Cách "dụ dỗ" các loại cá đồng kéo vô mương nước của ông nông dân trồng lúa hữu cơ Đồng Tháp
Ruộng lúa của nhà ông nông dân Đồng Tháp trồng kiểu gì mà dưới mương lại xuất hiện nhiều cá đồng đến thế?
Thứ hai, ngày 18/04/2022 06:03 AM (GMT+7)
Nền nông nghiệp nước ta vẫn còn loanh quanh câu chuyện sản xuất từ chú trọng sản lượng sang chất lượng thì hành vi tiêu dùng của thế giới đã khác. Đó là xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, không gây hiệu ứng nhà kính…
Câu chuyện được mùa, rớt giá rất hay xảy ra vào mùa thu hoạch rộ nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nông sản dễ rớt giá, thậm chí phải đổ đống ngoài đường bán rẻ. Và rồi tiếp theo sau đó là câu chuyện giải cứu.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nhận định: “Chúng ta không thể để cho thương lái hoành hành trong dân hoặc không thể nào cứ giải cứu hoài. Chúng ta phải làm cho ổn định lại, phải có quốc sách. Gắn nông dân với doanh nghiệp với thị trường. Bà con mình sản xuất manh mún là không thể giàu được”.
PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng cây ăn trái cần phải thay đổi nhiều nếu không thì xuất khẩu rất bấp bênh.
Từ trước đến nay, không riêng cây ăn trái mà cả nền sản xuất nông nghiệp chỉ chăm chăm vào việc phải đạt năng suất cao.
“Ở ta trồng cam, quýt mỗi vụ cho năng suất từ 80-100 tấn/hecta, trong khi các nước khác năng suất chỉ đạt 25 tấn/hecta nhưng họ trồng thưa, ít sâu bệnh. Nông dân mình trồng san sát nhau, không có lối đi. Chú trọng năng suất cao rất dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường”, PGS-TS Nguyễn Minh Châu nhận định.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ chia sẻ rằng trong một lần đi công tác tại Nhật Bản, ông được đối tác chiêu đãi đĩa xoài Đài Loan.
“Chỉ là nửa trái xoài nhưng họ trình bày rất đẹp, tuy nhiên ăn rất nhạt. Xoài Đài Loan không ngon bằng xoài của Việt Nam nhưng giá bán xoài Đài Loan là 300.000 đồng/kg. Tôi nghĩ tại sao xoài của Việt Nam không thể xuất sang các thị trường khó tính?”
Một trong những sản phẩm khởi nghiệp thành công hiện nay ở ĐBSCL là mật hoa dừa từ Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm). Tuy mới ra đời vào năm 2019 nhưng sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Anh Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Sokfarm chia sẻ: “Ngay từ đầu khi làm các sản phẩm từ mật hoa dừa như: nước uống, giấm, đường từ mật hoa dừa, vợ chồng tôi đã có kế hoạch xây nhà xưởng, sử dụng nguyên liệu hữu cơ và đầu tư để đạt được các chứng nhận như: ISO22000:2018, HACCP. Hiện nay, các sản phẩm của Sokfarm không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà còn xuất đi Nhật, Hà Lan, Hàn Quốc”.
Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ rằng khi còn ở cương vị là Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, ông tiếp xúc với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn. Nhiều nước trên thế giới không biết Đồng Tháp, An Giang ở đâu, thậm chí TP Cần Thơ chỉ nghe thoáng qua.
Nhưng khi nói Mekong Delta (ĐBSCL) thì ai cũng biết vì Mekong Delta được ghi trong sách và là một trong 3 đồng bằng lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý cần phải xây dựng thương hiệu cho cả đồng bằng thì sản phẩm sẽ dễ dàng xuất khẩu.
Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đang dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.
Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Xuất phát từ sự gia tăng mối quan tâm đối với các sản phẩm xanh trên toàn cầu, nhiều công ty đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường.
Tiêu dùng xanh là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng hưởng ứng như: gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi nilon…
“Bây giờ không phải sản xuất rẻ, chất lượng nữa mà quy trình canh tác không gây biến đổi khí hậu, không phát tán nhà kính, không hủy hoại môi trường… thế giới gọi là tiêu dùng xanh. Còn mình đang luẩn quẩn sản lượng qua chất lượng chưa xong, trong khi thị trường thế giới đã thay đổi. Tới một ngày nào đó, nông sản của mình không bán qua được châu Âu hay Mỹ nữa. Do vậy, việc tăng cường liên kết, kết nối là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và sự chuyển đổi nhanh trong xu thế tiêu dùng thế giới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nhiều năm qua, nông dân Nguyễn Anh Dũng (ở xã Định An (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã ứng dụng kỹ thuật để lai tạo các lúa giống lúa, đặc biệt là giống lúa Ngọc đỏ hương dứa, nay đã trở thành đặc sản mang thương hiệu Đồng Tháp. Đặc biệt hơn là hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo rất cao với protein cao gấp đôi so với gạo trắng hiện nay nhưng lượng đường thấp. Nhiều người gọi đây là “gạo thảo dược” và được bán với giá cao.
Ông Dũng cũng trồng lúa theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học nên dọc theo mương nước ở bờ ruộng có rất nhiều loại cá đồng. Mô hình này được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá rất cao. Với những thành tích đã đạt, năm 2021, ông Dũng được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.