Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cho nông hộ nghèo: Nuôi gà đẻ trứng, dân nghèo có thực phẩm cho bữa ăn (bài 1)

Khương Lực Thứ năm, ngày 08/12/2022 09:11 AM (GMT+7)
Bà con người Mông, người Mảng ở xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã biết làm chuồng, thắp điện giữ ấm để nuôi gà đẻ trứng. Đây là kết quả mang lại từ Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" do Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện.
Bình luận 0

Cuối tháng 10/2022, 30 hộ dân ở 3 bản: Nậm Sảo 1, Nậm Nó 1, Nậm Nó 2 của xã Trung Chải được hỗ trợ gà giống từ mô hình chăn nuôi gà sinh sản do Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện.

Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cho nông hộ nghèo:  Nuôi gà đẻ trứng, dân nghèo có thực phẩm cho bữa ăn (bài 1) - Ảnh 1.

Người dân ở xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nhận 75 con gà sinh sản cùng thức ăn hỗ hợp, thuốc và vaccine phòng bệnh từ mô hình chăn nuôi gà sinh sản gắn với Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" do Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu triên khai thực hiện. Ảnh: N.Mai

 Làm chuồng, thắp điện giữ ấm cho đàn gà

Cơn gió mùa ùa về khiến miền sơn cước chìm trong giá lạnh. Những ngôi nhà tranh tre của bà con người Mảng ở bản Nậm Sỏ 1 cũng rung lên bần bật theo từng con gió Bấc. Bản nghèo hiện lên giữa bốn bề mây núi. Trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt của miền sơn cước, bà Lý Thị Chướng lại bận rộn hơn mọi ngày. Khi nghe đài báo gió mùa về, bà đã dùng bạt để che cho chuồng gà của gia đình. Một việc mà trong những năm trước đây, bà chưa từng làm. Sau khi che chắn cẩn thận, bà con đi mấy vòng kiểm tra. Bà chỉ lo, chỗ nào gió lùa làm đàn gà bị lạnh, lăn ra chết thì bà buồn lắm.

Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cho nông hộ nghèo:  Nuôi gà đẻ trứng, dân nghèo có thực phẩm cho bữa ăn (bài 1) - Ảnh 2.

Cùng với làm chuồng, thắp sáng bóng điện, bà con còn dùng bạt để che chắn cẩn thận, giữ ấm cho đàn gà.Ảnh: N. Mai

Nhà bà Chướng nghèo lắm! Cả năm bà chỉ quanh quẩn với mấy mảnh nương mà không đủ ăn. Bà chỉ mong có tiền mua vài con gà, con dê về nuôi, nhằm cải thiện cuộc sống. Cách đây mấy tháng, trong cuộc họp bản, gia đình bà may mắn nằm trong danh sách được hỗ trợ gà giống. Biết tin này bà vui lắm. Nhưng bà cũng lo lắng, mình đã nuôi gà tập trung bao giờ đâu. Hơn nữa, bà còn phải làm chuồng cho chúng ở. Nhà ở còn ọp ẹp, giờ lấy tiền ở đâu để làm chuồng gà.

Những băn khoăn của bà cuối cùng cũng có cách giải quyết. Cán bộ của chương trình đến tận nhà tư vấn, giúp đỡ bà làm chuồng để đưa đàn gà 75 con về nuôi. Trước đó, bà còn được cán bộ kĩ thuật hướng dẫn cách chăm sóc đàn gà, từ việc cho ăn, đến dọn chuồng trại và khi bị bệnh thì chữa trị ra sao.

Sau hơn một tháng nhận gà về nuôi, bà Chướng đã dần quen với việc nuôi chăm sóc chúng. Những năm trước đây, bà Chướng cũng nuôi gà, nhưng bà chỉ nuôi vài con để phục vụ cho gia đình. "Bây giờ nhà nước cho số lượng nhiều, gia đình sẽ làm chuồng trại và thắp sáng bóng điện để giữ ấm và cho gà ăn đầy đủ", bà Chúng cho biết.

Cũng giống như bà Chướng, 30 hộ dân khác ở xã Trung Chải nằm trong diện được hỗ trợ gà giống của nhà nước cũng đang chăm sóc đàn gà rất tốt. Bà con quen với việc nuôi gà thả rông, nay phải nuôi gà với số lượng lớn, nên họ gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống. Các hộ nghèo và cận nghèo được nhận gà giống đều làm chuồng chắc chắn để nuôi gà. Việc này trước đây gần như không hộ dân nào làm vì họ chăn nuôi hoàn toàn thả rông. Đây là sự thay đổi lớn trong nhận thức của bà con ngươi Mảng và người Mông.

Tiếp sức cho bà con nghèo vùng cao biên giới

Trung Chải là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi và sông suối, đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Xã Trung Chải có 300 hộ với 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Mảng sinh sống. 

Các hoạt động sản xuất tại địa phương vẫn chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp truyền thống, phương thức và kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất và chất lượng các sản phẩm hạn chế dẫn đời sống của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 lên tới trên 65%.

Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cho nông hộ nghèo:  Nuôi gà đẻ trứng, dân nghèo có thực phẩm cho bữa ăn (bài 1) - Ảnh 3.

Người dân tham gia mô hình chăn nuôi gà sinh sản ở Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nhận thức ăn hỗ hợp về nuôi gà. Ảnh: N. Mai

Ông Lò A Tư, Chủ tịch UBND xã Trung Chải là người sinh ra và lớn lên ở đất này, nên ông rất hiểu tâm tư của bà con dân tộc. Bao năm qua, cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy bà con khiến người cán bộ như ông cũng vô cùng tâm tư. Khi mô hình nuôi gà sinh sản hỗ trợ bà con con giống và thức ăn, lại còn có cán bộ kĩ thuật hướng dẫn chăn nuôi, ông Tư coi đây là cơ hội rất tốt để bà con nơi đây thay đổi nhận thức trong việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn hơn. 

Mô hình chăn nuôi gà sinh sản do Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện hỗ trợ 30 hộ dân ở xã Trung Chải 2.250 con gà giống 12 ngày tuổi, trung bình mỗi hộ được nhận 75 con. Cùng với đó, các hộ dân nhận được hơn 7.200kg thức ăn hỗn hợp; các loại vaccine phòng bệnh và 5.600 lít hoá chất sát trùng. 

Trước khi nuôi gà, các hộ tham gia dự án được tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật làm chuồng trại, chăm sóc và phòng bệnh cho đàn gà. Sau gần 1 tháng triển khai thực hiện cung ứng giống, thức ăn và thuốc thú y, đàn gà các hộ đạt tỷ lệ sống cao đạt trên 96% sinh trưởng và phát triển tốt.

Đáng giá về hiệu quả kinh tế, lãnh đạo Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu cho biết, sau 19 tuần nuôi chăm sóc gà bắt đầu đẻ trứng, tỷ lệ đẻ trứng của gà lúc này đạt khoảng 60-70%. Số lượng trứng lúc này các hộ có thể thu về được từ 30-35 quả mỗi ngày, với giá bán 4.000 đồng/quả thì doanh thu mỗi tháng của mỗi hộ tham gia dự án đạt khoảng từ 3.600.000 - 4.200.000 đồng. 

Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn đối ứng bằng sản xuất thêm các loại rau xanh, củ, quả …để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng, vitamin cho bữa ăn gia đình và bổ sung nguồn thức ăn trong chăn nuôi.

Trước đó, trong năm 2020, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) đã phối hợp cùng Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu triển khai dự án "Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp với trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng cho người dân" gắn với Chương trình "Không còn nạn đói" tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ. Chương trình đã mang lại hiệu quả rất lớn. Nó đã lan tỏa ra toàn xã, ngay cả những hộ dân không có trong danh sách hỗ trợ, họ cũng tự biết mua giống gà về chăn nuôi.

Dự án đã tập trung hỗ trợ các gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi, có phụ nữ mang thai và các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các mô hình nông nhiệp dinh dưỡng đã góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Ông Nguyễn Duy Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu cho biết: "Mục tiêu của chương trình là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và chăm sóc tốt hơn cho phụ nữ mang thai. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình hiệu quả".

Việc triển khai mô hình nông nghiệp dinh dưỡng trên địa bàn Lai Châu không chỉ tạo việc làm cho lao động nông thôn, mà còn thay đổi cách nghĩ, cách làm, đồng thời nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Qua đó, đảm bảo lương thực, thực phẩm đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân, từng bước nâng cao thể trạng tầm vóc của người dân. Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem