Người phạm tội tham nhũng thời nhà Lê sơ nhận mức án cao nhất là án gì?

Chủ nhật, ngày 30/06/2024 05:50 AM (GMT+7)
Trong lịch sử dân tộc hầu hết các triều đại, nạn tham nhũng đều hiện diện. Nhà Lê sơ (1428-1527) là triều đại thịnh trị, đạt nhiều thành tựu nhưng không vì thế mà nạn tham ô, hối lộ bị trấn áp hoàn toàn dù nhà nước đã có những điển lệ, điều luật răn đe, xử phạt loại tội này.
Bình luận 0

Tham nhũng là vấn nạn quốc gia

Tham nhũng thời Lê sơ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã có để nhũng nhiễu, hạch sách tiền của của nhân dân, bòn rút của công nhà nước (“biếm công vi tư”) nhằm mục đích tư lợi, làm giàu cho bản thân.

Nạn tham nhũng thời Lê sơ manh nha thời vua đầu triều Lê Thái Tổ rồi dần hiển hiện rõ vào hậu kỳ nhà Lê sơ, tương ứng với thời vua Lê Uy Mục và các đời vua sau.

Người phạm tội tham nhũng thời nhà Lê sơ nhận mức án cao nhất là án gì, dựa vào bộ luật nào?- Ảnh 1.

Giải phạm nhân ra pháp trường.

Theo thống kê trong nghiên cứu Nhà Lê sơ (1428-1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” (Trần Đình Ba), trong 100 năm tồn tại của nhà Lê sơ, có hơn 30 vụ việc lớn nhỏ liên quan tới tham nhũng, hối lộ của quan lại, tôn thất.

Thời vua Lê Thái Tổ (1428-1433) có một vụ; thời vua Lê Thái Tông (1433-1442) có 11 vụ, việc; thời vua Lê Nhân Tông (1442-1459) có tám vụ...

Điển hình vào năm Ất Mão (1435), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê) cho hay triều đình kinh tế, bắt và xét hỏi tới 53 kẻ tham quan ô lại ở địa phương.

Nguyên nhân nạn tham nhũng thời Lê sơ được chỉ rõ ở những hạn chế từ chính sách tuyển dụng, sử dụng, giám sát quan lại chưa quy củ, hợp lý; hiệu lực tổ chức, chính trị của bộ máy nhà nước chưa cao; trình độ và phẩm chất của một bộ phận quan lại còn yếu.

Đối tượng tham nhũng và hối lộ từ cấp bậc thấp nhất được ghi nhận trong những kẻ làm việc cho nhà nước có tham nhũng, sách nhiễu là kẻ giữ cửa cho đến trọng thần Thái úy (Lê Thụ), Thái phó (Lê Văn Linh, Nguyễn Xí).

Quan lại chức vụ càng cao thì tham nhũng càng lớn và nhiều, như Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn) có đề cập là “làm quan thì chăm bóc lột dân, giữ chức cao thì việc đầu tiên là ăn của đút”.

Hành vi tham nhũng thể hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực như trật tự, tài chính, văn hóa-giáo dục, tư pháp, quân đội, bổ dụng quan chức… với nhiều hình thức như tham nhũng tiền bạc, lễ vật hoặc là dùng thời gian công của nhà nước.

Cách thức tham nhũng cũng muôn hình vạn trạng. Đó có thể là hành vi ẩn lậu tiền, hành vi ăn bớt, mượn danh nghĩa việc thiện, việc công quả để thu lợi bất chính.

Nạn tham nhũng đã gây ra hệ quả to lớn là làm tha hóa một bộ phận quan lại đương quyền; làm mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền; làm suy yếu thể chế luật pháp.

Cũng bởi nhận thức sự nguy hại của tham nhũng đối với dân với nước nên các vua nhà Lê sơ rất chú trọng tới việc phải diệt trừ vấn nạn này, mà trước hết là ở quy định pháp luật.

Pháp luật nghiêm trị “sâu dân mọt nước”

Thống kê trong Nhà Lê sơ (1428-1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” cho thấy bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức, hay Lê triều hình luật) có 13 chương thì 10/13 chương có những điều luật liên quan tới xử tham nhũng, hối lộ gồm 102 điều trong tổng số 722 điều, chiếm gần 1/7 các điều luật.

Người phạm tội tham nhũng thời nhà Lê sơ nhận mức án cao nhất là án gì, dựa vào bộ luật nào?- Ảnh 2.

Lê triều hình luật (Quốc triều hình luật).

Trong đó chỉ có bốn điều xử tội đưa hối lộ hoặc là trung gian đưa hối lộ, cho thấy đối tượng tham nhũng có tính chủ động cao hơn là đối tượng hối lộ, đút lót.

Mức độ xử lý tội đưa hối lộ hoặc làm trung gian đưa hối lộ, hình thức xét xử ở mức độ vừa phải mà thấp nhất là xử tội biếm đến tội đồ, như Điều 41 thuộc Chương Vi chế có quy định. Trong khi đó tội tham nhũng có nhiều cấp độ xét xử từ biếm chức, phạt trượng… cho đến xử tử và thực tế đã thể hiện rõ.

Điều 42 Chương Vi chế của Quốc triều hình luật ghi: “Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 quan đến 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức”.

Trường hợp Tây quân đô đốc Lê Thiệt để quân lính lấy bạc của dân châu Thoát mà bị bãi quan chức năm Đinh Hợi (1467), hay Hình bộ Thượng thư Đỗ Tông Nam ăn hối lộ bị giao cho pháp ty theo luật xét tội và bãi chức là minh chứng.

Điều 89 Chương Vi chế, Điều 10 Chương Điền sản cho thấy song song với hình thức xử biếm, bãi chức hoặc đi đày, kẻ tham nhũng còn phải trả lại của cải, tiền bạc đã lấy và bị phạt, bồi thường tiền đã nhũng nhiễu của dân hay của nhà nước.

Người phạm tội tham nhũng thời nhà Lê sơ nhận mức án cao nhất là án gì, dựa vào bộ luật nào?- Ảnh 3.

Phạt roi phạm nhân.

Là một trong những trọng tội không được dự ân xá của nhà nước hằng năm, nên với những vụ tham nhũng lớn, tội phạm tham nhũng sẽ bị kết án chém.

Trong 98 điều xử tội tham nhũng của Quốc triều hình luật có gần 10 điều đưa ra mức xử tử đối với tội này như Điều 30 Chương Vệ cấm, Điều 18 và Điều 101 Chương Vi chế.

Có thể dẫn Điều 74 Chương Tạp luật làm chứng: “Các quan đại thần, quan hành khiển cùng các quan coi ngục tụng, nếu kẻ tội nhân xét tình đáng thương, nên được vua đặc ân tha cho mà lại tự nhân là ơn của mình, để đòi hối lộ, thì xử tội đồ, tội lưu hay tội chết”.

Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi việc Chuyển vận sứ huyện Thủy Đường là Nguyễn Liêm vì nhận hối lộ 2 tấm lụa năm Ất Mão (1435) đã phải lên đoạn đầu đài đối mặt với đao phủ.

Kẻ dung túng cũng bị tội liên đới như trường hợp Hán Tông Nghiệp đưa hối lộ năm Đinh Hợi (1467), Giám sát ngự sử Quản Công Thiêm biết nhưng lại không đàn hặc, tố cáo theo chức vụ được giao.

Sau này Hán Tông Nghiệp bị xử tội đưa hối lộ, Quản Công Thiêm bị bắt giam. Sự trạng này căn cứ Điều 24 Chương Vi chế có đoạn: “nếu vì thân tình hay thù oán mà cố ý làm sai sư thực thì sẽ chiếu theo sự tình nặng nhẹ mà tăng thêm tội; nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm 2 bậc”.

Về hiệu quả của pháp luật nhà Lê sơ đối với việc trị nước, trong đó có xử tội tham nhũng, hối lộ, học giả Lê Văn Siêu trong Việt Nam văn minh sử đã có nhận xét mang tính tổng kết: “Ta đủ thấy pháp lệnh nghiêm và công minh như thế nào”…

“Ta thấy rõ là pháp lệnh của vua đã không vị riêng các quan để lấy vây cánh chân tay trung thành, mà càng đối với quan chức lớn pháp lệnh lại càng nghiêm thiết và trừng trị gắt gao hơn nếu những người này phạm tội. Nhờ vậy mà triều đình có kỷ cương và các thể chế được đặt định đâu ra đấy, từ triều đình trung ương đến các xã thôn, đâu đâu cũng có để về sau lấy làm nền nếp căn bản cho cuộc sống”.

Đa phần những vụ án được xét xử thời Lê sơ đều ứng với pháp luật đã quy định, cho thấy được tính công bằng của trong xét xử đối với loại tội này.

Nhờ đó tính răn đe, ngăn ngừa cao để những kẻ có hành vi tư lợi lấy đó làm gương mà “co vòi, rụt cổ” tránh đi vào vết xe đổ lầm đường, lạc lối đến nỗi lụy thân. Mặt khác cũng cho thấy được quyết tâm của nhà Lê sơ trong việc dùng pháp luật làm một trong những công cụ ngăn ngừa, răn đe, nghiêm trị nạn tham nhũng.

Trần Đình Ba (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem