Nùng Trí Cao là nhân vật lịch sử như thế nào dưới triều đại nhà Lý khiến một người Mỹ say mê nghiên cứu?

Đinh Ngọc Hải Thứ bảy, ngày 20/08/2022 05:14 AM (GMT+7)
Bằng tình yêu và lòng say mê với di sản văn hóa Nùng Trí Cao tại Cao Bằng, nhiều năm qua, anh Jame Anderson, quốc tịch Mỹ đã nghiên cứu, tìm hiểu kho lưu trữ của Thư viện tỉnh tìm tài liệu, sách báo, thư tịch cổ, di tích lịch sử, văn hóa và môi trường thiên nhiên...
Bình luận 0

Jame Anderson, quốc tịch Mỹ đã nghiên cứu, tìm hiểu kho lưu trữ của Thư viện tỉnh tìm tài liệu, sách báo, thư tịch cổ, di tích lịch sử, văn hóa và môi trường thiên nhiên liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhân vật lịch sử Nùng Trí Cao, góp phần gìn giữ, quảng bá di sản văn hóa Nùng Trí Cao đến với đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh.

    Nùng Trí Cao là nhân vật lịch sử như thế nào dưới triều đại nhà Lý khiến một người Mỹ say mê nghiên cứu? - Ảnh 1.

    Đền Bà Hoàng (Thành phố Cao Băng, tỉnh Cao Bằng) năm 1987 và đền Bà Hoàng tháng 9/2019.

    Mùa xuân năm 1997, tôi là cán bộ quản lý của Sở Văn hóa và Thông tin Cao Bằng, phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa nhận được giấy giới thiệu của Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đề nghị Sở Văn hóa và Thông tin Cao Bằng tạo điều kiện giúp anh sinh viên Jame Anderson vừa tốt nghiệp Khoa Lịch sử Đại học Washington lên nghiên cứu, tìm hiểu tại địa phương về nhân vật lịch sử Nùng Trí Cao. 

    Buổi đầu tiếp xúc với anh, tôi đọc qua giấy giới thiệu và quyển hộ chiếu được biết anh vừa mới 21 tuổi, muốn tìm hiểu một nhân vật lịch sử của dân tộc Việt Nam mà quê hương của danh nhân ấy lại là tỉnh Cao Bằng. 

    Trong suy nghĩ, tôi hiểu lòng say mê và nhiệt huyết đã cuốn hút anh đến Cao Bằng tìm hiểu, nghiên cứu để làm một điều gì lớn lao trong sự nghiệp của đời mình. Lần gặp đầu tiên ấy để lại trong tôi ấn tượng về anh sinh viên Hoa Kỳ say sưa tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.

    Đến Cao Bằng, việc đầu tiên anh nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, sách báo, thư tịch cổ, di tích lịch sử, văn hóa và môi trường thiên nhiên liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhân vật lịch sử Nùng Trí Cao tại kho lưu trữ Thư viện tỉnh.  

    Cách tiếp cận thứ hai của anh là gặp các cụ cao niên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà khoa học, những người đã có thời gian tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam vào thế kỷ thứ XI của Nùng Trí Cao (nhà Lý nước Đại Việt chống quân xâm lược nhà Tống. 

    Anh gặp các ông: Hoàng Triều Ân, Vương Hùng, Liêu Ngọc (Quảng Hòa), Lý Thị Tiêu - cán bộ Phòng Bảo tàng tỉnh cùng một số nhân vật có báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học về Nùng Trí Cao do Tỉnh ủy Cao Bằng phối hợp với Viện Sử học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 11/1992.

    Để hoàn thành công trình nghiên cứu, từ năm 1997 - 2002, anh James Anderson đã lên Cao Bằng nhiều lần. Cuốn sách của anh được xuất bản bằng Tiếng Anh năm 2002 tại Singapore dày 280 trang, khổ 18 x 22 cm có tên “The Rebel Den oj Nung Chi Cao, Loyalty and Identity Along the Sino - Vietnamese Forontier”, dịch: “Sào huyệt nổi dậy của Nùng Trí Cao - Lòng trung nghĩa và bản sắc dân tộc vùng biên giới Việt - Trung”. 

    Trong lời nói đầu và lời cảm ơn, tác giả đã đến các nước Thái Lan, Miến Điện, Singapore; Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, Viện Khoa học xã hội ở Quảng Châu, các huyện Long Châu, Tịnh Tây, Nà Po, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đặc biệt tác giả cảm ơn các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Phan Văn Các, Hà Văn Lâu của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã dành nhiều thời gian tư vấn giúp anh hoàn thành cuốn sách.

    Năm 2012, Tỉnh ủy Cao Bằng giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dịch 20 cuốn sách bản photo để các cơ quan nghiên cứu tham khảo tuyên truyền. Nội dung cuốn sách gồm 7 chương: Chương 1, ông vua vĩ đại Nùng Trí Cao - vai trò của một người nổi dậy trong việc hình thành bản sắc khu vực dọc vùng biên giới Việt - Trung; chương 2, sự kế thừa của chế độ cống nạp Đế chế Trung Hoa ở phía Nam - cân bằng sự hài hòa về lễ nghi với sự ổn định vùng biên giới; chương 3, các ví dụ về khu tự trị theo thỏa thuận - Các mối quan hệ Việt - Trung trước thế kỷ XI; chương 4, giành được tính hợp pháp trong thời kỳ lao đao của Đế chế - Các cộng đồng nói tiếng Tày bản địa dọc vùng biên giới Việt - Trung qua đầu thời kỳ Song; chương 5, nỗi ám ảnh của thế lực phía Nam - Cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao, phản đối triều đình và kế thừa Nam Việt; chương 6, lôi kéo “Các bè phái bất trung” - Vận động các liên minh vùng biên giới trong thời gian trước chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1075; chương 7, niềm tự hào to lớn - Những lễ kỷ niệm dọc vùng biên giới Việt - Trung về Nùng Trí Cao.

    Kể từ khi tôi nhận được cuốn sách viết về Nùng Trí Cao bằng Tiếng Anh xuất bản tại Singapore, anh James Anderson đề tặng năm 2002, chúng tôi ít có dịp trao đổi thông tin. Đến mùa thu năm 2019, trong một đợt công tác đến Hà Nội cùng với vợ (người Đài Loan), anh hỏi thăm những bạn bè cũ thời sinh viên ở Hà Nội, đến Viện Sử học Việt Nam hỏi thăm biết tôi đang làm việc tại Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng; anh ngỏ ý muốn thăm lại Cao Bằng, đặc biệt là đến với những di tích về Nùng Trí Cao mà anh có dịp khảo sát, nghiên cứu cách đây trên 20 năm.

    Nhận lời mời của chúng tôi, ngày 28 - 29/9/2019, anh đến Cao Bằng để kịp tối 30/9/2019 quay trở về Mỹ. Hai ngày ở Cao Bằng, anh đề nghị tôi đưa đi thăm một số di tích tại các địa phương mà anh đã đến khảo sát, thu thập, khai thác tư liệu cách đây trên 20 năm, gồm: Đền thờ Nùng Trí Cao, xã Sóc Hà; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng); cụm di tích chính đền thờ Nùng Trí Cao tại Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, đền bà Hoàng phường Sông Bằng (Thành phố); Khu di tích Nùng Trí Cao ở phố Quảng Uyên (Quảng Hòa). 

    Đến địa điểm di tích nào anh cũng chụp lại ảnh mới để đối chiếu với những tấm ảnh cũ mà anh đã chụp từ năm 1997. Trên đường đến các điểm di tích, anh James Anderson tâm sự: Tôi không ngờ tỉnh Cao Bằng lại quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích nhiều như vậy, trong khi kinh tế tỉnh còn nhiều khó khăn hơn các tỉnh miền xuôi, chắc chắn công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa được tỉnh quan tâm rất nhiều.

    Anh James Anderson hiện là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học nghệ thuật Hoa Kỳ. Trước khi rời Cao Bằng đến Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh tổ chức gặp gỡ, giao lưu, trao đổi một số công việc về bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ cây xanh, đặc biệt những cây cổ thụ là điều rất cần thiết trong khuôn viên di tích văn hóa, làm tăng thêm giá trị di sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là mối quan ngại đến cuộc sống của nhân loại.

    Hai tháng sau khi trở về Mỹ, anh James Anderson gửi cho tôi những dòng ký ức trong thời gian ngắn ngủi sau 20 năm mới có dịp thăm lại Cao Bằng: “Ký ức về các địa điểm văn hóa đối với người anh hùng dân tộc Nùng Trí Cao - quá khứ và hiện tại”. Anh viết: "... Tôi đã đến thăm các địa điểm di tích cách đây trên 20 năm và tôi thực sự muốn xem chúng được duy trì như thế nào trong những năm qua. Khi tôi ghé thăm những điểm này lần cuối, một vài năm đã không được sửa chữa và một lần đã bị phá hủy trong cuộc xung đột biên giới Việt - Trung năm 1979.

    Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy những thay đổi được thực hiện tại đền Kỳ Sầm bên ngoài thành phố Cao Bằng mà tôi chưa từng thấy vào năm 2001. Việc bảo tồn ngôi đền nguyên thủy và những cây xung quanh đã mang lại cho khu vực này một diện mạo rực rỡ và hấp dẫn. 

    Các bức tường bên ngoài được sơn màu rực rỡ và các phòng bên trong được trang trí tốt cho thấy rõ cấu trúc ngôi đền ban đầu đã được duy trì tốt như thế nào kể từ lần cuối tôi đến địa điểm này. Những cây phía trước ngôi đền được dán nhãn và chăm sóc tốt, điều này cho tôi thấy rằng các yếu tố môi trường tại địa điểm này cũng quan trọng không kém...

    Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa bởi những thay đổi trong ngôi đền A Nùng, ở ngoại ô Cao Bằng. Tôi đã không đến thăm ngôi đền này từ năm 1997 khi nó là một cấu trúc tạm thời được cư dân địa phương dựng lên và duy trì ở một số địa điểm khác nhau. 

    Ngôi đền vào năm 1997 bao gồm một vài tấm bạt nhựa và giàn giáo tre. Lần này chúng tôi được chào đón bởi một ngôi đền lớn và ấn tượng với khoảng sân rộng rãi. Tôi gặp một vài người phụ nữ đã trông coi và dọn dẹp ngôi đền thay mặt các vị khách trong cộng đồng, và họ chỉ cho thấy phần bên trong ngôi đền có chứa các bàn thờ cho A Nùng. Khung cảnh của ngôi đền A Nùng mới này rất ấn tượng và tôi rất vui khi thấy sự hỗ trợ cộng đồng mạnh mẽ như vậy cho ngôi đền này.

    Mức độ thay đổi và cải thiện lớn nhất là bằng chứng tại đền Nùng Trí Cao, nằm ở xã Sóc Hà của huyện Hà Quảng. Khu vực xung quanh ngôi đền này từng là nơi chiến đấu trong cuộc xung đột biên giới Trung - Việt năm 1979. Khi tôi lần đầu tiên đến thăm khu vực này vào năm 1997, chỉ có tấm bia đá được chôn trong lòng đất để bảo vệ nó. 

    Bây giờ có một ngôi đền lớn, ấn tượng, nằm sát bên tấm bia đã từng chôn cất. Tấm bia ở đúng vị trí của nó ở phía sau của ngôi đền mới ở một vị trí được tôn vinh phía sau bàn thờ chính. Những người giữ đền đã giới thiệu với tôi về sự di chuyển tấm bia từ nơi cất dấu đến địa điểm xây dựng ngôi đền mới như hiện nay...

    Nó làm tôi rất vui khi gặp lại tấm bia đá đặc biệt này, đó là một cổ vật lịch sử quan trọng đối với lịch sử địa phương của Nùng Trí Cao và con cháu của ông...".

    Tháng 10/2021, Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất bản - in và phát hành, trong quá trình thực hiện tủ sách: “Một dòng lịch sử - vạn câu chuyện đời” đã tham khảo các thông tin, tài liệu về nhân vật lịch sử Nùng Tr­­­í Cao rất phù hợp với tiêu chí của tủ sách mà đơn vị đang tổ chức xuất bản; đơn vị có thư đề nghị chúng tôi liên hệ, kết nối với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jame Anderon ở Mỹ để xuất bản cuốn sách bằng Tiếng Việt phục vụ đông đảo bạn đọc trong nước.

    Tôi gửi mail sang cho Tiến sĩ Jame Anderson, ít ngày sau Tiến sĩ trả lời tôi và bày tỏ lòng ngưỡng mộ về Cao Bằng là tỉnh cuối cùng của nước Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19. Việc Nhà xuất bản Hà Nội muốn dịch cuốn sách Nùng Trí Cao ra tiếng Việt, Tiến sĩ sẵn sàng tạo mọi điều kiện giúp đỡ, kể cả bản quyền tác giả. Tiến sĩ mong dịch bệnh qua đi nhanh chóng để chúng tôi sẽ gặp lại nhau tại Đài Loan như đã thỏa ước.

    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem