Nuôi loại "cá tàu ngầm" trong ao ở Lâm Đồng, thấy nổi lên toàn con to bự thế này đây

Diệp Quỳnh Chủ nhật, ngày 23/06/2024 00:13 AM (GMT+7)
Cá tầm, thứ cá nước lạnh nổi tiếng của đất cao nguyên thường được nuôi tại những vùng nước suối đầu nguồn, lòng hồ thuỷ điện lớn, đảm bảo nhiệt độ thấp và nước sạch. Tuy nhiên, một mô hình nuôi cá tầm trong ao đất đã được thử nghiệm thành công và đang tìm nông hộ để chuyển giao mô hình nuôi cá nước lạnh giá rẻ.
Bình luận 0

Ông Lê Văn Diệu - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung cho biết, từ tháng 3/2023, Trung tâm đã thực hiện Mô hình Nuôi cá tầm trong ao đất. Đây là dự án thực hiện với sự “đặt hàng” của huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). 

Nuôi loại "cá tàu ngầm" trong ao ở Lâm Đồng, thấy nổi lên toàn con to bự thế này đây- Ảnh 1.

Cá tầm Siberia phát triển tốt trong ao đất.

Ông Diệu chia sẻ, khác với những mô hình nuôi cá nước lạnh thường có ở Lâm Đồng như bể xi măng lót bạt, bể composite có sẵn hệ thống chảy từ nguồn suối hoặc các vùng nước hồ thủy điện sâu, mát, dòng chảy tự nhiên, Trung tâm đã quyết định thử nghiệm một mô hình khá đặc biệt.

Ông cho biết, không chỉ có những loại cá tầm đòi hỏi nước lạnh, khá nhiều loại cá tầm thích ứng được với nhiệt độ nước trung bình. Vì vậy, dự án quyết tâm thực hiện Mô hình Nuôi cá tầm trong ao đất, vận dụng ao nuôi truyền thống của những vùng không có nước chảy.

Dẫn khách đi thăm ao nuôi cá tầm, ông Lê Văn Diệu cho biết, ao nuôi chỉ là ao đất bình thường, không cần quá sâu, chỉ cần ở mức 1,5 m - 1,7m là đáp ứng được yêu cầu. Sau đó, bà con có thể làm lồng với chiều cao 1,3 m trở lên. Lồng được làm bằng khung sắt, ngăn khoang cá bằng lưới nhựa, phía dưới có lớp lưới dày lót đáy. 

Ông Diệu chia sẻ: “Lồng nuôi cá tầm trong ao đất không cần quá phức tạp, chủ yếu hiện tại chúng tôi đang sử dụng lồng nổi và lồng cố định. Đáy lồng chỉ cần cách đáy ao khoảng 30 cm là đủ môi trường cho cá sinh sống và phát triển. Đây là công nghệ đơn giản nhất, chỉ cần ao nuôi và lồng là đủ, không cần có thêm những công nghệ phụ trợ khác".

Theo ông Lê Văn Diệu, từ tháng 3/2023, Trung tâm đã thả thử nghiệm cá tầm giống Siberia vào nuôi trong ao đất với mật độ từ 10 đến 13 con/m2, thấp hơn hình thức nuôi nước chảy truyền thống một chút. Mỗi con cá giống khoảng 50 gam, đến hiện tại đã có những con đạt 2 - 3 kg, tỷ lệ sống đạt 75 %, ngang với cá tầm nuôi tại các mô hình nước chảy. 

Có thể đánh giá, nuôi cá tầm trong ao đất đạt hiệu quả không kém so với các phương pháp nuôi cá tầm truyền thống khác của Lâm Đồng như nuôi cá tầm trong lòng hồ, nuôi cá tầm trong bể lót bạt... 

Hiện tại, bầy cá tầm nuôi trong ao đất đã có thể xuất bán, nhiều con đạt cân nặng vượt trội, mô hình được đánh giá thành công xuất sắc.

Ông Diệu cho biết, nuôi cá tầm trong lồng trong ao đất là công nghệ nuôi khá đơn giản, phù hợp với hầu hết các nông hộ ở hai vùng Đức Trọng và Lâm Hà. 

“Chúng tôi vận động nông dân, những nông hộ đã có sẵn ao đất trước đó đang nuôi các loại cá khác có thể đầu tư để chuyển sang nuôi cá tầm. Một ao rộng 1.500 m2, kể cả chi phí làm lồng lẫn chi phí giống cho 1.500 con chỉ khoảng 300 triệu đồng. Một năm có thể thu 2,5 tấn cá, doanh thu 500 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận có thể đạt tới 50 - 70%".

Tuy nhiên, ông Lê Văn Diệu cũng đưa ra một vài khuyến cáo để nông dân tiếp cận với Mô hình Nuôi cá tầm trong ao đất. 

Thứ nhất, bà con cần giữ nguồn nước sạch và ổn định, không canh tác nhiều quanh ao, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trôi xuống ao qua những trận mưa. 

Nuôi cá tầm trong ao đất cần chú ý tới lượng bùn, phải bố trí lồng cá gần hố thoát bùn, thường xuyên xả bùn theo kế hoạch để đảm bảo nước ao sạch. 

Và để đảm bảo, nông dân có thể thả cá với mật độ thưa hơn các mô hình nuôi cá tầm khác. Cá tầm Siberia Nga có thể chịu đựng được nhiệt độ nước lên tới 28°C, vì vậy, con cá tầm hoàn toàn có thể sinh sống được ở điều kiện tự nhiên trong ao đất.

Cũng do yêu cầu thời tiết, nông dân cần lấy nguồn giống uy tín, rõ ràng, cá khỏe, được bảo hành từ công ty. 

Ông Lê Văn Diệu cho hay, nhận thấy hiệu quả của Mô hình Nuôi cá tầm trong ao đất, với chi phí thấp và tỷ suất lợi nhuận cao, trung tâm đang tìm kiếm các nông hộ để chuyển giao kĩ thuật, nhằm đem lại một mô hình kinh tế hiệu quả cho người nông dân.

Vừa qua, Hội Nông dân huyện Đức Trọng đã tổ chức tham quan, tìm hiểu mô hình và định hướng chuyển giao cho nông dân. 

Đây là một mô hình khá hiệu quả, phù hợp với điều kiện ao nuôi có sẵn cũng như mức đầu tư vừa phải, phù hợp với người nông dân. Hy vọng trong tương lai gần, sẽ có những ao đất của nông dân nuôi cá tầm bên cạnh những trại cá tầm đầu tư lớn với quy mô rộng. Đây cũng là một hướng mở cho những nông hộ vùng Đức Trọng, Lâm Hà để phát triển kinh tế.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem