Trang trại bồ câu
Đã chuẩn bị bước sang tuổi 60 với nhiều người là tuổi nghỉ hưu, nhưng ít ai nghĩ ông Chu Văn Tỵ ở thôn Kẻ, xã Quảng Minh (Việt Yên) vẫn hăng say lao động, đầu tư nuôi bồ câu mang lại thu nhập khiến nhiều người mơ ước. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tỵ cho biết, ý tưởng nuôi bồ câu là sở thích từ rất lâu rồi đối với ông, nhưng phải tới năm 2009 ông mới quyết định đầu tư xây dựng trang trại để nuôi với quy mô lớn.
"Lúc đầu, tôi phải đi tham quan khắp các trang trại nuôi bồ câu từ miền Bắc vào miền Nam. Hễ cứ có ai nói tới nuôi bồ câu là tôi bỏ tiền túi ra đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Khi có được những kinh nghiệm cơ bản tôi mới quyết định đầu tư, mở rộng trang trại để nuôi bồ câu với quy mô lớn" - ông Tỵ chia sẻ.
|
Nhờ nuôi chim bồ câu, mỗi năm ông Ty có thu nhập tới 200 triệu đồng. |
Năm 2009, sau khi đi tham quan, học hỏi cả miền Bắc lẫn miền Nam, ông Tỵ quyết định đầu tư mở rộng trang trại nuôi bồ câu. Ban đầu, ông mua 50 đôi bồ câu với giá 80.000 đồng/đôi. Từ 50 đôi bồ câu ban đầu, đến nay ông đã nhân lên được 400 đôi, trung bình mỗi ngày ông xuất ra thị trường 10 đôi chim thịt và chim giống.
Với mức giá trung bình chim thịt là 100.000 đồng/đôi, chim giống 150.000 đồng/đôi, trừ hết chi phí, lợi nhuận thu về của ông đạt 50.000 đồng/đôi chim. Tính ra, mỗi tháng ông Tỵ cũng "bỏ túi" từ 15-18 triệu đồng. "Bây giờ, cứ có chim là thương lái tới tận nhà thu mua để cung ứng cho người dân ở Bắc Giang và mang đi khắp các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…"- ông Tỵ thổ lộ.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tỵ còn bán giống và hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều bà con trong thôn nuôi bồ câu, phát triển kinh tế như các hộ gia đình ông May, ông Quyết, bà Chu Thị Mai… các hộ này hiện cũng đang bắt đầu nuôi từ 50 -70 đôi chim bồ câu, bắt đầu được xuất bán.
Dễ mà khó
Nói là "làm chơi, ăn thật", song thực ra nghề nuôi chim bồ câu cũng có nhiều khó khăn, bởi loại chim này thường hay bị mắc bệnh, mà đã mắc bệnh là rất khó chữa. Lý do, theo ông Tỵ, chim bồ câu cũng như các loại gia cầm khác, khi đã mắc bệnh rồi sẽ rất khó chữa, thậm chí có những bệnh không thể chữa được. Trong khi, nuôi với số lượng lớn, nếu để lây lan là có thể dẫn tới sạt nghiệp.
Với mức đầu tư khoảng 30 triệu đồng cả xây dựng chuồng trại và tiền giống, chỉ sau hơn 2 năm, ông Ty đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi bồ câu. Thời gian chăm sóc bồ câu đối với ông cũng chỉ mất có 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Thời gian sinh trưởng của bồ câu khá ngắn, trung bình 45 ngày sinh sản một lứa (gồm cả đẻ, ấp trứng, nuôi con). Để đảm bảo phòng bệnh cho bồ câu, ông Tỵ chia sẻ, đó là: Đầu tiên đòi hỏi chuồng trại phải luôn sạch sẽ, trung bình mỗi ngày phải dọn vệ sinh 2 lần. Để phòng bệnh cho bồ câu, cứ 1 tháng phải phun thuốc tiêu độc, khử trùng 2 lần và rắc vôi bột 1 lần. Chuồng trại phải làm thật kín, xung quanh căng lưới để không cho chim bay ra ngoài và đặc biệt là đảm bảo không cho chuột chui vào cắn chết chim.
Để đảm bảo chăm sóc cho bồ câu tốt nhất, ông Tỵ cũng tính chi li các chế độ ăn uống và tập tính của loài chim này. Với 400 đôi chim, trung bình mỗi ngày ông Tỵ cho ăn khoảng 30kg thóc; mỗi tuần 1kg muối trắng. Đồng thời với tập quán của loài chim này, 1 năm ông Tỵ lại đầu tư một khối cát trải xuống nền đất cho bồ câu. "Để loài bồ câu phát triển, chúng ăn rất nhiều muối, ngoài ra nếu nền chuồng trại lát gạch hay xi măng cần phải rải cát thêm để chúng tắm bọ, ăn cát giúp tiêu hoá thức ăn"- ông Tỵ nói.
Ông Tỵ cũng cho biết, muốn đảm bảo phòng bệnh an toàn, nếu thấy những con bồ câu có dấu hiệu bất thường, cần nhốt cách ly theo dõi và điều trị. Với những con chim non, ông Tỵ thường nhỏ thuốc phòng bệnh Newcastle, mỗi con nhỏ 4 giọt vào 2 mắt, 2 mũi.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.