Nuôi ngao giống ngoài biển, mỗi năm dân xã này của Thái Bình đãi cát ra hơn 20 tỷ chứ mấy
Nuôi con gì ở nước mặn mà dân xã này của tỉnh Thái Bình mỗi năm đãi cát ra hơn 20 tỷ?
Thứ hai, ngày 14/02/2022 18:45 PM (GMT+7)
Những năm qua, xã Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) tích cực phát triển nuôi ngao giống, mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Với khao khát làm giàu trên quê hương mình, ông Trần Văn Thiều, thôn Đức Cường, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) là một trong những người phát triển thành công mô hình nuôi ngao giống.
Ông Thiều chia sẻ: Trước kia, tôi nuôi tôm, cá nhưng dịch bệnh và giá thức ăn bấp bênh nên hiệu quả không cao. Tôi suy nghĩ phải làm thế nào để chuyển đổi con vật nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết tâm chuyển đổi diện tích nuôi tôm sang nuôi ngao giống.
Lần đầu nuôi ngao giống, do kinh nghiệm chưa có nhiều và kỹ thuật chưa cao nên sản lượng ngao giống không cao. Sau lần nuôi ngao chưa thành công, tôi đã tham khảo qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn về nuôi ngao, từng bước rút ra được nhiều kinh nghiệm và nuôi thành công ngao giống.
Hiện nay gia đình ông Thiều ươm nuôi 2,5ha ngao giống, sau một năm thu hoạch trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 500 triệu đồng.
Không chỉ có ông Thiều tìm hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản về nuôi ngao giống mà rất nhiều hộ dân xã Nam Cường đã làm giàu từ nghề nuôi ngao giống.
Ông Đào Văn Tính, thôn Chí Cường cho biết: Ngao là vật nuôi bản địa, từ lâu người dân đã khai thác trong tự nhiên để bán và làm giống nên tính thích nghi với môi trường khá cao, kháng bệnh tốt và phát triển nhanh.
Trước đây, để nuôi ngao, hộ dân xã Nam Cường cũng như các địa phương ven biển của huyện Tiền Hải đều phải đi nhập giống từ Nam Định, Thanh Hóa, thường bị tư thương ép giá. Do đó, gia đình tôi đã đầu tư trên 300 triệu đồng để nuôi ngao giống trên diện tích 3ha.
Để nuôi ngao giống thành công phải bảo đảm quy trình chăm sóc quản lý tốt như: giữ nhiệt độ tốt cho ngao sinh trưởng, vùng nước sạch, nuôi với mật độ vừa phải. Mật độ thả giống thường là 100kg/1.000m2 với cỡ giống 5 vạn con/1kg.
Nuôi ngao giống chi phí lớn nhất là tiền đầu tư cải tạo ao, không mất chi phí thức ăn trong khi các điều kiện môi trường nước nuôi hoàn toàn chủ động điều tiết được.
Ông Mai Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Nam Cường là xã ven biển, vì vậy những năm gần đây, nghề nuôi ngao phát triển mạnh cả về diện tích lẫn sản lượng. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa con ngao giống vào ương, nuôi trên vùng chuyển đổi.
Con ngao giống rất phù hợp với môi trường nuôi thủy sản tại địa phương. Hiệu quả kinh tế rất rõ vì ngao giống không xảy ra dịch bệnh như tôm, không yêu cầu thuốc thú y, thức ăn và giá giống bán ra thị trường rất ổn định.
Từ đó, UBND xã đã triển khai đề án quy hoạch diện tích nuôi ngao giống theo hướng bền vững. Trong quá trình triển khai nuôi ngao giống, Nam Cường cũng đã phối hợp với ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn về hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân.
Đến nay, diện tích ngao giống của xã đạt 34ha, tăng 10,4ha so với năm 2020. Giá trị kinh tế hàng năm từ ngao giống khoảng trên 20 tỷ đồng.
Để bảo đảm phát triển nuôi ngao giống bền vững, thời gian tới xã Nam Cường tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình nuôi ngao giống an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi ngao tuân thủ quy trình kỹ thuật.
Chú trọng triển khai đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất và ươm ngao giống tập trung. Khuyến khích nhân dân tận dụng diện tích mặt nước không nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi trồng không có hiệu quả chuyển đổi sang nuôi ngao giống.
Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tiền vốn, lao động, khoa học công nghệ để sản xuất ngao giống tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.