Cần kiểm soát chặt gạo cấp thấp vào Việt Nam để không phá giá thị trường, ảnh hưởng đến người trồng lúa
Cần kiểm soát chặt gạo cấp thấp vào Việt Nam để không phá giá thị trường, ảnh hưởng đến người trồng lúa
Bình Minh
Thứ sáu, ngày 14/07/2023 13:31 PM (GMT+7)
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, nếu để tình trạng nhập khẩu gạo giá rẻ tràn vào tự do, không có kiểm soát, không có tiêu chuẩn kỹ thuật gì sẽ phá giá thị trường gạo, khi giá lúa gạo rẻ thì nông dân chịu thiệt
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Bến Tre đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh gạo tại ấp An Định 2, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, Bến Tre, phát hiện, tạm giữ 1.040 bao gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ với số lượng 52 tấn không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam với tổng trị giá hàng hóa 624.000.000 đồng.
Theo đó, 52 tấn gạo trên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, đại diện hộ kinh doanh xuất trình được hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa khi lưu thông trên thị trường đối với lô hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ số lượng gạo nêu trên và đang tiếp tục xử lý vụ việc.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, hàng năm, Việt Nam dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2020, lần đầu Việt Nam ghi nhận lượng gạo nhập từ Ấn Độ tăng vọt sau nhiều năm, với 46.700 tấn, tăng hơn 9 lần so với năm 2019.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 999.750 tấn gạo, trong đó hơn 72% là gạo Ấn Độ (719.970 tấn), với chủng loại gạo nhập chủ yếu là cấp thấp (gạo tấm và gạo trắng khác). Gạo Ấn Độ phần lớn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu...
Tuy vậy, nhờ giá rẻ và được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với gạo từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), sản lượng gạo nhập từ thị trường này tăng mạnh. Năm ngoái, Bộ Công Thương đã kiểm tra 5 doanh nghiệp nhập khẩu lượng lớn gạo giá rẻ từ Ấn Độ.
Theo Bộ Công thương, từ năm 2020, lần đầu Việt Nam ghi nhận lượng gạo nhập từ Ấn Độ tăng vọt sau nhiều năm, với 46.700 tấn, tăng hơn 9 lần so với năm 2019.
Ngày 14/7, trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, các năm 2020 và 2021 đúng là Việt Nam nhập khẩu gạo với số lượng lớn. Nhưng sau khi cơ quan chức năng vào cuộc thì việc nhập khẩu gạo của Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ hơn.
"Đối với việc nhập khẩu gạo về Việt Nam không có nhãn mác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người trồng lúa. Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Nếu để tình trạng nhập khẩu gạo giá rẻ tràn vào tự do, không có kiểm soát, không có tiêu chuẩn kỹ thuật gì sẽ phá giá thị trường gạo, khi giá lúa gạo rẻ thì nông dân chịu thiệt", ông Bình nói với Dân Việt.
Theo ông Bình, vụ việc Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Bến Tre phát hiện, tạm giữ 1.040 bao gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ với số lượng 52 tấn không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam có thể là "hàng tồn kho".
Ông Bình cho rằng, xuất nhập khẩu gạo phụ thuộc vào cung - cầu thị trường. Tình hình lương thực đang rất khan hiếm, do khí hậu ngày càng khắc nhiệt nên nhiều diện tích đất không thể trồng cây lương thực được, ngay cả những doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có rất nhiều đơn đặt hàng nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nguồn cung.
Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, gạo Ấn Độ cũng rất khó cạnh tranh với gạo Việt Nam ở thị trường trong nước. Nhu cầu gạo cấp thấp trong nước là rõ ràng, để làm bánh, bún, chế biến thức ăn chăn nuôi… Dòng gạo này được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, nhưng giá rất thấp, tương tự như lúa IR50404 của Việt Nam được trồng nhiều trước đây.
“Quan trọng nhất là cần xác định rõ mục đích sử dụng của lượng gạo nhập khẩu về nước ta. Nếu họ nhập khẩu gạo tấm Ấn Độ hoặc nước khác về sử dụng cho nhu cầu làm bánh, thức ăn chăn nuôi... do rẻ hơn gạo tấm trong nước thì không có vấn đề gì. Quan trọng là chúng ta kiểm soát nguồn gốc, tiêu chuẩn...", ông Bình cho biết.
Lo ngại việc nhập quá nhiều gạo giá rẻ, cấp thấp sẽ ảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo trong nước nên cần siết lại, tháng 11/2022 Bộ Công thương lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 107/2018 kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo phục vụ nhu cầu trong nước, nhiều nhất từ Ấn Độ, như sản xuất thức ăn chăn nuôi, nấu bia... và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu.
"Việc nhập khẩu gạo giá thấp quá nhiều, không được quản lý, thống kê đầy đủ, khiến cơ quan quản lý lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và gián tiếp ảnh hưởng tới an ninh lương thực", Bộ Công Thương cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.