Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiện, anh Huỳnh Văn Chánh (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) mở trại nuôi dế ở một góc vườn cây ăn trái với 19 chuồng trên diện tích khoảng 120m2.
Nhiều người nuôi dế cho biết, vòng đời của dế chỉ tính bằng tháng. Bắt đầu từ khi dế bố mẹ giao phối, rồi đẻ trứng trong khay, cho ra dế non hay gọi là ấu trùng dế.
Sau đó, cứ mỗi lần lột xác dế sẽ lên một "tuổi". Đến khi "7 tuổi" tức là qua 7 lần lột xác, dế thịt được xuất bán. Lúc này, dế được gọi là dế "7 tuổi".
Theo anh Chánh, dế nuôi làm thức ăn cho chim, cá cảnh chỉ cần nuôi 28 – 30 ngày là xuất bán. Riêng với dế thịt bán cho quán ăn, nhà hàng phải mất 40 - 50 ngày nuôi.
Anh Chánh cũng cho biết, anh khởi nghiệp nuôi dế do chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Dòng đời dế ngắn nhanh xoay đồng vốn, dế tăng đàn mạnh, hiệu quả kinh tế tốt…
"Nuôi dế đơn giản, chỉ cần vệ sinh chuồng sạch sẽ là cầm chắc thắng trong tay", anh Chánh thổ lộ.
Theo đó, dế là loài vật sống thành đàn, dễ thích nghi với môi trường tự nhiên. Vì thế, muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất, chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, chuồng trại phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nơi mưa gió.
Loài dế rất mẫn cảm với thời tiết. Khi trời quá nóng hoặc quá lạnh chúng sẽ phát triển chậm, đẻ ít. Đặc biệt, mỗi chuồng cần bố trí thêm nhánh, lá cây khô, thùng giấy hoặc thùng phế liệu để tạo môi trường hoang dã cho dế ẩn trú hoặc bay nhảy một cách tự nhiên.
Thức ăn của dế chủ yếu rau, cỏ, củ, quả. Tuy nhiên, các loại thức ăn này phải không nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, anh Chánh còn bổ sung thức ăn cho dế bằng các loại cám nghiền nhỏ.
Theo anh Chánh, dế là loài không cần nước nhiều. Khi cho dế ăn chỉ cần phun sương nhẹ lên thức ăn là đủ. Đối với loại dế nhỏ thì không cần phun sương.
Do làm đúng quy trình, kỹ thuật nuôi dế mà anh Chánh tăng đàn dế rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn, anh đã tăng đàn từ 1 chuồng lên 19 chuồng dế.
Anh Chánh cho biết, từ khi mua 2 ổ trứng dế về, khoảng 7 - 10 ngày là trứng nở. Nuôi dế khoảng 25 - 30 ngày sau, anh đã có dế bán cho các cửa hàng bán chim, cá cảnh. Và nuôi dế 45 - 60 ngày anh Chánh đã có trứng dế bán, cũng như bán dế thương phẩm.
"Không nên nuôi dế quá lâu bởi tuổi thọ của loài dế chỉ trong vòng 60-70 ngày trở lại. Nếu nuôi dế vượt quá thời gian này dế tự chết vì quá già", anh Chánh lưu ý.
Hôm chúng tôi đến thăm trại dế cũng làm ngày anh Chánh thu hoạch dế bán cho các mối lái quen. Những con dế "7 tuổi" mập ú nu, bụng căng tròn bò nhốn nháo trong chuồng.
Theo anh Chánh, các mối lái thu mua dế của anh sẽ bán lại các cơ sở kinh doanh cá, chim cảnh, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Giá dế thịt trong năm 100.000 – 180.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Chánh còn bán trứng dế ra thị trường. Sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, mỗi tháng anh Chánh có thu khoảng chục triệu đồng.
Đại diện Hội Cựu chiến binh huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đánh giá, trại nuôi dế của anh Chánh chỉ mất khoảng 25 triệu đồng đầu tư.
Nhưng mỗi tháng cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng cho thấy mô hình mang lại hiệu quả khá tốt. Hội đang nhân rộng mô hình nuôi dế cho hội viên trong hội cựu chiến binh của huyện để giúp nâng cao thu nhập cho bà con.
Hiện, dế ngoài làm thức cho ăn chim, cá cảnh… còn được chế biến thành món ăn đặc sản khoái khẩu của những người sành ăn. Thịt dế rất giàu dinh dưỡng, cung cấp protein, vitamin và khoáng chất tuyệt vời. Dế có lượng sắt lớn hơn nhiều so với thịt bò.
Theo quy luật sinh học, một con dế mèn trước sau lột xác đến 8 lần. Và khi dế lột xác đến lần thứ 8, đương nhiên nó được lên 8 “tuổi”.
Khoảng cách thời gian giữa những lần lột xác của một con dế mèn trong vòng đời của nó thường mau, thưa khác nhau, chứ không đều, có nghĩa là 8 tuổi thì nó đã sống được trên cõi đời này khoảng 45-50 ngày.
Đối với một số giống dễ nuôi thương mại hiện nay, vòng đời của dế có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc tính loài, quy luật sinh học của dế để người nuôi bán dế thịt trước khi nó kết thúc vòng đời của mình. Vòng đời của dế ngắn nên nhiều người gọi là "con đoản mệnh"....
Vui lòng nhập nội dung bình luận.