Nhưng tại sao mẹ ngồi than thân trách phận? Thì ra từ xưa đến nay những người phụ nữ làm ruộng, nói rộng ra là dân cày, thời nào cũng có đầy đủ lý do để than vãn. “Ôi quê hương xứ dân cày, ôi bông lúa!”. Cái chữ “ôi” đầy cảm thán luôn gắn với cuộc đời và số phận nhà nông.
Cánh đồng quê tôi bao giờ cũng có mương máng và những đìa nước nhỏ, đủ cả cá, cua, tôm tép, ốc vặn, ốc nhồi, ếch, nhái, chẫu chuộc, đỉa, lươn, rắn nước... Những ngày mưa rào, cá rô rạch theo dòng nước làm cuộc di dân theo bản năng sinh sản; cứ việc vác rổ ra chặn dòng mà hứng cả đàn, sướng rơn cả người! Nhỏ bé nhất trên đồng là cào cào, châu chấu, bọ muỗm, sọt sành. Đi chăn trâu bắt bọ muỗm béo mầm, xâu vào cọng cỏ, nhổ gốc rạ đốt lên “bỏ lô”, ăn vừa thơm vừa khét, cả đời không sao quên được hương vị “bữa tiệc” đồng quê.
Ngày trước sau gặt, người ta thường cày ải. Có vùng cuốc ải. Cái cuốc ải khác cuốc thường ở chỗ cán gỗ lim, lưỡi cuốc bằng thép bọc ngoài, phần trong là gỗ lim, trông giống như lưỡi mai cù khắm. Cuốc như thế mới sâu, mới lật đất từng tảng lớn lên 180 độ. Cày ải lật đất, dế mèn, dế trũi, có cả giun bật khỏi tổ. Ngan vịt sà vào ăn hôi. Thỉnh thoảng có con vô tình ăn nhát cuốc bỏ mạng, tiếc ơi là tiếc! Cuốc xong thì xếp ải. Người ta chồng đất lên nhau cho nắng dãi. Đến lúc làm mùa thì tát nước đầy ruộng. Đêm nằm ngủ nghe tiếng đổ ải ùm ùm (nước ngấm chồng đất đổ xuống). Càng ùm ùm nhiều, vụ ấy càng bội thu.
Miền quê tôi không có “mùa len trâu”, con trâu ra đồng ăn cỏ phải có người chăn kẻo lạc sang đồng người và quan trọng là không được ăn lúa. Cô bé chăn trâu có bài gọi trâu “ơ, mế hành mế hẹ, mế chẳng theo mẹ thì mế theo ai” (mế là nghé). Tiếng gọi nghé ngân nga trên đồng vắng, nghe mơ hồ theo gió, trở nên huyền bí, hơi sờ sợ. Gọi mãi con nghé vẫn mải chơi không về, trâu mẹ liền cất giọng gọi con, “nghé ọ” một tiếng thật vang, lũ sáo đậu nhờ sừng trâu giật mình bay vụt lên trong nắng chiều, chấp chới.
Ngày xưa ruộng của địa chủ là chính, như bây giờ đất là của các nhà đầu tư “từ đâu” đến, không phải người làng. Đến cuộc cách mạng ruộng đất khi nước nhà độc lập, ruộng đất chia cho dân. Rồi tổ đổi công, hợp tác xã, hợp tác xã cấp cao, nông trường quốc doanh, dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa, rồi lại khoán, lại chia ruộng... Quyền sở hữu ruộng đất đổi đi đổi lại nhiều lần. Cách đây 20 năm từ “đất đai” thay cho từ “ruộng đất”. Kết quả ra sao bây giờ chẳng cần nói ai cũng rõ. Nước mình năm nay đang tranh chức nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng quê tôi chắc chắn không bao giờ có gạo bán, đủ ăn, đủ thuế là may. Nông nghiệp miền Bắc vẫn loay hoay trong thế nhỏ lẻ, manh mún. Nhưng cánh đồng vẫn còn.
Vẫn còn cánh đồng, tương lai cả nước vẫn cố giữ 3,8 triệu ha canh tác, nhưng quê kiểng đã phai màu, cánh đồng đơn điệu lắm. Tôm tép, đến cả ếch nhái và con đỉa, con rắn cũng không còn nhiều. Vắng dần cả niềm vui và nỗi sợ. Người cao tuổi như tôi trong nhà bao giờ cũng có hộp thuốc phòng bệnh đủ loại. Đồng làng tôi cũng đầy các loại thuốc tăng trưởng, thuốc sâu bệnh. Các loại hóa chất đang ngấm sâu vào đất, vào nước, vào gió, vào làng quê. Làng nào ở cạnh sân golf, khu công nghiệp còn bị ô nhiễm môi trường, hoa màu thiệt hại, sức khỏe bị đe dọa. “Làng ung thư” là cụm từ mới của thế kỷ 21 ở Việt Nam, nói chính xác là ở nông thôn Việt Nam.
Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa viết “Nắng như ai nấu/Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy”. Nhà thơ ơi, hết cua cá vì thuốc sâu rồi, chỉ còn các mẹ, các chị chúng ta vẫn lội bùn cấy lúa như từ... 4.000 năm trước. Nước ta đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng người làm đồng vẫn “bán lưng cho giời, bán mặt cho đất”, thi thoảng mới thấy có cái máy tự chế chạy phành phạch. Tôi vẫn chưa hình dung 10 năm nữa ta công nghiệp hóa nông thôn, cánh đồng quê tôi sẽ như thế nào, chỉ dám ước một chiếc máy cấy nho nhỏ để các mẹ, các chị được ngẩng mặt nhìn trời xanh, nhìn lúa con gái đương thì cũng xanh rợn lên như hẹn hò một mùa no ấm...
Trần Chinh Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.