Nuôi con đặc sản, thò tay xuống sờ thấy toàn con to, bác nông dân Trà Vinh thu nhập tốt, trả lương khá

Thứ bảy, ngày 22/10/2022 05:00 AM (GMT+7)
Tuy tuổi đã ngoài 60, nhưng cựu chiến binh (CCB) Thạch Siriêne, hội viên Chi hội CCB Khóm 9, phường 7, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) vẫn miệt mài kinh doanh, đầu tư cơ sở sản xuất nước tinh khiết và mô hình nuôi lươn không bùn.
Bình luận 0

Ông là tấm gương điển hình của Hội Cựu Chiến binh phường 7, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và được nhận danh hiệu “Hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2020”, là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Nuôi con đặc sản, thò tay xuống sờ thấy toàn con to, bác nông dân Trà Vinh thu nhập tốt, trả lương khá - Ảnh 1.

Ông Thạch Siriêne (phải) giới thiệu mô hình nuôi lươn với Chủ tịch Hội CCB phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. 

Tôi có dịp theo chân ông Nguyễn Minh Thới, Chủ tịch Hội CCB phường 7, đến thăm gia đình ông Thạch Siriêne. 

Nghe nói có phóng viên báo đến thăm, ông ngần ngại và khiêm tốn nói: tôi ngại tiếp xúc với báo, đài, bởi thấy bản thân vẫn chưa làm được gì nổi bật, cần phải học tập, phấn đấu nhiều hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh.

Đưa chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi lươn, ông nói: chính vì sự đam mê, ham học hỏi nên tôi cảm thấy thích thú với mô hình nuôi lươn. 

Tôi tìm đến tỉnh Tiền Giang để mua lươn giống. Lúc đầu, chỉ nuôi thử nghiệm 01 hồ nhỏ tại nhà và chưa có kinh nghiệm nên nuôi thất thoát rất nhiều. Để tìm hiểu sâu về kỹ thuật nuôi, tôi tiếp tục nghiên cứu các bài viết, tài liệu của các kỹ sư, các chuyên gia nuôi lươn trên báo điện tử. 

Qua đó biết được, mô hình nuôi lươn này cần có tính kiên trì và đòi hỏi sự quan sát trong quá trình lươn sinh trưởng cũng như sinh sản. Tích lũy kinh nghiệm, một ngày tôi quan sát hồ nuôi từ 02 - 03 lần, đặc biệt là lúc cho lươn ăn xong, để xem lươn có biểu hiện gì bất thường thì tìm cách xử lý ngay.

CCB Thạch Siriêne chia sẻ: lúc đầu tôi nuôi lươn thất bại, do chưa biết liều lượng thức ăn, vệ sinh hồ nuôi... nhưng tôi không nản chí, tôi tìm đọc trên báo, đài những kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc lươn, như trước khi nuôi cần phải lựa chọn thật kỹ giống lươn; khi lươn sinh sản thì gom trứng về ấp, thời điểm này sẽ nuôi lươn trong hồ có bùn. 

Tiếp đó, trứng lươn sẽ nở ra rồi đưa vào hồ xi-măng để nuôi. Để lươn có nơi trú ẩn, tôi buộc dây ni-lông thả xuống hồ. Dây ni-lông cũng cần vệ sinh giặt sạch, phơi khô để lươn có nơi trú ẩn tốt. Chế độ ăn phải đúng liều lượng, ăn ít lươn không đủ chất dinh dưỡng chậm lớn còn quá nhiều thì khó tiêu nên sẽ chết…

Tính đến nay, CCB Thạch Siriêne đã nuôi lươn được khoảng 7 năm với 22 hồ nuôi. Mỗi hồ ông thả nuôi khoảng 2.000 con với diện tích là 04m2. Tính ra một năm ông nuôi được 1 vụ lươn (8 tháng). Số vốn bỏ ra mua giống là khoảng 200 triệu đồng. Một hồ lươn khi thu hoạch khoảng 350kg, giá hiện nay là 120.000 đồng/kg. 

Theo ước tính, sau mỗi vụ thu hoạch trừ đi chi phí mỗi hồ nuôi lươn không bùn của gia đình CCB Thạch Siriêne còn lời gần 20 triệu đồng.

Không chỉ có sở thích khám phá và thực hiện thành công mô hình nuôi lươn, hơn 20 năm qua cựu chiến binh Thạch Siriêne còn gầy dựng được Cơ sở sản xuất nước tinh khiết mang nhãn hiệu Việt An. Hiện nay, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất được khoảng 40 tấn công suất. 

Cơ sở của ông không chỉ là nguồn thu nhập chính của gia đình mà còn tạo được công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động nghèo tại địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 06 triệu đồng/người/tháng.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng cựu chiến binh Thạch Siriêne đã từng trải qua những gian khó trong quá khứ. 

Ông kể: năm 1979 khi học xong chương trình phổ thông, tôi tham gia Đội quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia. Đến năm 1985, tôi trở về địa phương và lập gia đình. Đời sống khó khăn, không nghề nghiệp ổn định, tôi làm thuê theo thời vụ, chạy xe ba gác và xây dựng cơ sở sản xuất nước đá bẹ…

Nghề nào cũng vậy, cần có tính kiên nhẫn và học hỏi tiếp thu những cái mới. Gặp khó khăn thì mình hỏi bạn bè, tìm đọc trên sách báo, các phương tiện truyền thông... để khắc phục, chứ không nên bỏ cuộc. 

Tôi nghĩ, nghề nào cũng vậy, cũng có thể làm giàu được nếu mình có đam mê gắn bó với nghề. Đó cũng là một trong những cách mà tôi học tập và làm theo tấm gương của Bác- ông Thạch Siriêne chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Thới, Chủ tịch Hội CCB phường 7, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) cho biết: ông Thạch Siriêne là CCB chịu khó học hỏi, cần cù và sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. 

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ những hộ khó khăn. Cụ thể như, ở gần nhà ông có 10 hộ dân khó khăn không đủ điều kiện để kéo điện nước, ông lắp đặt giếng khoan, kéo điện cho các hộ sử dụng và miễn phí tiền điện hàng tháng.

Có được những thành quả nhất định, nhưng đến nay CCB Thạch Siriêne vẫn miệt mài tìm tòi, nghiên cứu để áp dụng vào sản xuất. Bởi ông tâm niệm rằng: “Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kim Tươi (Báo Trà Vinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem