Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi người Khmer ở Sóc Trăng thành công với mô hình trồng đa cây, nuôi đa con

Trương Thị Kim Lành, Hội Nông dân xã Thuận Hoà Thứ hai, ngày 26/06/2023 11:15 AM (GMT+7)
Mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi của anh Thạch Chanh Đô Ra, dân tộc Khmer, ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) gồm: nuôi bò, nuôi cá sặc rằn, nuôi ốc bươu đen, nuôi rắn ri voi, trồng dừa...
Bình luận 0

Với sự cần cù, chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, (nuôi nhiều loại con, trồng nhiều loại cây) anh Thạch Chanh Đô Ra, dân tộc Khmer, ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) vươn lên thoát nghèo, làm giàu với thu nhập lên cả trăm triệu đồng/ năm.

Vốn xuất thân từ gia đình nông dân nên anh Thạch Chanh Đô Ra rất cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. 

Năm 2007 anh lập gia đình, được cha mẹ 2 bên cho được 4 công ruộng, nhưng thu nhập từ làm ruộng không cao nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. 

Anh Thạch Chanh Đô Ra luôn nghĩ phải nỗ lực vươn lên để kinh tế gia đình khá giả hơn, thế là anh chọn khởi nghiệp từ mô hình làm nông nghiệp kết hợp đa dạng cây trồng, vật nuôi. 

Nói là làm, anh vừa trồng lúa vừa làm thêm nhiều nghề khác, tiết kiệm được bao nhiêu, anh đầu tư mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Đến nay anh đã tích góp mua thêm 3ha đất nông nghiệp.

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi người Khmer ở Sóc Trăng thành công với mô hình trồng đa cây, nuôi đa con - Ảnh 1.

Anh Thạch Chanh Đô Ra với mô hình đa dạng vật nuôi, cây trồng, trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con. Mô hình nuôi nhiều loại con, trồng nhiều loại cây góp phần giảm rủi ro của gia đình anh Đô Ra ở ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng).

 Sau nhiều lần suy nghĩ và tìm tòi học hỏi thực tế từ các mô hình làm kinh tế trong và ngoài địa phương, anh Đô Ra đã chọn mô hình đa dạng cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế ổn định.

Anh nói “Nếu như mình chọn trồng 1 loại cây trồng hay nuôi một thứ con thì rủi ro rất cao, nên tôi mạnh dạng chọn nuôi, trồng đa dạng như vậy thì nếu như có một thứ nào đó không đạt, vẫn còn thứ khác hỗ trợ vào”. 

Anh Đô Ra chia sẻ, ngoài thu nhập chính từ làm ruộng, xung quanh vườn anh trồng hơn 100 gốc dừa. Cây dừa không phải chăm sóc, chủ yếu cây sinh trưởng tự nhiên. 

Mỗi tháng có thương lái đến thu mua trái dừa tận nơi, thu nhập cũng từ 1,5-2 triệu đồng/tháng. Năm 2018 anh mượn 2 con bò từ dự án Heifer bò thịt huyện Châu Thành sau 2 năm bò nhân giống sản sinh bê con, gia đình anh đã trả cho dự án. 

Vừa qua gia đình anh vừa thu về 24 triệu đồng từ việc bán 2 con bò thịt, giờ còn lại 2 con để tiếp tục nhân giống, sinh sản. 

Với chăn nuôi bò, cứ từ 1 năm rưỡi đến 2 năm anh lại bán một đợt, thu về cũng vài chục triệu đồng, tùy từng thời điểm, giá thị trường khác nhau. 

Riêng phân bò, anh sử dụng làm phân hữu cơ, tận dụng bón cho diện tích trồng cỏ nuôi bò và trồng cây dừa. 

Anh còn đào thêm ao nuôi cá sặc rằn và nuôi ốc bươu đen, mỗi năm thu hoạch cũng kiếm gần 20 triệu đồng.

Ngoài ra anh Thạch Chanh Đô Ra nuôi hơn 20 con rắn ri voi sinh sản. Theo anh, rắn ri voi là loại dễ nuôi, công chăm sóc không nhiều, chi phí thấp, chỉ bỏ công làm lời, lợi nhuận cao. 

Mỗi con rắn ri voi con 1 tháng tuổi anh bán cho khách 50.000 đồng. Rắn ri voi nuôi càng lớn giá càng cao. Hàng năm anh thu lợi nhuận từ việc bán rắn ri voi giống cũng từ 15-20 triệu đồng.

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi người Khmer ở Sóc Trăng thành công với mô hình trồng đa cây, nuôi đa con - Ảnh 2.

Anh Thạch Chanh Đô Ra, nông dân sản xuất giỏi ở ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) với mô hình nuôi rắn ri voi.

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi của hộ anh Thạch Chanh Đô đang đạt hiệu quả kinh tế cao là hướng đi đang được nhiều nông dân thực hiện và là mô hình tiêu biểu tại địa phương được nhiều hộ nông dân tại xã học tập, áp dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem