Vốn ham tìm tòi, học hỏi, vợ chồng chị Thôi đầu tư cải tạo và mở rộng khu chuồng nuôi heo thường trở thành khu chuồng trại nuôi nhím, heo rừng và chồn hương.
|
Khu nuôi lợn rừng của chị Thôi. |
Chị Thôi kể, đầu năm 2007, chị mua 8 cặp nhím giống giá hơn 100 triệu đồng, trong đó có 2 cặp đã trưởng thành. Nhím cái 16 tháng tuổi bắt đầu đẻ con, một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa thường đẻ 2 con. Nhím con 4 tháng tuổi hiện có giá 10 triệu đồng/cặp. Từ 2007 đến nay, vợ chồng chị đã bán hàng chục cặp, hiện đang có 19 cặp nhím bố mẹ.
Heo rừng được anh chị nuôi trong chuồng, kết hợp thả rông trên một đám đất rộng liền kề. Ban đầu, vợ chồng chị mua 2 đàn heo giống (gồm 2 heo mẹ, 16 heo con) và 1 heo đực giống. Heo rừng 6 tháng đẻ một lứa. Heo con 45 ngày tuổi được tách mẹ, nuôi riêng. Ba tháng tuổi, heo nặng 6-7kg, giá bán 1,5 triệu đồng/con.
Cùng với nhím, heo rừng, vợ chồng chị Thôi còn nuôi chồn hương. Theo chị Thôi, chồn hương mắn đẻ, mỗi lần đẻ tới 5-6 con. Hiện trên thị trường nguồn cung chưa đủ cầu. 6 tháng tuổi, chồn hương nặng khoảng 3kg, giá mỗi kg từ 1-1,3 triệu đồng.
Trong khu vườn rộng hơn 3.000m2, vợ chồng chị còn trồng nhiều loại rau quả để làm thức ăn cho các loài vật nuôi, có một hồ cá lớn để tăng thêm thu nhập và là nơi thả bèo làm thức ăn cho heo rừng.
Chị Thôi cho hay, nhím, heo rừng, chồn hương có sức đề kháng tốt, người nuôi không phải bận tâm về chuyện xử lý dịch bệnh; sản phẩm có thương lái đến tận nơi mua. Một điều hết sức quan trọng, khi nuôi các loài vật hoang dã là phải xin giấy phép của Chi cục Kiểm lâm và báo cáo với chính quyền địa phương. Khi bán sản phẩm cũng phải xin giấy phép vận chuyển để giao cho người mua.
“Mọi hồ sơ thủ tục, vợ chồng tôi đều được các cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng. Gia đình tôi luôn được các cơ quan thẩm quyền cùng chính quyền, đoàn thể địa phương động viên, tạo thuận lợi trong việc nuôi động vật hoang dã"- chị Thôi cho biết thêm.
Lê Văn Thơm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.