăn thừa, làm sạch nguồn nước thải trong nuôi cá, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nơi xóm ấp”.


An Nam (baocantho.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem