Cá chờ… lễ, tết
Mặt nước vùng đầm phá cạnh cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên Huế) từ lâu được xem là “thủ phủ” của các loại cá mà người dân thường gọi là “đặc sản”. Đó là cá mú, cá nâu, cá vẩu…có giá trị kinh tế cao, được người dân đưa vào thả nuôi nhiều năm qua. Khu vực đầm phá này cũng là nơi thuận lợi để các loại cá con sinh sôi, tạo nguồn cung ứng cá giống cho người dân.
Cá lồng tại Vinh Hiền có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đình Nguyện là người có kinh nghiệm nuôi cá lồng, chủ yếu các loại cá mú, vẩu… Sau 30 năm nuôi cá lồng, ông Nguyện tỏ ra kinh nghiệm, tự tin với nghề khi đầu tư nguồn vốn lớn. Hiện, dù cá của ông đã quá trọng lượng xuất bán nhưng ông vẫn “án binh bất động”. Theo ông Nguyện, cá được nuôi theo hình thức gối đầu nên tạo được thu nhập quanh năm cho người nuôi. Vào thời điểm cuối năm là chính vụ thu hoạch của cá lồng ở Phú Lộc.
“Đa số cá đã có trọng lượng đủ để thu hoạch, đặc biệt có nhiều con cá mú nặng 4-5kg. Hiện nay, do giá cá khá thấp nên tui chưa muốn xuất bán”, ông Nguyện nói.
Nhiều hộ nuôi khác ở xã Vinh Hiền cũng đang găm hàng, chờ giá. Người dân cho rằng, vào thời điểm cuối năm và dịp lễ tết, giá cá sẽ tăng cao, người nuôi có lãi lớn.
“Bây giờ nếu bán chỉ có giá 150-200 nghìn đồng/kg nhưng vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch, giá sẽ đội lên từ 350-450 nghìn đồng/kg. Do vậy, đa số người nuôi cá lồng vùng này đều chưa muốn bán”, ông Nguyễn Văn Bé (xã Vinh Hiền) chia sẻ.
Ngoài Vinh Hiền, cá đặc sản cũng đang phát triển mạnh tại xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc), giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Tại địa phương này đang có hơn 300 lồng cá của hơn 100 hộ dân. Thời điểm này, người nuôi ở Lộc Bình cũng đang găm hàng dù cá đã đủ trọng lượng thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Khánh (xã Lộc Bình) nuôi hơn 20 lồng cá tỏ ra tự tin: “Tui chủ yếu nuôi cá mú. Cá có thể xuất bán quanh năm, nhưng để có thu nhập cao thì phải xuất bán vào dịp tết. Sau nhiều năm thả nuôi, tui biết nhu cầu vào dịp tết rất cao. Ngoài ra, tui cũng nuôi một số lượng cá đúng theo kích cỡ của các nhà hàng, khách sạn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện, giá cá thấp nên rất ít người xuất bán”.
Phải lấy lại vốn, hạn chế rủi ro
Đến thời điểm này, nhiều người nuôi tại Vinh Hiền, Lộc Bình vẫn tỏ ra tự tin "ghim hàng" với những lồng cá của mình nhưng họ vẫn chưa quên vụ mùa thất bát vào năm 2017, khi hàng tấn cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước do dòng nước bạc vào mùa lũ năm đó.
Theo ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, vựa cá lồng tại địa phương này chủ yếu tập trung tại Vinh Hiền và Lộc Bình với hơn 1.500 lồng cá. Những năm qua, các loại cá giá trị kinh tế cao đã giúp đời sống người dân vùng đầm phá cải thiện. |
“Chúng tôi khuyến cáo người dân thu hoạch trước 5/9 để tránh mưa bão. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, người dân vẫn cố tình để cá qua mùa mưa mới xuất bán. Lúc đó vào dịp tết, giá cá sẽ cao hơn. Vào năm 2017, quyết định của người dân khiến họ thiệt hại nặng nề”, ông Thông thừa nhận.
Hằng năm, để hạn chế rủi ro về nuôi cá trên sông và vùng đầm phá, các cơ quan chức năng thường khuyến cáo người nuôi phải đảm bảo khung lịch thời vụ, thu hoạch trước mùa mưa bão. Những hộ nuôi muốn duy trì cá qua mùa mưa thì ít nhất phải tiến hành thu tỉa để lấy lại vốn.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, tình trạng cá chết do ngạt oxy hay nước bạc trong những năm qua là bài học kinh nghiệm cho người nuôi. Đối với cá lồng nuôi trên sông, cá càng to thì nhu cầu về oxy càng lớn. Trên vùng đầm phá Tam Giang, nguồn nước thường được lưu thông nên sẽ khó xảy ra tình trạng cá thiếu oxy nhưng khi thủy điện xả lũ, lượng nước bạc đổ về nhiều làm thay đổi môi trường sẽ gây thiệt hại nên phải cẩn trọng.
“Hiện nay, nuôi cá lồng có 2 quy định mới là quy định về đăng ký nuôi lồng bè và quy định về thủ tục hành chính. Theo đó, người nuôi phải đăng ký ban đầu đối với quy định về phòng chống thiên tai, lúc đó thiệt hại kinh tế sẽ được quản lý và cơ quan chức năng dự báo cho người dân những sự cố có thể xảy ra, từ đó người nuôi đảm bảo kinh tế của họ.
Năm nay, chưa xuất hiện lũ, bão không có nghĩa là người nuôi cá 100% gặp thuận lợi. Trong tình hình khí hậu thất thường, khó lường như hiện nay, người nuôi cá không nên chủ quan, tránh thiệt hại do sản xuất, thu hoạch trái mùa, vụ", bà Hồng chia sẻ. |
L.Thọ (Báo Thừa Thiên Huế)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.