Nuôi tôm thẻ chân trắng: Thận trọng quá hóa... khổ

Chủ nhật, ngày 21/08/2011 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi Bộ NNPTNT và Bộ TNMT đang tranh cãi về việc có nên đưa tôm thẻ chân trắng (TTCT) vào danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại thì ở nhiều địa phương, loài tôm này đang được phát triển mạnh.
Bình luận 0

Người dân cho rằng, nếu cứ thận trọng quá thì chỉ có dân khổ, hoặc nếu không thì mất cơ hội làm ăn.

Không ít người thích

TTCT, từ sản xuất manh nha ở vài năm trước, nay phát triển tại nhiều tiểu vùng khác nhau. Nằm trong khuôn khổ quy hoạch thả nuôi ở mỗi địa phương, năm 2010, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL thả nuôi 8.800ha TTCT, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2009.

img
Tôm thẻ chân trắng đã được nuôi thử nghiệm trên dưới 10 năm nay và cho kết quả khả quan.

Với năng suất bình quân khoảng 6,8 tấn/ha, sản lượng TTCT đạt trên 60.000 tấn, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2009. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay rất cao (ước đạt khoảng 1,9 tỷ USD), trong đó TTCT chiếm 50% kim ngạch trên.

Đáng chú ý là những tháng qua, khi tôm sú nuôi chết hàng loạt, thì TTCT vẫn bình an vô sự. Bởi vậy, Bộ NNPTNT mong muốn đối tượng nuôi này được đưa ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhằm tạo thuận lợi trong kế hoạch phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản của nước ta. Nhất là khi, TTCT đã được nuôi thử nghiệm trên dưới 10 năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (ấp 1, xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) nuôi TTCT 2 niên vụ qua đều thắng cả 2, cho lợi nhuận 80 triệu/3.000m2. Theo ông: “Nếu chưa “mở cửa” cho TTCT thì hụt hẫng nguồn đầu tư, khó mà nhân rộng, phát triển”. Đồng tình ý kiến của ông Tuấn, một cán bộ thủy sản của Cơ sở Giáo dục Bến Giá (Bến Tre), bộc bạch: TTCT nuôi không khó, có nguồn đầu tư, giám sát kỹ thuật tốt, giá bán ổn định. 2 vụ liền của năm trước, hơn 30 ao nuôi TTCT của cơ sở này thắng đậm liên tiếp.

Không nên “cấm cửa”

Tại Cà Mau, gần chục cơ sở sản xuất giống đang hướng tới dịch vụ cung cấp giống TTCT. Bởi hiện hữu, khi nuôi thí điểm thành công trên 20ha ở xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh mở rộng quy hoạch nuôi tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời. Dự kiến đến năm 2015, Cà Mau sẽ có khoảng 10.000ha nuôi TTCT.

Ông Quách Khoa - Phó Giám đốc Công ty Sản xuất tôm giống Việt Úc (Chi nhánh Bạc Liêu), cho biết: Người nuôi tôm liên tiếp đến lấy giống TTCT của công ty về nuôi thả. Nhiều hộ ở tận Sóc Trăng và địa phương khác cũng tìm đến.

img Các bộ cần có nghiên cứu kỹ về TTCT để xây dựng luận cứ khoa học - thực tiễn, nhằm tạo sự đồng thuận cao, cho phép hay “cấm cửa” TTCT thì nên công bố sớm, nhằm tạo thuận lợi trong kế hoạch phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản của nước ta. img

Chuyên gia Phạm Giang Nam (Đại học Bạc Liêu)

Trong khi đó, DNTN Kim Sa (phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cũng có kế hoạch sản xuất 3 tỷ con giống. Tuy nhiên, chủ cơ sở này xác nhận: Thông tin “chưa đồng thuận từ phía 2 Bộ, cho thấy vẫn còn cấm cửa TTCT và kéo theo chưa thể áp dụng chính sách tốt về vốn, đầu tư, kỹ thuật, bao tiêu... cho người sản xuất, kể cả khâu giống.

Chủ DN Chế biến tôm xuất khẩu Phước Đạt (Sóc Trăng), bộc bạch: Tôm nào đưa vào chế biến cho sản phẩm giá trị cao, đa dạng, dễ tiêu thụ, khách nước ngoài vẫn ưa thích thì nên khuyến khích nuôi. Việc “cấm cửa” TTCT là không nên. Nhưng nếu “mở cửa” cho sản xuất TTCT, theo “Vua tôm” Sáu Ngoãn (Bạc Liêu), cần quy hoạch đảm bảo, không xen lẫn tôm sú, có kiểm soát chặt và có kế hoạch bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu: Hãy “mở cửa” và áp dụng hệ thống nuôi TTCT khép kín. Có thể kiểm tra định kỳ tôm nuôi bằng phương pháp PCR. Đồng thời, quan tâm đúng mức công tác di truyền và chọn giống. Đặc biệt, cần quản lý ứng dụng chất lượng toàn diện để đảm bảo được chất lượng tôm xuất khẩu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem