Một loài giáp xác cùng họ với tôm sống ở vùng nước mặn và đất bồi cao gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu của tôi là con tèn hen (có người viết là tèng heng).
Trẻ con ở nông thôn, nhất là vùng nước mặn, có nhiều vườn dừa hay dừa nước ven kênh, rạch đều biết loài giáp xác đặc trưng từ hình dáng đến tập tính cư ngụ của chúng.
Tèn hen hình dáng giống con tôm nhưng nhỏ hơn, con lớn nhất to cỡ ngón chân cái của người lớn nhưng rất hiếm gặp, thường chỉ cỡ ngón tay cái.
Tèn hen có 2 càng to giống như cua, mỗi bên đầu có 4 chân (còn gọi là ngoe)...
Loài động vật giáp xác này thân có 8 đốt, đốt cuối cùng như chóp nhọn là đuôi...
Do thân hình cấu tạo hình đốt, cơ động nên con tèn hen-con động vật hoang dã này "uốn dẻo" làm xiếc được.
Điểm đặc biệt đáng chú ý ở con tèn hen là hai càng như máy xúc đất, sắc bén và có sức mạnh để đào hang trú ngụ.
Hang của con tèn hen cũng rất đặc biệt, thường làm trên bờ dừa, bờ rạch.
Đó là một lớp đất bùn nhão, mịn được chúng dùng 2 càng to đào bới đùn lên miệng hang lớp đất sâu tròn như đồng tiền xu.
Lớp đất con tèn hen đào, vun đắp lên trên hình tròn đồng tiền xu tạo thành một cái nón úp, che hết miệng hang, lớp đất che miệng hang này to bằng cái tô.
Con tèn hen ở miền Tây- Ảnh: TƯ LIỆU.
Con tèn hen lại trị được bệnh suyễn nên chúng bị lùng bắt đến tuyệt chủng. Bà ngoại tôi bị bệnh suyễn kinh niên nên tôi thường đi bắt tèn hen về nướng cho bà ngoại ăn trị suyễn.
Loài động vật hoang dã có cái tên tèn hen ẩn mình sâu dưới đáy hang có nước, ở một mình dưới hang sâu. Con tèn hen sống cô độc như kẻ mồ côi.
Tôi chưa thấy tèn hen ở cặp đôi đực - cái bao giờ, mà cũng chưa phân biệt được con nào đực, con nào cái.
Không biết ăn tèn hen có hết suyễn hay không nhưng nghe nói vậy là tôi đã lùng bắt gần như hết lũ tèn hen sống trong vườn dừa bà ngoại tôi, mỗi khi bà lên cơn suyễn.
Bắt tèn hen cũng phải có kinh nghiệm và thủ thuật, nếu không thì khó lòng, mất công sức vẫn không túm được chúng.
Đừng mong đào hang bắt tèn hen vì hang chúng sâu thăm thẳm, ăn sâu dưới mương vườn, đào banh mương vườn vẫn chưa tới.
Cũng đừng mong đổ nước cho chúng ngộp thở trồi lên miệng hang để bắt vì tèn hen ẩn mình suốt ngày dưới đáy hang có nước.
Chỉ có một cách bắt chúng bằng sự thông minh, lâu ngày thành kinh nghiệm truyền nhau của trẻ con. Cũng do tập tính sinh sống của chúng mà ra nông nỗi mất mạng.
Đó là tèn hen có thói quen khi bị phá lớp đất trên miệng hang, thấy ánh sáng lọt xuống hang thì lập tức dùng càng xúc đất đưa lên lấp lại.
Tôi bắt tèn hen chỉ việc xách cây dao nhọn (gọi là cái chét), tìm hang của chúng móc lớp đất trên miệng rồi ngồi đợi chúng đưa đất lên, lúc đó chỉ cần nhanh tay xắn cái chét chặn đường rút lui của con tèn hen là bắt gọn.
Những ngày này, tôi về quê thảnh thơi, chợt nhớ tới kỷ niệm của thời thơ ấu quanh quẩn trong vườn dừa tìm cá ốc mít, tìm con còng gió, nghe tiếng chim, câu cá lòng tong lúc nước dưới rạch vừa "những lớn".
Rồi tôi bỗng nhớ tới con tèn hen. Nhưng bây giờ làm gì còn mương vườn, khi vườn dừa đã biến thành ao nuôi tôm công nghiệp. Vì thế, con tèn hen thơ ấu của tôi cũng mất đất sống, không biết chúng đã đi về đâu?
Chèn Hen (tiếng Anh: Thalassina) là một loài tôm hùm bùn được tìm thấy trong các đầm lầy ngập mặn của Ấn Độ Dương và phía tây Thái Bình Dương.
Hoạt động về đêm và sự đào hang của loài này rất quan trọng cho việc tái chế các chất dinh dưỡng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Chèn hen còn có màu trắng, vết cắn của chúng có thể gây tê, nặng thì gây hoại tử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.