Trước thông tin về vụ việc thầy giáo sàm sỡ nhiều học sinh lớp 5 tại Bắc Giang, nhiều người băn khoăn về việc trẻ em ở nước ngoài được bảo vệ thế nào?
Ở Mỹ trẻ em có đặc quyền riêng tư, trẻ được người lớn cũng như pháp luật bảo vệ rất kĩ về học tập, hình ảnh, thân thể... Ở Mỹ, nếu không phải là con mình mà người lớn có những hành động nựng má, sờ, động chạm, vuốt ve, ôm hôn… và không được sự đồng ý của phụ huynh được xem là hành động phạm pháp. Trường hợp có lời lẽ khiếm nhã, không tốt với trẻ cũng được xem là trái pháp luật.
Việc một thầy giáo ở Bắc Giang có hành vi véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh của lớp 5 nhưng cơ quan công an kết luận không có đủ căn cứ để kết tội dâm ô trẻ em đang gây nhiều tranh cãi.
Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cho rằng “trẻ em không thể tự mình chấp thuận hoạt động tình dục với người trưởng thành và người trưởng thành nào thực hiện hoạt động tình dục với trẻ em tức là thực hiện hành động phạm tội và vô đạo đức, hành động này không bao giờ được xem là hành vi bình thường hay được xã hội chấp nhận”. Ở Hoa Kỳ, độ tuổi vị thành niên có thể tự chấp thuận hoạt động tình dục là từ 16 đến 18 tuổi.
Pháp luật Mỹ nhận dạng biểu hiện "dâm ô đối với trẻ em" là "sự động chạm có chủ ý vào bộ phận nhạy cảm hoặc vùng vải vóc che phủ bộ phận nhạy cảm của người khác"; “bắt ép nạn nhân chạm vào bộ phận nhạy cảm của mình”; hay “dùng nạn nhân như một cách tăng thỏa mãn dục vọng”.
Với các đối tượng "yêu râu xanh" ở Mỹ, theo Novilaw, pháp luật chia ra 4 cấp độ vi phạm. Tội "dâm ô đối với trẻ em" nằm trong mức độ II. Dâm ô trẻ em dưới 13 tuổi, hoặc từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi và khung hình phạt cao nhất cho tội này là 15 năm tù. Bên cạnh đó, kẻ phạm tội cũng phải đeo thiết bị giám sát GPS.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), luật pháp một số nước phát triển cho thấy ở những nước này, hành vi xâm hại tình dục trẻ em không cần để lại dấu vết trên người nạn nhân vẫn bị kết tội. Thậm chí, chỉ cần tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em đã bị đi tù (Nhật Bản).
Điều này trái ngược với hiện trạng pháp lý “trọng chứng hơn trọng cung” ở Việt Nam khi cần có bằng chứng cụ thể về xâm hại tình dục mới có thể cấu thành tội phạm.
Hơn nữa, khái niệm dành cho hành vi “dâm ô” chưa có trong các quy định của pháp luật Việt Nam; chưa được cụ thể và phân loại thành các mức độ khác nhau. Điều này đã gây khó khăn trong việc xử lý hình sự và thủ tục tố tụng với chứng cứ liên quan đến tội danh “dâm ô với trẻ em”.
Việc “chờ đợi” mang tính đòi hỏi chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố được người thực hiện hành vi “dâm ô” là một số thiếu sót vô cùng nghiêm trọng đối với hệ thông pháp luật hình sự của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, dâm ô không chỉ là hành vi xâm hại trực tiếp đến cơ thể nạn nhân, mà có thể là bất kì hành vi quấy rối tình dục gián tiếp nào như gạ gẫm, gợi ý rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận các hành vi tính dục một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn,… đều hiểu đó là hành vi dâm ô có dấu hiệu tội phạm.
* Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.