Vào tổ nghề cá cộng đồng có "lợi lộc" gì mà ngư dân Bình Phước tham gia đều vui vẻ hẳn lên?

Thứ bảy, ngày 22/07/2023 09:07 AM (GMT+7)
Tổ nghề cá cộng đồng xã Long Hưng (huyện Phú Riềng) được thành lập sớm nhất ở tỉnh Bình Phước, vẫn duy trì hoạt động hiệu quả với 22 thành viên. Tất cả thành viên trong tổ đều đồng thuận và không có xung đột về lợi ích; tuân thủ các quy định về khai thác và đánh bắt thủy sản...
Bình luận 0

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước luôn xác định bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản hồ chứa; duy trì cân bằng môi trường sinh thái. 

Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận ngư dân sinh sống bằng nghề khai thác nguồn lợi thủy sản là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo.

Nhằm tập hợp những người có chung quyền lợi và nguồn thu từ đánh bắt thủy sản tại các hồ chứa thủy lợi; kết nối xây dựng các tập thể cùng khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ nguồn thu thập chung cho cộng đồng đánh bắt cá, năm 2002, ngành nông nghiệp tỉnh đã thành lập 2 tổ nghề cá đầu tiên ở 2 xã Long Hưng và Long Hà, huyện Phú Riềng. 

Đặc biệt, với Quyết định số 67/QĐ-TCTS-KTBVNLTS ngày 7-6-2010 của Tổng cục Thủy sản hướng dẫn về đồng quản lý nghề cá tại Việt Nam là cơ sở pháp lý cho ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện và thành lập mới các tổ nghề cá.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 16 tổ nghề cá được thành lập. Trong đó, Tổ nghề cá cộng đồng xã Long Hưng được thành lập sớm nhất, vẫn duy trì hoạt động hiệu quả với 22 thành viên. 

Tất cả thành viên trong tổ đều đồng thuận và không có xung đột về lợi ích; tuân thủ các quy định về khai thác và đánh bắt thủy sản; chấp hành nghiêm Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 2-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản…

Vào tổ nghề cá cộng đồng có "lợi lộc" gì mà ngư dân Bình Phước tham gia đều vui vẻ hẳn lên? - Ảnh 1.

Các thành viên Tổ nghề cá cộng đồng xã Long Hưng, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) chuẩn bị thả cá giống xuống hồ Long Hưng.

Chính vì đoàn kết, đồng thuận và hoạt động tuân thủ quy định nên nguồn lợi thủy sản ở hồ chứa Long Hưng luôn phát triển ổn định, riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổ khai thác được hơn 2 tấn cá các loại, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên. 

Anh Bùi Văn Đồng ở thôn 7, xã Long Hưng, thành viên lâu năm của tổ cho biết: Những năm trước rất khó khăn, nhờ đánh bắt cá trong hồ đem bán mà có tiền đóng học cho 3 con nhỏ. 

Nay cuộc sống gia đình khá hơn nhờ có nguồn thu khác và các con đã học xong đại học, có việc làm ổn định, nhưng nếu không tham gia tổ từ thời đó, chắc các con tôi không được ăn học đầy đủ.

Anh Nguyễn Văn Quân, Tổ trưởng Tổ nghề cá Long Hưng chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ tại địa phương ngày càng cao nên tôi kết hợp mở quán ăn với các món chế biến từ thủy sản do chính mình bắt được để tăng thu nhập cho gia đình và các thành viên. 

Các món ăn được chế biến từ thủy sản vừa đậm chất hương quê vừa là sản phẩm thu hoạch tại chỗ, như ốc bưu hồ xào, gỏi cá mè, cá mè phi lê ăn với mù tạt, cá chép om dưa, cá trắng nhỏ chiên giòn, tép um quấn bánh tráng... nên bảo đảm an toàn thực phẩm, được thực khách trong và ngoài xã đến thưởng thức ngày càng nhiều.

Ban chủ nhiệm Tổ nghề cá Long Hưng còn liên hệ với Công ty Dịch vụ thủy lợi xin phép lắp đặt đèn năng lượng mặt trời trên bờ đập tạo cảnh quan và làm nơi vui chơi cho thanh niên nam, nữ trên địa bàn, tránh các tệ nạn xã hội. 

Tổ cũng chủ động liên hệ với nhà chùa hướng dẫn thả cá phóng sinh sao cho phù hợp, không gây hại cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong hồ. Đồng thời hằng năm đóng quỹ mua cá giống thả bổ sung để duy trì nguồn lợi thủy sản. 

Từ đó, góp phần nâng cao đời sống thành viên, bảo vệ an ninh khu vực lòng hồ và xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Tấn Phước (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem