Nuôi tôm sạch mong “quy chế đặc biệt”

Trần Đáng Thứ tư, ngày 15/06/2016 06:48 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên một số nông dân (ND) TP.HCM triển khai nuôi tôm theo quy trình VietGAP, tuy nhiên do vướng quy hoạch nên khát vọng làm giàu từ con tôm của bà con trở nên rất khó khăn.
Bình luận 0

 Làm tôm trên đất… quy hoạch

Hơn 1 năm nay, vạt đất nằm cặp sông Soài Rạp mọc lên những ao  nuôi tôm trong nhà lưới san sát nhau. Theo tính toán của người nuôi, mỗi m2 ao tôm nuôi theo mô hình này đầu tư hết 1,5 – 2 triệu đồng, gồm: Lưới che, bạt trải đáy; hệ thống sục khí, làm sạch ao... Hầu hết các ao nuôi tôm đều áp dụng quy trình tự động hóa.

Anh Trần Văn Mùa – ND có 2 ao tôm nuôi trong nhà lưới (1.200m2/ao) cho biết: “Đây là mô hình nuôi tôm chúng tôi học được của ND miền Trung. Mô hình này cho năng suất cao gấp đôi so với mô hình nuôi tôm thông thường, nhưng đòi hỏi ND phải có kỹ thuật và nguồn vốn lớn”. Hiện để nuôi 2 ao tôm, anh Mùa phải có 1 ao lắng, 3 ao ương tôm theo từng giai đoạn. Với cách thức nuôi này, 1 năm anh thu hoạch 5 vụ tôm.

img

Anh Lê Văn Điện – một nhân công trong trại tôm đang chuẩn khởi động hệ thống sục khí.
Ảnh: Trần Đáng

Một số ND nuôi tôm đề nghị, thành phố nên có “quy chế đặc biệt” cho ND nuôi tôm VietGAP ở Hiệp Phước khi quỹ đất quy hoạch làm Khu đô thị cảng Hiệp Phước chưa sử dụng đến, như quy hoạch vùng nuôi tôm tạm. Khi có chính sách tháo gỡ cho vấn đề này thì việc đăng ký VietGAP cho con tôm ở đây mới khả thi.

Ở ấp 3, anh Huỳnh Công Phúc cũng đang đầu tư 6 ao nuôi tôm theo quy trình VietGAP (2.500m2/ao). Anh Phúc cho biết, bên cạnh vốn đầu tư lớn, mô hình này đòi hỏi nông dân phải biết thiết kế mô hình, hệ thống cống xả, vận hành thay nước… “Đầu tư đúng thì rủi ro rất thấp, năng suất tôm của mô hình có thể đạt tới 8 – 9 tấn/ao (1.200m2)” - anh Phúc khẳng định.

“Cửa” VietGAP khó vào

Hiệp Phước là 1 trong 5 xã nông thôn của huyện Nhà Bè, có diện tích tự nhiên hơn 3.800ha (chiếm gần 1/3 diện tích toàn huyện). Năm 2009, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu đô thị cảng Hiệp Phước có tổng diện tích hơn 3.900ha (gồm toàn bộ diện tích xã Hiệp Phước và một phần xã Long Thới), tập trung 4 cảng lớn dọc sông Soài Rạp, gồm: Cảng container quốc tế SPTC, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An. Tuy nhiên, thấy đất quy hoạch từ lâu không sử dụng, lại có lợi thế nằm cặp sông Soài Rạp, dễ lấy nước nên một số ND xã Hiệp Phước đã triển khai mô hình nuôi tôm trong nhà lưới.

Theo ông Trần Văn Vinh – Chủ tịch Hội ND xã Hiệp Phước, trong số 223ha nuôi tôm của xã đang có 15ha nuôi tôm trong nhà lưới, tập trung tại ấp 3. Trong khi đó, ông Phạm Văn Quý – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Nhà Bè thông tin, đã có 9 ND đang nuôi tôm trong nhà lưới chuẩn bị thành lập Hợp tác xã (HTX) Tôm sạch Hiệp Thành. “Họ đang quy tụ thành lập HTX và xin đăng ký làm tôm VietGAP, tuy nhiên tôi thấy khó quá” - ông Quý nói.

Được biết, thời gian qua, ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT thành phố đã có một số lần đến Hiệp Phước để khảo sát, tìm biện pháp hỗ trợ ND nuôi tôm trong nhà lưới thành lập HTX. Hiện có 8 công ty vật tư nông nghiệp đang đặt vấn đề thành lập HTX Tôm sạch Hiệp Thành để cung ứng vật tư, thức ăn…, thậm chí thu mua tôm sạch cho HTX.

Tuy nhiên, theo ND Phạm Văn Đứng, việc nuôi tôm trên đất quy hoạch đang là trở ngại lớn cho việc đăng ký tôm tiêu chuẩn VietGAP. “Tôi được biết nếu nuôi tôm trên đất quy hoạch thì không thể đăng ký VietGAP, như vậy ND sẽ gặp rất nhiều trở ngại” - ông Đứng lo lắng nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem