Nuôi cá mú hàng tấn trong ao đất, ông nông dân Kiên Giang giàu lên như trúng số
Nuôi thứ cá bắt con nào lên trông cũng to bự, nông dân Kiên Giang giàu hẳn lên
Văn Phụng (Cổng TTĐT huyện Kiên Lương)
Chủ nhật, ngày 21/08/2022 05:53 AM (GMT+7)
Nói đến nuôi cá bống mú, mọi người thường nghĩ đến nghề nuôi cá lồng bè trên biển đang phát triển mạnh tại các xã ven biển và xã đảo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Bình An, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) đã thả nuôi thành công cá mú trong ao đất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Trần Kỳ Bá, ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) là một trong những hộ nuôi cá mú trong ao đất thành công tại huyện Kiên Lương trong nhiều năm qua.
Ông Bá cho biết, trước đây do đã có kinh nghiệm từ nuôi cá mú trên biển nên sau khi từ quê nhà An Giang chuyển đến huyện Kiên Lương sinh sống, gia đình ông bắt đầu triển khai thực hiện mô hình nuôi cá mú được hơn 10 năm nay.
Hiện với 1 ha mặt nước, ông Bá chia thành 7 ao nhỏ để nuôi cá, mỗi ao diện tích trên 100 mét vuông. “Với diện tích này, mỗi năm gia đình ông thả nuôi khoảng 15 ngàn cá giống có kích cỡ từ cỡ 5 – 8 cm hoặc 10 – 15 cm được nhập từ nước ngoài về.
Cá mú giống khi đem về thả nuôi, ông không thả liền mà vèo trong các mùng để cá thích nghi với nguồn nước trong ao”, ông Trần Kỳ Bá, ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, cho biết. Cũng theo ông Bá, mặc dù loại cá này thuộc dạng dễ nuôi nhưng để nuôi đạt quá trình chăm sóc cá cũng rất công phu.
Thời điểm cá dễ phát sinh dịch bệnh và hao hụt nhiều nhất là từ khi nhập cá giống về đến khi nuôi được khoảng 3 tháng, trong giai đoạn này người nuôi phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá cũng như theo dõi nguồn nước nuôi trong ao phải đảm bảo theo tiêu chuẩn thì cá mới khỏe và phát triển được.
\Mỗi năm gia đình ông Bá thu hoạch từ 5 đến 6 tấn cá, với giá cá thị trường hiện nay trên 200 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng. Trong ảnh, ông Trần Kỳ Bá (trái), trao đổi với cán bộ Hội Nông dân huyện Kiên Lương về quá trình sinh trưởng của cá mú
Đối với nguồn thức ăn cho cá mú là cá phân (cá tạp) cắt nhỏ, phù hợp với kích thước của từng giai đoạn phát triển của cá. Trong ảnh, ông Trần Kỳ Bá cho cá mú ăn.
Đối với nguồn thức ăn cho cá, ngoài thức ăn chính cá phân cắt nhỏ, phù hợp với kích thước của từng giai đoạn phát triển của cá, cá con khi mới đem về nuôi phải cho ăn bằng thức ăn xay nhuyễn cộng với tấm, cám nấu.
Khoảng 1 tuần phải thay nước ao nuôi 1 lần từ 30% đến 50% lượng nước hiện có trong ao. Trong khi nuôi phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước, giữ các chỉ số nước ổn định bảo đảm cho cá phát triển bình thường với độ mặn từ 10 – 23 ‰; pH từ 7.5 – 8.5 là thích hợp nhất. Sau 10 tháng thả nuôi, khi cá đạt trọng tượng từ 800g đến 1,3 kg/con thì xuất bán.
Ông Bá ước tính: “Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch từ 5 đến 6 tấn cá mú, với giá cá mú bán ra thị trường hiện nay trên 200 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình ổn định và dần vươn lên khá giả”.
Ông Đỗ Văn Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) cho biết, nghề nuôi cá bống mú trong ao đất là ngành nghề có triển vọng rất lớn, nhờ chi phí đầu tư vừa phải, cá ít bị bệnh, rất phù hợp ở vùng đất ven biển của xã.
Trước đây tại xã chỉ có vài hộ nuôi thành công, nhiều hộ khác đến học hỏi kinh nghiệm nuôi nên đến nay đã có trên 10 hộ gia đình thực hiện mô hình nuôi này. Từ sự phát triển đó, năm 2017 hội nông dân xã vận động các hộ nuôi thành lập tổ hợp tác nuôi cá mú trong ao đất với 11 thành viên, diện tích thả nuôi trên 20 ha.
Hàng năm các hộ nuôi này xuất bán trên 15 tấn, mang lại thu nhập cao cho bà con. “Hiện hội nông dân xã đang khuyến khích bà con tham gia thành lập hợp tác xã với 19 thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 35 ha, nhằm mở rộng diện tích thả nuôi và tăng sản lượng mỗi năm, nhắm đến xuất khẩu cá bống mú trong tương lai”, ông Đỗ Văn Út nói.
Từ hiệu quả của mô hình nuôi cá mú trong ao đất tại xã Bình An cho thấy đây là ngành nghề rất triển vọng tại huyện Kiên Lương vì là địa phương giáp biển. Mô hình cũng là điều kiện để bà con nông dân chuyển đổi vật nuôi phù hợp nhằm mang lại cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển chung của huyện với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.