Chúng tôi gặp anh Cường khi anh đang ở ngoài ruộng tôm chuẩn bị cho vụ mới. Anh Cường chia sẻ: "Ngày trước chỗ này là ruộng muối, làm quần quật ngày, đêm cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện và thực tế những điển hình thanh niên nuôi trồng thủy sản giỏi đã thôi thúc tôi thuyết phục gia đình giã từ nghề làm muối chuyển sang nuôi tôm".
|
Anh Cường kiểm tra nước ao nuôi tôm. |
Năm 1992, anh chuyển 10.000m2 ruộng muối của gia đình sang đào ao nuôi tôm. Dù chuẩn bị rất kỹ từ khâu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi nhưng 2 năm đầu do “lạ ruộng" nên năng suất tôm thấp, lợi nhuận chỉ đủ tái sản xuất.
Không nản, anh nghiên cứu tài liệu và tìm ra nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do cách nuôi không đồng bộ, đặc biệt là khâu xử lý chất thải chưa đúng quy cách.
Năm 2009, anh quyết định dành tất cả vốn để nuôi tôm theo hướng công nghiệp, đúng theo sự hướng dẫn của các nhà khoa học. "Năm đó tôi làm lại hệ thống ao, lấy giống của công ty cổ phần chuyên cung cấp chế phẩm cho chăn nuôi thủy sản, đảm bảo không có mầm bệnh" - anh Cường nhớ lại.
Anh chia 1.000m2 thành 5 ao. Đáy ao sau khi khử chua bằng vôi được bơm nước sông vào qua hệ thống lọc, để 3 - 4 ngày tiếp tục diệt giáp xác và diệt khuẩn bằng Sundin; sau đó, tiếp tục dùng vôi để xử lý đến khi độ pH đạt yêu cầu… Con giống trước khi đưa về ao nuôi được anh chọn lọc kỹ lưỡng, kiểm tra bằng phương pháp PCR. Vụ tôm năm đó, anh thu 98 triệu đồng sau 3 tháng nuôi. Năm 2011 là năm đại thắng của anh với 15 tấn tôm, trừ chi phí, anh lãi hơn 8 tỷ đồng.
Vui hơn, ao tôm của anh còn tạo việc làm ổn định cho 2 lao động với thu nhập 3 triệu đồng/tháng.
Trang Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.