Nuôi 60 con trâu giữa "đồng không mông quạnh", lãi 300 triệu/năm

Thứ tư, ngày 21/02/2018 13:15 PM (GMT+7)
Nhạy bén, năng động, ông Nguyễn Tuấn Thọ, thôn Quang Biểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã tận dụng vùng đất trống mà khu công nghiệp chưa lấp đầy để nuôi tới 60 con trâu. Gặp ông sớm chiều chăm chút cho đàn trâu, luôn quan tâm, hiểu tập tính của từng con, nhiều người ví ông như Anh hùng Lao động Hồ Giáo.
Bình luận 0

“Mình thương nó, nó thương mình”

Diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Quang Châu ngày càng thu hẹp bởi người dân nơi đây đã dành quỹ đất cho xây dựng khu công nghiệp. Vậy mà trên vùng đất trống ở khu vực này thường xuyên xuất hiện đàn trâu khá đông, con nào con đấy béo mỡ màng. Thấy tôi băn khoăn, chị Nguyễn Thị Lương, cán bộ khuyến nông xã Quang Châu cho biết: “Đàn trâu đó là của một hộ trong xã”.

img

Bất ngờ với việc ở miền xuôi, người dân cũng có thể nuôi trâu số lượng lớn, không thua kém, thậm chí còn nhiều hơn miền núi nên tôi đã cất công tìm hiểu. Không khó để gặp người nuôi trâu mát tay và dám nghĩ, dám làm, vì ai trong làng, xã cũng biết đến. Đó là ông Nguyễn Tuấn Thọ, năm nay gần 50 tuổi.

Gặp ông Nguyễn Tuấn Thọ đúng vào đầu giờ chiều một ngày mùa đông, thấy khách quan tâm đến công việc của mình, ông khiêm tốn nói: “Có gì đâu, tôi chỉ là người chăn trâu bình thường như bao người khác thôi mà. Giờ ruộng đất của gia đình không còn nhiều thì phải xoay xở tìm cách làm mới”.

Dáng thấp đậm, đầu đội mũ cối cầm theo chiếc que tre, ông lùa đàn trâu vào khu đồng cỏ. Mấy chú nghé con chạy theo mẹ kêu “nghẹ nghẹ”; tiếng gặm cỏ soàn soạt của những con trâu tơ khiến cho khu đồng bớt vắng vẻ. Vài con trâu đực to lớn vẫn chưa chịu nhập đàn, lững thững lùi lại phía sau để ăn mầm trau từ gốc rạ. Bầy cò trắng bình thản mò tôm, tép dưới chân ruộng săm sắp nước, thi thoảng lại bay lên đậu trên lưng trâu.

Ông Thọ nói: “Như thường lệ, hễ trời hửng sáng, đàn trâu được đưa ra bãi cỏ; ngày rét thì thả muộn hơn. Hôm nay thời tiết ấm áp nên tôi thả trâu từ sáng sớm để chúng đằm dưới nước cho thoải mái. Buổi chiều mùa này nhanh tối đành phải đuổi chúng ăn theo lối về gần chuồng”. Đàn trâu có 60 con nhưng không con nào được sui sẹo hay dây thừng.

“Vậy làm sao để chúng không bị lạc và quản lý được? - tôi hỏi”. Ông Thọ tủm tỉm cười và đáp: “Chắc là mình thương nó nên nó thương mình. Đi đâu kiếm ăn chúng vẫn nhớ về chuồng”. Mặc dù không nói ra nhưng nhìn người đàn ông gần gũi, xoa xoa, vỗ vỗ vào lưng con trâu bụng căng tròn, tôi hiểu tình cảm của chủ nhân dành cho vật nuôi...

Để cả đàn đi đứng nền nếp, đỡ vất vả khi chăn thả, ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết huấn luyện. Ông chọn và rèn một con trâu đầu đàn. Chỉ tay về con trâu cao lớn, bộ sừng quặp đang mải miết ăn cỏ, ông bảo đó là con “chỉ huy” đấy. Cứ nó đi đâu thì cả đàn theo đó. Khi mới mua về, nó “bướng” và hung hăng, luôn rình húc con khác. Ông thường xuyên cho ăn và gần gũi để nó quen dần với chủ, chấp nhận tuân theo lệnh của ông.

Sau khoảng 2 tuần, trâu chỉ huy được thuần hóa, giờ đây, nó trở thành “nhạc trưởng” của cả đàn. Khi giơ máy ảnh lên chụp, con trâu này thấy người lạ, mắt trừng trừng tiến lại gần khiến tôi không khỏi sợ hãi. Ông Thọ đưa tay ra hiệu, giọng sang sảng “họ, họ”, vậy là nó đứng yên, mấy con kế bên đang húc đầu vào bụi cây, bờ cỏ cũng dừng lại ngẩng đầu khi nghe tiếng người chủ vang lên, sau đó cả đàn lại tiếp tục di chuyển lên bãi cỏ phía trên.

Dựng chuồng nhốt vật nuôi ở giữa “đồng không, mông quạnh”, đôi khi ông cũng cảm thấy không yên tâm. Thời gian đầu, đêm đêm một mình nằm trong chòi canh ông chẳng thể ngủ được vì hết lo kẻ xấu bắt trâu đi, lại lo đàn trâu phá chuồng, sổng ra ngoài hại lúa, rau màu của bà con... Thế rồi mãi cũng quen, âm thanh nhai lại cỏ sau một ngày kiếm ăn và bước chân rậm rịch đi lại trong chuồng của đàn trâu đã trở lên thân thuộc với ông Thọ.

Lão nông Nguyễn Tuấn Thọ tâm sự: “Nhiều đêm rét buốt, ngoài trời mưa rả rích thấy thương chúng quá, tôi lại dậy đi vòng quanh một lượt, kiểm tra mái che kín hay hở”. Và ngày qua ngày, thấy vật nuôi mau lớn, khỏe mạnh, người chủ không khỏi vui mừng.

Chú trọng khâu nhân giống

Ông Thọ đã chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi con “đầu cơ nghiệp” của mình. Từng làm nhiều nghề để mưu sinh song cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2014, nhìn những bãi đất trống đã được san lấp cỏ mọc um tùm, ông Thọ thầm tiếc.

Ông Thọ nói: “Ngày xưa tôi đi chăn trâu phải chịu khó tìm từng bờ ruộng chăn dắt rồi tranh thủ cắt cỏ cho chúng ăn. Vậy nay cỏ tốt ngập đầu gối mà bỏ hoang, thật lãng phí. Do đó, tôi nảy ra ý tưởng nuôi trâu”. Cùng với số vốn của gia đình, vay mượn người thân, ông Thọ mua 25 con trâu. Hiện nay, tổng đàn tăng gấp đôi so với trước. Mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường 20-25 con trâu thương phẩm, lãi hơn 300 triệu đồng.

img

Đàn trâu của gia đình ông Nguyễn Tuấn Thọ.

Nhiều người chạy theo xu hướng nuôi bò hàng hóa nhưng ông Thọ lại chọn trâu. Lý do là trâu dễ nuôi, phàm ăn, ít bệnh. Hơn nữa, đồng cỏ có sẵn, người nuôi chỉ mất công chăn thả, chi phí chăm sóc không nhiều. Tuy nhiên, những dịp hanh khô, đồng cỏ lụi cũng là thời điểm nguồn thức ăn cho trâu khan hiếm. Nhằm khắc phục tình trạng này, khi vào mùa thu hoạch lúa, cả gia đình ông đi gom rơm ở những chân ruộng mà người ta bỏ đi mang về phơi khô, đánh đống và cho vật nuôi ăn vào ngày giá rét hay mưa bão.

Đáng chú ý, ông Thọ luôn coi trọng khâu nhân giống. Thông thường, trâu hay sinh sản cách quãng, không đều. Thế nhưng những con trâu nái của gia đình ông hầu hết sau 12-14 tháng đẻ một lứa. Theo ông Thọ, có được kết quả ấy là do sau 1-2 năm, ông lại thay con đực giống. Việc tìm con vật thay thế cũng khá công phu. Ông thường đi khắp các tỉnh, thành phía Bắc để tìm.

Trâu đực giống phải có thân hình to, khỏe, cân đối và không bị "ngã nước" mới đạt. Ông có kinh nghiệm chọn giống nên đàn trâu sinh sản đều, khoảng 16-20 con/năm, bảo đảm chất lượng. Toàn bộ số nghé con được giữ lại nuôi thương phẩm. Trước nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng thịt trâu song tuyệt đối ông không dùng thức ăn công nghiệp mà chỉ sử dụng cỏ và bổ sung ngô, cám cùi hòa cho trâu uống vào những ngày giá buốt. Có lẽ vì vậy mà trâu của gia đình ông luôn bán được giá cao, khoảng 30-40 triệu đồng/con.

Cùng ông Thọ cả buổi chiều rong ruổi theo đàn trâu, tôi khâm phục sự tự tin, tinh thần lạc quan của người nông dân ấy. Bởi lẽ dù kinh tế không dư giả nhưng vẫn mạnh dạn bỏ ra cả trăm triệu đồng để nuôi trâu. Ông bảo: "Ngay khi đầu tư, tôi nghĩ chắc sẽ thắng nên chẳng có gì phải nghi ngại cả".

Chiều muộn, trời tối dần, màn sương lảng bảng buông trên mái nhà, ngọn cây cũng là lúc đàn trâu no nê, thủng thẳng quây quần về phía cửa chuồng trong làn mưa phùn lất phất. Ông Thọ nói: “Trời ấm áp thế này, mấy hôm nữa cỏ sẽ lên xanh tốt. Đàn trâu tha hồ ăn cỏ non”. Đưa mắt nhìn vợ đang lật lại chiếc bạt cho phẳng, ngăn gió lùa vào chuồng, ông không quên dặn: “Mai bà ra cửa hàng nhớ mua đạm để rắc ở xứ đồng quanh đây, khi mưa xuống, cỏ sẽ lên xanh”.

Chia tay tôi, ông Thọ bật mí, ông đang tìm thêm một số diện tích đất để thuê, mượn trồng cỏ, mở rộng quy mô đàn vật nuôi. Dáng người chủ vỗ về đàn trâu khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh Anh hùng Lao động Hồ Giáo với tình cảm trìu mến dành cho đàn bò của hợp tác xã bên đồng đất Ba Vì năm xưa.

Chưa ai trong tỉnh có cách làm sáng tạo trong nuôi trâu như ông Thọ, nhất là việc lai tạo giống. Nhờ đó, năng suất đàn trâu tăng, hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Trung tâm khuyến khích bà con nhân rộng cách làm này” - Ông Nguyễn Viết Thắng, Trưởng Phòng chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang)
Trịnh Lan (Báo Bắc Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem