Nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Bắc: Quản lý chặt khâu giống

Thứ ba, ngày 29/04/2014 10:26 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tính đến cuối năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) và sản lượng thủy sản nước ngọt tại các tỉnh phía Bắc đều tăng gần 2% so với năm 2012.
Bình luận 0
Diện tích, sản lượng đều tăng

Theo thống kê, năm 2013 diện tích nuôi thủy sản nước ngọt các tỉnh phía Bắc đạt 209.584ha, tăng gần 4.500ha (1,6%) so với năm 2012; sản lượng đạt 506.761 tấn, tăng hơn 8.000 tấn (1,65%) so với năm 2012.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Nam Tân  (Nam Sách, Hải Dương).
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Nam Tân (Nam Sách, Hải Dương).

Đánh giá của Tổng cục Thủy sản là khu vực phía Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển NTTS nước ngọt, nước lạnh bởi có nhiều ao, hồ chứa, sông…

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhân dân trong vùng đã áp dụng nhiều phương thức nuôi đa dạng như nuôi trong ao, hồ nhỏ, lồng bè trên sông, trong đó có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi luân canh, xen canh, nuôi kết hợp. Tuy chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng NTTS đã góp phần giúp nhân dân trong khu vực, nhất là đồng bào các dân tộc có thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng sống.

Đáng chú ý là một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đã xây dựng được những mô hình NTTS cho năng suất tới 12 – 15 tấn/ha/vụ như nuôi cá rô phi, cá chép, cá trắm cỏ theo hình thức luân canh, bán thâm canh. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã bắt đầu hình thành những vùng NTTS tập trung...

Ngoài ra, tình hình sản xuất và cung ứng giống thủy sản nước ngọt cũng đã có bước tiến đáng kể khi sản lượng giống đã đáp ứng được hơn 80% nhu cầu thả nuôi toàn vùng, ước tính đạt khoảng 12 tỷ con giống các loại…

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, ngành NTTS nước ngọt ở các tỉnh phía Bắc cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức, do khí hậu và đất đai ở mỗi địa phương có khác biệt tương đối lớn nên năng suất, sản lượng và đối tượng nuôi cũng có sự khác biệt; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm tới ngành NTTS nên quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát…

Tăng cường quản lý

Tính đến hết tháng 3.2014, các tỉnh phía Bắc đã thả nuôi được 56.000ha thủy sản nước ngọt, trong đó cá các loại chiếm 98,8% diện tích, sản lượng gần 94.000 tấn.

Theo kế hoạch, năm 2014 ngành NTTS nước ngọt các tỉnh phía Bắc phấn đấu đạt sản lượng 508.000 tấn, tương đương 210.000ha diện tích mặt nước. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá rô phi đơn tính, tôm càng xanh và một số loài đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồi, ba ba…; nhu cầu giống sẽ vào khoảng 12 - 15 tỷ con.

Để đạt mục tiêu đề ra, theo ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: “Trong năm 2014 và các năm tiếp theo, các ban ngành từ T.Ư đến địa phương cần quản lý chặt chất lượng và nguồn gốc con giống trong NTTS; tăng cường quản lý vật tư đầu vào như thức ăn, hóa chất cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học... Thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Cũng theo ông Điền, đối với công tác phòng bệnh, các địa phương cần đặt lên hàng đầu và phải triển khai ngay từ đầu vụ nuôi. Các tỉnh ven biển tiếp tục thực hiện tốt giám sát khung lịch mùa vụ, đặc biệt chú ý tới cơ cấu tôm nuôi, giữ vững tỷ lệ tôm thẻ chân trắng và tôm sú để phát huy thế mạnh con tôm sú của Việt Nam.
Trần Quang (Trần Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem