Nuôi con đặc sản trong bể xi măng, xịt nước xuống thấy dày đặc, nông dân nơi này ở Trà Vinh trúng lớn

Thứ năm, ngày 22/06/2023 18:52 PM (GMT+7)
Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi-măng. Đây là mô hình nuôi lươn không bùn vừa được thực hiện thí điểm thành công tại 4 hộ dân ở xã Nhị Long và Nhị Long Phú, huyện Càng Long.
Bình luận 0

Trước đó, tháng 3/2022, Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 4 hộ dân này thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. 

Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 1.000 con lươn giống; một phần chi phí thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh, men vi sinh; thả nuôi theo mật độ 60 con/m2 trong bể xi măng. 

Đồng thời, các hộ được tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi lươn, cách chuẩn bị bể nuôi, các loại máy móc và thiết bị cần thiết; cách phòng và trị bệnh…

Sau 08 tháng thả nuôi, lươn đạt tỷ lệ sống bình quân 90%, trọng lượng trung bình 250 gram/con. Như vậy, với giá bán 110.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí (kể cả chi phí hỗ trợ và xây dựng bể xi-măng), mỗi hộ đạt lợi nhuận bình quân khoảng 7 triệu đồng. 

Đây là vụ đầu có chi phí xây bể xi-măng, còn những vụ sản xuất sau, lợi nhuận đạt khoảng 10 triệu đồng/1.000 con lươn giống.

Nuôi con đặc sản trong bể xi măng, xịt nước xuống thấy dày đặc, nông dân nơi này ở Trà Vinh trúng lớn - Ảnh 1.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi-măng tại hộ ông Thân Văn Thọ, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long do Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ thực hiện.

Ông Thân Văn Nhân, xã Nhị Long, huyện Càng Long - một trong những hộ được hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình cho biết, thời gian qua, nhiều hộ nuôi lươn ở địa phương không thành công. Nguyên nhân là các hộ không nắm rõ quy trình kỹ thuật nuôi lươn không bùn.

Cùng đó là những hạn chế do mua lươn giống không rõ nguồn gốc nên tỷ lệ sống đạt không cao; chi phí đầu tư nhiều; dịch bệnh thường xuyên xảy ra…

Vì vậy, việc xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xây xi măng giúp cho nông dân nắm vững kỹ thuật nuôi, tiết kiệm chi phí, tạo ra lươn thương phẩm có chất lượng tốt, bán được giá cao, tăng thu nhập, giúp nghề nuôi lươn phát triển bền vững. 

Ông Thân Văn Nhân cho hay, hiện nay, thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm khá ổn định. Vì vậy, gia đình ông dự định tăng số lượng thả giống lên 4.000 con cho vụ sản xuất tới.

Theo đồng chí Nguyễn Hùng Mận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh, quá trình nuôi lươn đòi hỏi các yếu tố nghiêm ngặt về con giống, môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn, loại bể nuôi, quy trình chăm sóc…

Nuôi lươn trong bể xi măng cần thường xuyên bổ sung vitamin và men tiêu hóa; định kỳ xổ ký sinh trùng, giải độc gan... để tăng sức đề kháng cho lươn.

Ở những tháng thời tiết lạnh, lươn thường xảy ra bệnh, đặc biệt nấm thủy mi. Do vậy, người nuôi cần chủ động che chắn giữ ấm bể nuôi, định kỳ diệt khuẩn cho lươn. Các hộ nuôi cần phân cỡ tách những con lươn nhỏ ra để tránh bị lươn to ăn lươn nhỏ.

Đồng chí Nguyễn Hùng Mận lưu ý, quá trình nuôi, nguồn nước rất quan trọng, hằng ngày phải thay nước cho lươn từ 2-3 lần, nước cần được xử lý thật kỹ trước khi thay cho lươn để tránh gây sốc, xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi lượng thức ăn cho lươn ăn để tránh dư thừa gây lãng phí thức ăn, làm ô nhiễm nguồn nước dễ xảy ra dịch bệnh.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xây xi măng không cần quá nhiều diện tích đất sản xuất. Mỗi hộ có thể nuôi từ 05 bể trở lên, với 15m2/bể có thể thả nuôi từ 1.000 - 1.500 con giống, giá bán 110.000 - 120.000 đồng/kg, người nuôi đảm bảo đạt lợi nhuận tối thiểu 35 triệu đồng vụ sản xuất đầu và 50 triệu đối với những vụ sản xuất tiếp theo.

Đây là mô hình phù hợp nhân rộng với các nông hộ ít đất sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn, cải thiện thu nhập gia đình. Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho người dân nhân rộng mô hình này tại các địa phương trong tỉnh.

Tỉnh Trà Vinh hiện có khoảng 200 hộ nuôi lươn tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Cầu Kè, Duyên Hải. 

Để nghề nuôi lươn phát triển hiệu quả và bền vững, ngoài yếu tố chất lượng con giống, ứng dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, ngành chức năng cũng cần định hướng cho nông dân trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm.

Thanh Hòa (Báo Trà Vinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem