Vùng nghèo đầu tư dinh dưỡng cho nông hộ: Chế biến nông sản bản địa, giàu dinh dưỡng (bài cuối)

Khương Lực Chủ nhật, ngày 04/12/2022 12:12 PM (GMT+7)
Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa của 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn đã được hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăn nuôi gà và chuyển giao kỹ thuật bảo quản, chế biến sản phẩm thịt gà sấy khô, trứng thảo dược.
Bình luận 0

Đây là cơ hội để bà con nâng cao thu nhập, thay đổi phương thức sản xuất, đảm bảo bữa ăn có đủ dinh dưỡng cho gia đình.

Niềm vui đến với bản nghèo

Xã Sa Lý từng được coi là "ốc đảo" và nghèo nhất huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Bao năm qua, đời sống của bà con người Sán Chí, người Dao ở nơi này gặp nhiều khó khăn. Các mô hình sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu cầu tại chỗ của các hộ gia đình đơn giản, chỉ canh tác 1 vụ, không đủ cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của các hộ gia đình. Do vậy, tỷ lệ trẻ em ở nơi này bị suy dinh dưỡng luôn cao hơn so với các vùng khác. 

Các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống, mang tính chất thủ công trong hầu hết các khâu. Việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và chất lượng lương thực...

Theo ông Hoàng Văn Hương - Trưởng xóm Rãng, xã Sa Lý mấy năm gần đây bà con có tham gia trồng vải, nhưng giá vải bán quá rẻ. Nhiều người dân đã phải đi làm ăn xa vì ở địa phương mà có thể sống bằng trồng cấy là vô cùng gian nan. 

Trước thực trạng này, nhằm giúp bà con người dân tộc thiểu số nơi đây vươn lên trong cuộc sống, dự án xây dựng mô hình điểm về sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp bản địa đảm bảo dinh dưỡng, sử dụng tại chỗ cho người dân vùng khó khăn tại tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn được thực hiện trong năm 2022.

Vùng nghèo đầu tư dinh dưỡng cho nông hộ (kỳ cuối): Chế biến nông sản bản địa, giàu dinh dưỡng - Ảnh 1.

Anh Hoàng Văn Linh là 1 trong 10 hộ ở xóm Rãng, xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) được tham gia Dự án Xây dựng mô hình điểm về sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp bản địa.

Dự án xây dựng mô hình điểm về sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp bản địa đảm bảo dinh dưỡng, sử dụng tại chỗ cho người dân vùng khó khăn tại tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn đã chuyển giao kỹ thuật cho 2 mô hình sản xuất nông nghiệp bản địa, đảm bảo dinh dưỡng tại tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Mức hỗ trợ gồm 100 con gà giống lông màu và sản xuất 50 m2 rau/ hộ. Dự án cũng xây dựng và chuyển giao kỹ thuật 2 mô hình bảo quản, chế biến sản phẩm thịt gà sấy khô và trứng thảo dược. Mỗi hộ được hỗ trợ 50 quả trứng, 0,5kg thịt gà và các nguyên vật liệu khác phục vụ bảo quản, chế biến.

Gia đình anh Hoàng Văn Linh là 1 trong 10 hộ ở xóm Rãng, xã Sa Lý được tham gia dự án. Từ khi biết mình có trong danh sách được hỗ trợ, anh Linh đã chuẩn bị sẵn chuồng trại để nhận gà giống hỗ trợ về nuôi. 

Trước đây, gia đình anh Linh cũng nuôi gà bản địa. Ngày anh thả chúng ra vườn, tối gọi về cho ăn ít ngô, ít thóc. Nhưng từ khi nhận lời tham gia chương trình hỗ trợ, anh Linh đã có sự thay đổi trong cách chăn nuôi.

Thay vì thả rông gà, anh làm chuồng cẩn thận. Hơn nữa, bên cạnh sự hỗ trợ của chương trình, anh còn được tập huấn kỹ thuật làm sao nuôi con gà nhanh lớn, ít bệnh và tốn ít công hơn. Cùng chung niềm vui với anh Linh, ở xóm Rãng này còn có 9 hộ dân khác được nhận sự hỗ trợ từ chương trình. Bà con người Sán Chí đã sinh sống nhiều năm ở đất này, họ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô chăn nuôi. Khi chương trình này được triển khai, các hộ dân có cơ hội tiếp cận với cách chăn nuôi bài bản hơn.

Ông Hoàng Văn Hương cho biết: "Xóm vẫn còn 28% hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống thiếu thốn, nên bữa ăn dinh dưỡng trong các gia đình còn hạn chế. Chương trình hỗ trợ bà con nuôi gà là rất cần thiết. Đây là cơ hội để bà con cải thiện bữa ăn hàng ngày trong gia đình".

Theo kế hoạch của chương trình, 30 hộ dân ở Lạng Sơn cũng có cơ hội tham gia nuôi gà nhằm cải thiện dinh dưỡng. Từ hôm cán bộ dự án đến tiếp cận bà con, nhằm thuyết phục và giảng giải cho bà con nghe về lợi ích của việc gia tăng dinh dưỡng, bà Hoa -Trưởng thôn 2, xã Đào Viên, huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) cùng các hộ dân tham gia đã vỡ lẽ ra được nhiều điều. Để nâng cao thể trạng và thể chất cho con em mình, dinh dưỡng góp phần vô cùng quan trọng

Trong khi đó, bao năm qua, bà con nơi này gặp khó khăn quá, nên việc này ít được quan tâm. "Giờ đây bà con đã chuẩn bị đầy đủ chuồng trại và quyết tâm nuôi thành công đàn gà. Việc này gắn liền với lợi ích của bà con. Nếu họ làm tốt, chính các thành viên trong giaDđình là người được hưởng đầu tiên"- bà Hoa chia sẻ.

Xây dựng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng

Xây dựng mô hình điểm về sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp bản địa đảm bảo dinh dưỡng, sử dụng tại chỗ cho người dân vùng khó khăn tại tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn được thực hiện năm 2022. Dự án do 2 đơn vị Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) và Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang thực hiện.

Theo đó, dự án chuyển giao kỹ thuật cho 2 mô hình sản xuất nông nghiệp bản địa, đảm bảo dinh dưỡng tại tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn cho người dân địa phương. Mức hỗ trợ gồm 100 con gà giống lông màu và sản xuất 50m2 rau/hộ. Dự án cũng xây dựng và chuyển giao kỹ thuật 2 mô hình bảo quản, chế biến sản phẩm thịt gà sấy khô và trứng thảo dược. Mỗi hộ được hỗ trợ 50 quả trứng, 0,5kg thịt gà và các nguyên vật liệu khác phục vụ bảo quản, chế biến.

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có con dưới 5 tuổi là đối tượng được tham gia. Dự án nhằm cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là đối tượng bà mẹ mang thai, bà mẹ đang trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em. Mục đích của dự án là cải thiện chế độ dinh dưỡng, khả năng cung cấp thực phẩm tại chỗ cho người dân địa phương, góp phần nâng cao thể chất của trẻ nhỏ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Không dừng ở việc hỗ trợ, dự án còn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt cho các hộ dân tham gia. Từ đây, phong trào chăn nuôi nông hộ sẽ lan tỏa ra các hộ khác. Dự án được triển khai đã thay đổi nhận thức của người dân trong chăn nuôi gà lông màu theo hướng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu dân cư, đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn để cải thiện dinh dưỡng cho gia đình và cho cộng đồng. 

Ngoài ra, các hộ tham gia còn đối ứng bằng sản xuất thêm các loại rau xanh để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng, vitamin cho bữa ăn gia đình và bổ sung nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Dự án đã giúp người dân nơi đây thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc chăn nuôi. Các hộ tham gia dự án nắm được kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và kiến thức về dinh dưỡng để áp dụng trong sản xuất và chế độ dinh dưỡng cần bổ sung hằng ngày.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi theo quy mô nông hộ sẽ tận dụng được nguồn nguyên vật liệu sẵn có như rau, củ, bãi chăn thả tự nhiên, nguồn vật liệu tre nứa, gỗ sẵn có của địa phương để giảm chi phí chăn nuôi. Tạo công ăn việc làm cho các hộ tham gia dự án và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem