Ở đâu có yêu thương ở đó là gia đình

Thứ bảy, ngày 29/06/2013 06:35 AM (GMT+7)
Dân Việt - Đây là thông điệp Ngày hội gia đình đa dạng do Cộng đồng các tổ chức làm việc với các nhóm yếu thế tổ chức Nhân ngày gia đình Việt Nam 28.6.
Bình luận 0

Xương rồng nở hoa

Chị Phùng Thị Hậu (45 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) nắm tay đứa con trai cười rạng rỡ. Niềm hạnh phúc ngời sáng trên khuôn mặt khắc khổ, già nua của chị. Chân chị bị tật nguyền từ nhỏ nên chẳng có ai thương. Đến ngoài 30, chị mới quyết định có đứa con để nương tựa tuổi già. Con chị năm nay đã 12 tuổi nhưng rất tình cảm với mẹ. Chị vừa chạy chợ bán rau, vừa làm thêm nghề đồng nát để kiếm đủ tiền lo cho con ăn học. Tuy vất vả nhưng chị vẫn thấy ấm áp, hạnh phúc.

 img
Mẹ con chị Phùng Thị Hậu

Chị Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC cho biết, hiện Trung tâm đang tổ chức chương trình “Xương rồng vẫn nở hoa” để hỗ trợ cho hơn 300 phụ nữ khuyết tật. Trong đó, có đến 59% các chị là bà mẹ đơn thân. Việc có con của các chị cũng hết sức thương cảm. Có người quá lứa lỡ thì, không tìm được bạn đời nên chủ động “xin” một đứa con để nương tựa lúc tuổi già. Có người bị cưỡng bức đến mang thai, không hề biết người đàn ông cưỡng bức mình là ai. Có người lại bị lừa tình, đến khi mang thai thì người yêu chạy làng. Lại có người bị những người đàn ông có gia đình dụ dỗ “đẻ cho đứa con trai thì sẽ chăm sóc cả đời”, nhưng con sinh ra lại là con gái nên anh ta cũng bỏ bẵng.

Cũng có người được “mặc cả” đẻ con gái nhưng lại sinh con trai… Là người khuyết tật nên các chị hầu hết đều là lao động phổ thông, thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn, lại còn phải chăm lo cho con. Hơn nữa, các chị còn chịu đựng sự hắt hủi của gia đình, sự dị nghị của hàng xóm khi “không chồng mà chửa”, hay “ốc còn không mang nổi mình ốc còn sinh với đẻ”… “Chúng tôi chỉ muốn khẳng định rằng, dù là mẹ đơn thân, là mẹ khuyết tật nhưng chúng tôi vẫn có thể chăm lo cho các con, sống yêu thương và hạnh phúc”- bà Lan Anh cho biết.

Hai người mẹ

Gia đình Yến-Hương đang chung sống hạnh phúc với cô con gái nhỏ 5 tuổi. Trước đó, Hương đã ly hôn với người chồng dị tính và ôm con gái vào Nam sinh sống, quyết định sống với tính yêu thật của mình. Hai mẹ cùng nhau chăm lo cho con gái rượu, gia đình luôn tràn đầy tiếng cười và hạnh phúc. Yến cho biết, cô hoàn toàn đặt hết tình yêu thương cho hai người phụ nữ của đời mình. Tuy nhiên, điều mà Yến lo lắng là những định kiến, kỳ thị của xã hội có thể ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của cô con gái rượu khi cháu có tận hai người mẹ.

 img
Gia đình Yến-Hương và con gái

Nghiêm Hoàng Ngân (28 tuổi, Hà Nội) cũng đang kết đôi với một bạn gái khác. Cô đã come out với gia đình và xin bố mẹ được đón người con gái cô yêu về chung sống cùng, cùng có trách nhiệm, yêu thương và chăm lo cho nhau. Bố mẹ Ngân đã đồng ý, tuy nhiên, gia đình bạn gái vẫn còn phản đối. “Điều chúng em muốn chỉ là yêu thương và sống thực với cảm xúc của mình. Khi có yêu thương, đương nhiên chúng em sẽ sống có trách nhiệm, gắn kết sẽ không khác so với gia đình truyền thống như mọi người vẫn nghĩ” – Ngân cho biết.

