Nuôi cá đồng trong ruộng lúa ở Hậu Giang, chả phải cho ăn, bắt bán hút hàng, thu nhập gấp đôi
Nuôi cá đồng trong ruộng lúa, trên bờ trồng rau ở Hậu Giang, nông dân có thu nhập tốt hơn hẳn
Bùi Út Mười
Thứ năm, ngày 24/10/2024 18:45 PM (GMT+7)
Trong nhiều năm gần đây, mô hình kết hợp nuôi cá trên ruộng lúa và trồng màu trên bờ đê đang dần chứng tỏ được hiệu quả kinh tế vượt trội, mang lại lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và môi trường ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Mô hình nuôi cá đồng trong ruộng lúa, trồng rau màu trên bờ tận dụng những lợi thế của việc kết hợp nuôi cá và trồng màu, cho phép các hộ nông dân gia tăng thu nhập từ nhiều nguồn.
Cụ thể, trong mùa vụ lúa, ruộng lúa được sử dụng để nuôi cá, trong khi bờ đê được tận dụng để trồng các loại cây màu như đậu, rau xanh hoặc hoa màu khác.
Điều này không chỉ giúp tăng cường sự đa dạng sinh học mà còn tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giúp gia tăng thu nhập lên đến 20-30% so với việc chỉ trồng lúa hoặc nuôi cá riêng lẻ.
Cá nuôi trên ruộng lúa có thể đạt trọng lượng tối ưu khi vụ lúa kết thúc, trong khi các loại màu trên bờ đê cũng mang lại thu nhập ổn định.
Việc tận dụng nguồn nước và thức ăn từ ruộng lúa để nuôi cá đồng giúp giảm chi phí thức ăn cho cá. Đồng thời, phân cá còn có thể bổ sung phân hữu cơ cho ruộng, giúp giảm chi phí đầu vào.
Mô hình này tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương, từ việc chăm sóc, thu hoạch cá đồng, thu hoạch màu cho đến các công việc liên quan đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình nuôi cá, có cá đồng trong ruộng lúa và trồng màu trên bờ đê của ông Hồ Ngọc Bình tại ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Trồng cây màu trên bờ đê giúp chống xói mòn và bảo vệ đất, đồng thời cải thiện chất lượng đất. Mô hình này cũng giúp duy trì và cải thiện hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ nguồn nước và tăng cường sự đa dạng sinh học.
Hiện nay, nhiều địa phương ở miền Tây Nam bộ như tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang và Hậu Giang đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, trồng màu trên bờ bao.
Cụ thể trên địa bàn thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tính đến đầu tháng 8 năm 2024 theo số liệu báo cáo của phòng kinh tế tổng diện tích nuôi cá ruộng là 607,85/1.045 ha nuôi trồng thủy sản, chiếm 58,17% tổng diện tích.
Ông Hồ Ngọc Bình, một nông dân tại ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đang áp dụng mô hình kết hợp cho biết: “Tôi rất hài lòng với mô hình này vì chỉ tốn tiền lưới chắn, cá giống, vịt giống và hạt giống, không tốn chi phí thức ăn cho cá, chỉ tốn ít thức ăn cho vịt và ít phân bón cho cây trồng trên bờ đê (khổ qua), rất nhẹ công chăm sóc...".
Theo ông Bình, sản phẩm thu về sau 3 tháng gồm có cá nuôi, cá đồng tự nhiên, ốc, cua, vịt và trái khổ qua. Mô hình này đem lại thu nhập khá cao trong mùa nước nổi.
"Ước tính tổng chi phí khoảng 20-30 triệu đồng/ha, tổng thu từ 80-90 triệu đồng/ha như vậy tôi thu về lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha/vụ mùa nước nổi. Còn nếu làm lúa vụ 3 đạt chỉ 30-40 triệu đồng/ha. Ngoài ra, phân cá thải ra làm tăng độ phì nhiêu cho đất, không tốn tiền mua phân bón. Tôi tin rằng đây là một giải pháp bền vững cho nông nghiệp.”
Nhằm tối ưu hóa hiệu quả của mô hình nuôi cá ruộng, trồng màu các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật nuôi cá và trồng màu. Đồng thời, việc đào tạo và hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng mô hình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng mô hình này ra các khu vực khác.
Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa kết hợp trồng màu trên bờ đê không chỉ giúp tăng cường thu nhập cho nông dân thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang).
Mô hình nuôi cá, kết hợp trồng màu này còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo sinh thái đồng ruộng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bản địa và phát triển bền vững nông nghiệp. Đây là một ví dụ điển hình về việc kết hợp các phương pháp sản xuất nông nghiệp truyền thống và hiện đại để đạt được hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.