Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết, tính đến thời điểm này, tổng diện tích tôm nuôi trong tỉnh bị thiệt hại do mưa trái mùa đã lên đến gần 130ha. Môi trường nước bị ô nhiễm hóa chất nghiêm trọng rồi xâm ngập mặn cũng đã làm hơn 700ha diện tích tôm thâm canh, bán thâm canh bị dịch bệnh. Con số thiệt hại có thể còn cao hơn nhiều so với thực tế thống kê được. Tỉnh Sóc Trăng cũng có khoảng 700ha tôm chết do dịch bệnh, mưa trái mùa. Trà Vinh cũng bị hơn 700ha và tất cả đều chưa có dấu hiệu dừng lại.
|
Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. |
Nông dân “đổ bệnh” theo tôm
Tôm là loài thủy sản rất nhạy cảm với điều kiện môi trường. Do đó, khi thời tiết thay đổi đột ngột, các chỉ tiêu về môi trường nước sẽ luôn ở trạng thái biến động, làm cho tôm mất cân bằng, dễ bị sốc. Đặc biệt, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm trên dưới 100C khiến con tôm khó có khả năng chịu đựng được.
Theo đánh giá ban đầu của cán bộ khuyến nông - khuyến ngư các tỉnh và người nuôi, qua biểu hiện cảm quan, tôm chết chủ yếu ở giai đoạn thả trước Tết Nguyên đán 10 ngày, tức tôm nuôi được khoảng 30 - 45 ngày tuổi. Đây là giai đoạn tôm còn nhỏ nên không thể thu hoạch được. Còn theo thống kê của Chi cục Thú y Cà Mau, đến nay đã đem trên dưới 200 mẫu tôm xét nghiệm và kết quả có trên 60% mẫu nhiễm đốm trắng, còn lại là bệnh gan tụy và một số bệnh khác.
Trước vụ mùa năm 2011, người dân không thu được lợi nhuận, đã cạn vốn. Đầu năm 2012, người nuôi tôm hy vọng vụ nuôi đầu tay này sẽ có lợi nhuận nhưng những cơn mưa trái mùa và ô nhiễm môi trường nước, xâm ngập mặn đã đưa người dân vào cảnh khó khăn. Những hộ thả tôm bị chết thì không còn vốn để tái sản xuất, những hộ chưa thả thì không dám thả với tâm lý lo sợ dịch bệnh sẽ tiếp tục xảy ra.
Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản II, TS. Nguyễn Văn Hảo đánh giá năm nay là năm người dân sẽ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rõ ràng nhất. Hàng năm, vào thời điểm này, tôm nuôi rất ít bệnh đốm trắng. Năm nay, việc môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, diện tích bệnh tăng đột biến, tôm phát bệnh sớm hơn và dự báo sẽ còn chết trong chính vụ mấy tháng tới.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Thông thường, lịch thời vụ thả tôm hàng năm từ 15.1 âm lịch và thả giống dứt điểm trong tháng 2 nhằm tránh sự ảnh hưởng của thời tiết. Nhưng người dân không thả đúng thời vụ, cộng thêm cải tạo ao quá vội vàng, chưa diệt hết mầm bệnh trong ao nên khả năng bùng phát dịch càng cao. Thêm vào đó, cận Tết là thời điểm con giống rất khan hiếm, chất lượng tôm sạch bệnh cũng hiếm hoi.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu tác hại trước sự thay đổi bất thường của thời tiết, hiện một số ao đã thiệt hại, không nên thả nuôi lại ngay mà cần phải cải tạo ao thật kỹ, phơi đầm, diệt mầm bệnh trong ao triệt để, tránh rủi ro cho vụ kế tiếp.
Mặt khác, trình độ kỹ thuật canh tác của người dân còn yếu nên khi môi trường thay đổi đột ngột, người dân không kịp thời ứng phó, không có biện pháp phòng chống kịp thời. Ông Tô Văn Mum, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau ngậm ngùi: “Xuống giống được 40 ngày, trời cứ mưa nắng thất thường làm tôm bị chết 100%. Hiện tôi đang phơi đầm, chờ để cải tạo lại”.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, trên hết người nuôi tôm cần tập cách sống chung với biến đổi khí hậu, với những diễn biến bất thường của thời tiết. Biến đổi khí hậu tác động đến môi trường vùng nuôi là rất lớn, những đợt thủy triều dâng cao sẽ là tác nhân rất lớn ảnh hưởng đến tôm nuôi. Vì vậy, việc quản lý ao đầm, kiên cố bờ bao phải được tiến hành khẩn trương và đồng bộ. Bên cạnh đó, cần dự trữ phân, thuốc, hóa chất để đối phó với những cơn mưa trái mùa và ổn định môi trường ao nuôi nhằm góp phần giảm thiểu những tác hại từ biến đổi khí hậu gây ra.
Diệu Lữ - Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.