Nuôi ốc bươu đen dưới mương nước, thả thêm bông súng, vườn nhà ở An Giang đẹp mà có tiền
Nuôi con đặc sản dưới mương nước, trồng thêm hoa súng, vườn nhà ở An Giang đẹp, tiền rủng rỉnh
Thứ hai, ngày 24/04/2023 05:05 AM (GMT+7)
Được người quen cho mượn 2 mương ao đất trống với diện tích 14.000m2, cộng thêm việc nắm bắt nhu cầu của thị trường, ông Đỗ Văn Nhiều (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cải tạo môi trường thuận lợi để phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen.
Với mô hình nuôi ốc bươu đen, ông Nhiều vừa bán được ốc bươu đen thương phẩm, vừa cung cấp lượng ốc giống cho những nông hộ có nhu cầu phát triển.
Đến nay, mô hình nuôi ốc bươu đen của ông Nhiều phát triển gần 6 năm. Thời gian đầu, được người quen cho mượn 2 ao đất trống, ông Nhiều chủ yếu trồng bông súng, thả một số loại cá để phát triển tự nhiên, nhờ vậy có được nguồn thu mỗi ngày.
Thấy được môi trường nước thuận lợi cho ốc phát triển, không bị ốc bươu vàng tấn công, ông Nhiều mua ốc giống thả xuống ao để nuôi thử nghiệm.
Bất ngờ, chỉ từ nguồn thức ăn tự nhiên, như: Rong rêu, lá bông súng già, ốc sinh sôi nảy nở nhanh chóng nên sau 3,5 tháng có thể thu hoạch. Trong những năm đầu, ốc trong ao nuôi của ông Nhiều phát triển tự nhiên, từ sinh trưởng đến đẻ trứng.
Tuy nhiên, sau vài năm, do ảnh hưởng bởi thời tiết nắng hạn nhiều, làm trứng bị khô, không nở được. Thấy vậy, ông Nhiều bắt đầu thu gom, áp dụng kỹ thuật ấp trứng ốc.
Ông Nhiều cho biết, thông thường khi đến lúc đẻ trứng, ốc sẽ bò lên cặp mé bờ và đẻ theo từng ổ, nên việc thu gom trứng dễ dàng hơn. Ổ trứng sau khi gom được xếp đều vào thùng xốp, rải 1 lớp cỏ hoặc rơm mềm tạo độ ẩm cho trứng nở.
Sau khoảng 13 ngày, trứng ốc sẽ từ màu trắng đổi sang xám, đây là thời điểm ốc chuẩn bị nở thành con. Sau khi trứng nở, ốc con sẽ được dưỡng lại trong vèo dưới ao, đến khi ốc con khoảng bằng đầu ngón tay út, có thể thả tiếp vào ao nuôi hoặc xuất bán cho những hộ muốn phát triển mô hình.
Ông Nhiều, nông dân nuôi ốc bươu đen trong mương ao, trồng thêm bông súng. Mô hình nuôi ốc bươu đen của ông tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).
Theo ông Nhiều, đối với mô hình nuôi ốc, nói khó không khó, dễ cũng không dễ vì chưa có nhiều người thành công. Ốc được nuôi trong môi trường tự nhiên, phát triển rất nhanh, ít hao hụt, người nuôi nhẹ chi phí.
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu nuôi ốc, bà con phải chuẩn bị ao nuôi có nguồn nước sạch, không bị nhiễm phèn hay bị ốc bươu vàng tấn công. Ngoài ra, phải tiến hành loại bỏ những loài cá thích ăn ốc trong ao để tránh hao hụt.
Bên cạnh đó, trong ao phải tạo được môi trường nuôi có nhiều thức ăn, ụ đất để ốc có chỗ bám, đẻ trứng… Thức ăn chính của ốc là những loại thực vật thủy sinh, vi sinh vật có trong bùn non, bởi vậy trong ao nuôi, ông Nhiều trồng thêm nhiều bông súng, vừa tạo độ mát cho ao, vừa giúp ốc có thêm thức ăn.
Không giống như ốc bươu vàng phá hoại tất cả các loại cây trồng, ốc bươu đen được nuôi trong ao bông súng chỉ ăn những lá già, nên bông súng vẫn phát triển và cho thu hoạch thường xuyên. Ngoài lượng bông súng có trong ao, ông Nhiều còn gom lá cải dạt của các tiểu thương ngoài chợ về cho ăn bổ sung thêm.
“Nhờ vậy, ốc lớn nhanh, mập mạp, thịt trắng, không có mùi tanh nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cứ chiều là bỏ cải xuống cho ốc ăn thêm, sáng thì nó còn bám trên lá cải, nhờ vớt sớm, nên lựa được ốc lớn. Người ta mua một vài ký, tôi cũng đi giao. Ốc mình nuôi tự nhiên nên ăn ngon rồi được giới thiệu, nhờ vậy bán được lai rai, có đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống hàng ngày” - ông Nhiều chia sẻ.
Giá ốc hiện nay dao động theo thị trường, mùa nắng, ốc khan hiếm nên giá thường cao hơn, từ 50.000-60.000 đồng/kg, còn mùa mưa là mùa thuận lợi cho ốc sinh trưởng nên số lượng nhiều, giá trung bình khoảng 30.000-40.000 đồng/kg.
Ngoài nguồn thu nhập từ bông súng, nguồn thu từ ốc bươu đen cũng giúp ông Nhiều cải thiện được kinh tế. Nhờ biết cách chăm sóc, hiểu được đặc tính của con ốc bươu đen, chỉ thu hoạch ốc lớn, còn ốc nhỏ được dưỡng lại nên mỗi ngày ông Nhiều đều có ốc để giao cho khách hàng.
Ông Nhiều thu hoạch ốc bươu đen thương phẩm. Do môi trường tốt, chăm sóc tốt nên kích cỡ các con ốc bươu đen trong mương ao khá đồng đều.
“Nói là thu hoạch lai rai mỗi ngày, nhưng vì là ốc được nuôi và phát triển tự nhiên, nên khi thu hoạch chừng 1 tháng thì phải tạm ngưng 1-2 tuần để dưỡng cho lượng ốc nhỏ đủ lớn” - ông Nhiều giải thích thêm.
Hiện nay, lượng ốc bươu đen trong tự nhiên gần như đã khan hiếm, trong khi thị trường lại có nhu cầu cao, nhất là ở những quán ăn, nhà hàng lớn vì có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.
Chính vì vậy, mô hình nuôi ốc bươu đen đang được nhiều nông dân quan tâm và mong muốn đầu tư phát triển. Dù vẫn có người nuôi đạt hiệu quả, điển hình như ông Nhiều, tuy nhiên tỷ lệ thành công của các mô hình nuôi ốc chưa nhiều, từ nuôi thả tự nhiên hay nuôi trong vèo lưới, bể bạt…
“Đối với con ốc bươu đen này, môi trường ao nuôi rất quan trọng, nước phải sạch, không bị nhiễm tạp chất. Muốn cho ốc mau lớn thì ngoài lượng thức ăn thiên nhiên có sẵn trong ao thì có thể cho ăn thêm rau, củ, quả. Tuy nhiên, cho ăn có liều lượng vừa phải, tránh tình trạng cho ăn quá nhiều làm dơ nước mà ốc lại khó tiêu hóa, dễ chết, hao hụt mà người nuôi không hay” - ông Nhiều thiệt tình chia sẻ kinh nghiệm.
Trước khi phát triển mô hình kinh tế, dù là chăn nuôi hay trồng trọt, nông dân cần phải học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh, cũng như tìm hiểu thị trường… Đây là yếu tố quyết định đến sự thành công của mô hình, giúp nông hộ có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.