Nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản trong một ao, nông dân Sóc Trăng tăng thu nhập thấy rõ

Hồng Cẩm - Thuý Vy Thứ năm, ngày 30/11/2023 12:51 PM (GMT+7)
Ao nuôi của ông Nguyễn Văn Khánh (ngụ khóm 2, phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) chỉ có 1.500m2 nhưng vẫn thu về lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/tháng từ việc nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản khác nhau như: ếch, cá lóc, cá rô, cá tra, cá thác lác,…
Bình luận 0

Sau khi nhận thấy canh tác lúa ngày càng bấp bênh, ông Nguyễn Văn Khánh quyết định chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang trồng cây ăn trái và dành riêng 1.500m2 đào ao nuôi xen ghép nhiều giống thủy sản. 

Với tinh thần "còn sức khỏe thì còn làm", trong suốt hơn 5 năm qua, mô hình nuôi nhiều loại thủy sản của ông Khánh nuôi mang lại nguồn thu nhập khấm khá, cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình ông.

Nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản trên diện nhỏ nhưng lão nông Sóc Trăng vẫn có thu nhập khá - Ảnh 1.

Chỉ với 1.500m2, ông Khánh đã thiết kế mô hình ao nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản, đem đến thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: Thúy Vy

Ông Khánh chia sẻ: "Tôi nuôi cá lóc, cá rô, cá tra, cá thác lác và ếch hầu như quanh năm, cá lóc nuôi 6 tháng là có thể thu hoạch, sản lượng hơn 3 tấn/năm, giá bán từ 40.000 đồng/kg. Còn cá rô và ếch chỉ nuôi 2,5 - 3 tháng là thu hoạch được, sản lượng ước đạt hơn 1 tấn/năm, giá cá rô trung bình từ 30.000 đồng/kg; ếch khoảng 40.000 đồng/kg. Đối với cá tra nuôi 12 tháng mới có thể bán, sản lượng khoảng 1 tấn, giá bán từ 26.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi các chi phí, tôi lãi hơn 5 triệu đồng/tháng".

Nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản trên diện nhỏ nhưng lão nông Sóc Trăng vẫn có thu nhập khá - Ảnh 2.

Cá rô được ông Khánh nuôi quanh năm vì chi phí đầu tư thấp, ít bệnh và có đầu ra ổn định. Ảnh: Thúy Vy

Ông Khánh cho biết thêm, ếch, cá lóc, cá rô, cá tra, cá thác lác,…đều là những giống cá có chi phí đầu tư thấp, ít bệnh và có đầu ra ổn định nên đối với hộ nghèo, cận nghèo chỉ cần một ít vốn là có thể đầu tư nuôi được. 

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi nhiều loại cá trong cùng một ao, ông Khánh nói: "Tôi dùng vèo lưới phân chia ao nuôi, cá thác lác và cá tra được thả trực tiếp xuống ao, trong khi cá rô và ếch được thả nuôi cùng một vèo lưới. Bên trong vèo, tôi ngăn cách giữa ếch và cá rô thông qua việc sử dụng tấm vỉ kẽm.

Trong quá trình ếch được nuôi ở phía trên, thức ăn cũng đồng thời lọt qua khe hở của tấm vỉ xuống phía dưới cho cá rô ăn. Thêm vào đó, lượng phân ếch thải ra mỗi ngày không chỉ trở thành một nguồn thức ăn dinh dưỡng mà còn tiết kiệm đáng kể nguồn thức ăn công nghiệp cung cấp hàng ngày cho cá rô".

Nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản trên diện nhỏ nhưng lão nông Sóc Trăng vẫn có thu nhập khá - Ảnh 3.

Cá rô và ếch được thả nuôi cùng một vèo lưới. Bên trong vèo, sử dụng tấm vỉ kẽm để ngăn cách giữa ếch và cá rô. Ảnh: Thúy Vy

Còn đối với những loại cá khác, ông Khánh thường cho ăn thức ăn công nghiệp luân phiên với cơm nguội ở nhà. Mới đây, ông Khánh thu hoạch ao cá sau nhà được gần 3 tấn cá thương phẩm đem ra chợ bán, bà con ở xóm cũng thường xuyên ghé nhà ông để mua vì ao cá nhà ông nuôi sạch lại còn chắc thịt.

Tận dụng bờ ao, ông Khánh còn trồng thêm gần 70 gốc dừa, chuối xung quanh, vừa để giữ đất, chống sạt lở, lại vừa có thêm thu nhập. Tiền bán dừa, chuối thu về đủ để ông trang trải một phần các chi phí sinh hoạt và mua thức ăn cho cá hàng ngày.

Nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản trên diện nhỏ nhưng lão nông Sóc Trăng vẫn có thu nhập khá - Ảnh 4.

Vì đa phần ao là những giống cá thương phẩm dễ nuôi, nên ông Khánh thường cho ăn thức ăn công nghiệp luân phiên với cơm nguội ở nhà giúp tiết kiệm chi phí. Ảnh: Thúy Vy

Ông Nguyễn Trọng Nguyễn – Chủ tịch Hội Nông dân phường 5, TP.Sóc Trăng, nhận xét: "Việc kết hợp nuôi xen ghép nhiều loài thủy sản như ông Nguyễn Văn Khánh là một mô hình hiệu quả cho các hộ dân có diện tích đất nhỏ, ít vốn. Tuy nhiên trong quá trình nuôi, việc quan sát và kiểm tra thường xuyên về dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời trên thủy sản là rất quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe và chất lượng của loại thủy sản nuôi.

Nhận thấy mô hình này có thể nhân rộng để xoá nghèo, tăng thu nhận cho hội viên, nông dân của địa phương nên chúng tôi sẽ phổ biến cho người dân trên địa bàn TP.Sóc Trăng, đặc biệt là những hộ dân có điều kiện phát triển mô hình này để tối ưu hóa lợi nhuận trên diện tích đất sẵn có".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem