Ở huyện vùng cao Yên Bái có một thứ củ được ví là “vàng” trong đất, đào lên thương lái rất thích mua
Ở huyện vùng cao Yên Bái có một thứ củ được ví là “vàng” trong đất, đào lên thương lái rất thích mua
Hoàng Hữu
Thứ năm, ngày 08/02/2024 11:19 AM (GMT+7)
Từ một món ăn dân dã, khoai sọ nương Trạm Tấu đã được phát triển thành sản phẩm hàng hóa, giúp đồng bào huyện vùng cao Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trong giá rét cuối đông, từng đoàn xe bán tải của tư thương ngược núi, len lỏi vào từng bản làng của xã vùng cao Bản Mù (huyện Trạm Tấu) để thu mua khoai sọ nương.
Theo người dân ở đây, chưa bao giờ khoai sọ nương Trạm Tấu trở nên "hot" trên thị trường như hiện nay.
Thoát nghèo nhờ trồng khoai sọ nương
Để nâng tầm thương hiệu khoai sọ nương Trạm Tấu, UBND huyện Trạm Tấu đã yêu cầu Phòng NNPTNT, Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn người dân lựa chọn vùng đất thích hợp để trồng và thâm canh cây khoai sọ nương trên diện tích lớn. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu các ngành chức năng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo năng suất đi đôi với chất lượng…
Chị Hà Thị Lan (thị trấn Trạm Tấu) cười vui cho biết: "Chưa năm nào đi mua khoai sọ nương mà chúng tôi vất vả như năm nay.
Chúng tôi đánh xe bán tải đến tận chân núi mà ngày nào cũng phải đợi từ chiều đến tối mới thu mua được trên dưới 1 tấn khoai, bởi các tiểu thương khác đi xe máy đến tận nhà dân thu mua hết rồi.
Khoai sọ năm nay giá thành có thời điểm cao gấp đôi năm ngoái".
Anh Mùa A Tỉnh (thôn Mù Cao, xã Bản Mù) phải gác lại mọi công việc để thu hoạch được hết các diện tích khoai sọ nương của mình.
A Tỉnh bảo: "Trước đây nói đến Mù Cao mọi người sợ lắm, sợ đường trơn trượt, sợ dốc. Nhưng từ ngày Bản Mù nổi tiếng với loại khoai sọ trồng đất đen nhưng thơm, bở, tư thương không còn sợ đường nữa.
Họ thuê xe ôm lên bản, đặt tiền trước cho cả nương khoai, sau đó về điểm tập kết ở trụ sở xã và đợi chúng tôi cả ngày thu hoạch mang về".
Mùa A Tỉnh cho biết thêm, vụ này giá khoai sọ tăng gấp đôi so với năm ngoái. Giá ổn định từ đầu vụ là 17.000 - 20.000 đồng/kg. Gia đình A Tỉnh đã thu về trên 50 triệu đồng tiền khoai sọ, đủ để mua một ít vàng làm của để dành rồi.
Trước đây, nhiều thửa nương đồi ở Bản Mù chỉ trồng một năm 1 vụ lúa nương, còn lại để hoang trơ gốc rạ.
Bà con quen thuộc với lối sản xuất tự cung tự cấp, nhiều người thậm chí không dám mơ ước làm giàu bởi giao thông cách trở và các sản phẩm nông nghiệp chưa có chất lượng cao. Đến khoai sọ, bà con cũng chỉ trồng cầm chừng để chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình.
Tuy nhiên, kể từ khi giao thông phát triển, đặc biệt Internet về với bản làng đã làm thay đổi suy nghĩ của bà con. Nhiều người trẻ đã bắt đầu chú ý đến nuôi trồng cây con giống đặc sản, trong đó có khoai sọ nương Trạm Tấu.
Giàng A Cho (thôn Khấu Ly, xã Bản Mù) chia sẻ: "Trước đây gia đình trồng khoai sọ nương chỉ để phục vụ cho bữa ăn gia đình, thi thoảng mang xuống chợ huyện bán, tự định giá chỉ 10.000 đồng/kg.
Bởi vậy nghe cán bộ nói trồng khoai sọ nương để làm giàu thì buồn cười lắm, vì nghĩ bà con trồng khoai sọ nương bao đời rồi, giàu được chả đến lượt mình".
Mấy năm trở lại đây, thấy mọi người lên bản mua khoai sọ, Giàng A Cho cũng chẳng để tâm, chỉ nghĩ người ta thích ăn của lạ được vài bữa.
Nhưng cán bộ về tận thôn, bản tuyên truyền, nói rằng khoai sọ nương Trạm Tấu đã có thương hiệu, là sản phẩm OCOP được nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, thậm chí các siêu thị còn đặt hàng, Giàng A Cho bất ngờ lắm.
"Bây giờ mở điện thoại ra là thấy người người ở phố huyện mình đăng bán khoai sọ nương trên Zalo, Facebook.
\Bảo sao mấy năm nay khoai sọ nương thu hoạch đến bao nhiều bán hết đến đấy. Năm ngoái, gia đình mình thử trồng khoảng 350m2 khoai sọ nương, khi thu hoạch có tư thương lên tận bản mua với giá 15.000 đồng/kg, tổng thu được 7 triệu đồng.
So với cùng diện tích trồng lúa nương, khoai sọ nương cho thu nhập cao gấp 4 lần. Vì vậy năm nay gia đình trồng thêm 2.500m2 khoai sọ nương, với giá bán từ 17.000 – 20.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình dự kiến thu từ 55 - 60 triệu đồng" - Giàng A Cho vừa cười vừa kể.
Nhờ trồng khoai sọ nương, nhiều gia đình như Mùa A Tỉnh, Giàng A Cho... đã mua được xe máy, tivi và nhiều thiết bị hiện đại khác. Thậm chí, nhiều gia đình còn có tiền gửi tiết kiệm gửi ngân hàng cho con đi học.
Ông Giàng A Chang - Chủ tịch UBND xã Bản Mù chia sẻ, năm 2021, diện tích trồng khoai nương ở Bản Mù chỉ khoảng 40ha. Thế nhưng đến năm 2023, diện tích trồng khoai nương đã lên đến 130ha. Nhờ trồng khoai sọ nương, người dân Bản Mù một thời tự cung tự cấp, nay đã có cuộc sống ấm no hơn.
Với việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, khoai sọ vùng cao Trạm Tấu thực sự đã mở ra một hướng đi mới, góp phần vào giúp bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Do đó hiện nay, khoai sọ nương Trạm Tấu không chỉ được ở xã Bản Mù, mà còn được phát triển, mở rộng diện tích tại nhiều xã ở huyện Trạm Tấu như Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán…
Ông Vũ Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, năm 2023, diện tích trồng khoai sọ Trạm Tấu trên địa bàn huyện đạt 600ha, năng suất ước đạt 140 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8.400 tấn. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng khoai sọ Trạm Tấu mở rộng lên đến 1.000ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.