Không được xã hội chấp nhận, chưa được luật pháp cho phép, việc kết đôi của người đồng tính vẫn còn có quá nhiều khó khăn. Huỳnh Minh Thảo – Đại diện Tổ chức làm việc vì quyền của người đồng tính ICS cho biết: “Chúng tôi muốn được công nhận là một cặp, như một gia đình để có thể xin con nuôi, có quyền thừa kế, có trách nhiệm khi ly hôn, phân chia tài sản… Chúng tôi muốn giấy khai sinh của con tôi được ghi tên hai mẹ và hai bố. Hoặc đơn giản, chỉ là quyền được ký vào đơn cam kết trước khi người yêu của mình phẫu thuật trong bệnh viện”

Hạnh phúc không khuyết

Dựa đầu vào chồng, chị Hiền hạnh phúc đặt tay lên bụng, nựng nịu đứa con sắp chào đời. Chị cho biết, chị ngồi xe lăn, anh bị mất 1 tay, nên khi yêu nhau, gia đình hai bên đều phản đối. Bố mẹ cho rằng đã khuyết tật, không lo nổi cho bản thân, nếu lấy nhau thì sẽ thêm gánh nặng, làm khổ nhau. Nhưng sau 3 năm yêu nhau, kiên trì vận động, gia đình đã đồng ý cho hai anh chị đến với nhau. Hiện chị Hiền đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng – kết quả tình yêu của anh chị. Anh Hà cho biết: “Đúng là chúng tôi có khó khăn trong cuộc sống hơn nhiều người, nhưng không có nghĩa chúng tôi yêu thương không đủ hoặc không xứng đáng với tình yêu, với hạnh phúc gia đình”

 img
Gia đình chị Hiền-anh Hà

Chị Nguyễn Thị Thương (xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) năm nay cũng bị liệt 1 chân, lúc di chuyển thì chống 1 nạng. Còn người yêu của chị 30 tuổi, phải ngồi xe lăn. Hai anh chị cùng sống và làm việc tại trung tâm Nghị lực sống (Hà Nội). Tuy đã yêu nhau 7 năm nhưng hai gia đình anh chị nhất định không đồng ý cho cưới xin. Hai gia đình đều lý luận rằng: đã liệt như vậy thì đừng dính vào nhau, khổ thêm, hoặc là “nhịn” đi hoặc là kiếm được người lành lặn khỏe chân khỏe tay hơn thì hãy lấy. Vì thế, hai anh chị đành sống với nhau tại Trung tâm, không dám về nhà.

Theo số liệu của Liên minh tình dục tại Việt Nam, 51% NKT cho biết, vì mặc cảm với khuyết tật nên sẽ không yêu. 48% trong số họ đã yêu nhưng không dám bày tỏ tình cảm. Gần 50% NKT đã từng bị gia đình ngăn cấm chuyện yêu đương trong đó nữ bị phản đối nhiều hơn nam, 40% số họ bị phản đối khi có ý định kết hôn”.

Vẻ đẹp trong sự đa dạng

Ngày hội còn sự hiện diện của gia đình ông bà cháu (khi cha mẹ đi vắng hoặc đã mất, ông bà là người trụ cột, chăm sóc các cháu; gia đình người có HIV, gia đình xuyên quốc gia, đa dân tộc hoặc cả gia đình “phức tạp” giữa “con anh, con em, con chúng ta”. Em Vũ Hải (Hà Nội) chia sẻ, mẹ em ly hôn, có hai con riêng, sau đó kết hôn với bố em và sinh ra em. Sau đó, bố mẹ em lại ly hôn, bố em lấy mẹ kế, mẹ kế cũng đã có hai con riêng, bố em và mẹ kế cùng sinh thêm một em bé nữa. Như vậy, Hải có đến 2 anh chị cùng mẹ khác cha, có một em cùng cha khác mẹ và 2 người em không cùng huyết thống nhưng chung sống với nhau dưới một mái nhà.

Bà Phạm Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, Gia đình, Môi trường trong phát triển cho biết, từ trước đến nay, định nghĩa và quan niệm về gia đình đều cho rằng, gia đình là cộng đồng giữa những người dị tính giữa quan hệ hôn nhân, huyết thống, cùng chung sống với nhau dưới 1 mái nhà, chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ. Chính vì thế, nhưng gia đình nào không có những tiêu chí như vậy thì thường bị lên án, bị soi mói, nhòm ngó, chỉ trích, thậm chí bài xích, miệt thị. Nhưng ngày nay, cuộc sống đã đa dạng hơn, tính cá nhân nổi trội hơn tính cộng đồng, hạnh phúc được đề cao. Vì thế, xuất hiện rất nhiều mô hình chung sống khác nhau, tuy nhiên, cho dù thế nào, họ vẫn đáng được tôn trọng.

“Ở đâu có yêu thương nơi đó là gia đình”- chúng tôi cho rằng, đó là tiêu chí cao nhất của gia đình. Còn nếu cùng huyết thống, có kết hôn hợp pháp nhưng tình yêu đã mất, sự gắn kết không còn thì gia đình cũng đã bị phá vỡ” – bà Ngọc cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem