Ở xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Hậu Giang, nông dân làm nông nghiệp số như thế nào?
Ở xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Hậu Giang, nông dân làm nông nghiệp số như thế nào?
Hồng Cẩm
Thứ năm, ngày 30/11/2023 05:46 AM (GMT+7)
Đại Thành, TP Ngã Bảy là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Xã là vành đai xanh của thành phố, với trên 60% diện tích trồng cây ăn trái. Ứng dụng nông nghiệp số, nông dân ở đây đã xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ xã nông thôn mới đầu tiên của vùng đến nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên
Xã Đại Thành là xã đầu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng là xã đầu tiên của tỉnh Hậu Giang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2013.
Năm 2019, xã Đại Thành tiếp tục được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Tháng 8/2023, đơn vị tiếp tục vinh dự là xã đầu tiên của tỉnh Hậu Giang đạt chuẩn NTM kiểu mẫu sau khi hoàn thiện 6/6 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu nhập bình quân đầu người tính đến thời điểm công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt trên 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo xét theo hướng đa chiều của xã chỉ còn 2,49%; gần 98% hộ dân có sử dụng điện thoại thông minh và thực hiện các giao dịch trực tuyến như: Nộp hồ sơ trực tuyến, đóng tiền điện nước, nhận lương hưu, đóng tiền bảo hiểm y tế, bán hàng trên các sản thương mại…
Ông Nguyễn Hoàng Hơn, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết: Điểm nổi bật trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là sản xuất phát triển, thu nhập người dân nâng cao.
Các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Đặc biệt người dân đồng thuận hưởng ứng thực hiện chuyển đổi số, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất tuần hoàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo UBND xã Đại Thành, xã có diện tích 2.040ha, có 1.962 hộ sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy công tác phát triển sản xuất được xác định là thế mạnh và chủ lực của địa phương. Từ đó, Đảng ủy, UBND xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất tuần hoàn để nâng cao giá trị sản phẩm.
Trong đó, xã chú trọng chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, xây dựng kế hoạch phát triển nhóm cây trồng chủ lực để tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất như: Sầu riêng (95ha), mít Thái (933ha), chôm chôm (36ha), trong đó xã đã xây dựng mã vùng trồng 130ha nhằm tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nông dân ứng dụng công nghệ, sản xuất tuần hoàn
Để hướng người dân sản xuất theo xu hướng an toàn, hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm, chính quyền xã Đại Thành đã vận động người dân thực hiện mô hình nông nghiệp số, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất.
Hiện nay, xã Đại Thành có 3 mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm nông sản chủ lực gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình “nuôi ong mật trong vườn chôm chôm” của chị Nguyễn Kim Toàn, ấp Sơn Phú, đang được các cơ quan chức năng và cán bộ kỹ thuật của địa phương quan tâm, hỗ trợ phát triển.
Theo chị Toàn cho biết, gia đình chị có 5ha trồng các loại cây như, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... trong đó 50% diện tích là cây chôm chôm, sản lượng thu hoạch chôm chôm ước tính đạt từ 45-50 tấn/2,5ha/năm.
Để phục vụ tưới tiêu hiệu quả, tiết kiệm, năm 2021 chị lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để lắp đặt hệ thống tưới tự động cho 5ha cây ăn trái. Với hệ thống điện năng lượng mặt trời, cộng với giàn tưới tự động, hàng năm chỉ giảm tiền điện và tiền nhân công tưới cây khoảng vài chục triệu đồng.
Để phát huy hiệu hơn nữa vườn cây ăn trái của mình, năm 2022 chị nuôi 25 thùng ong lấy mật trong vườn trái cây của mình, vừa giúp hoa thụ phấn tốt, vừa để ong tạo mật từ hoa tự nhiên. Với số lượng 25 thùng ong mật, vào lúc cây ra hoa mỗi tháng chị Toàn thu hoạch mật 2-3 đợt, thời gian thu là 6 tháng.
Ước sản lượng mật thu đạt từ 240-300 lít mật/6 tháng. Qua vụ thu hoạch mật ong làm cho giá trị lợi nhuận tăng thêm từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn khoảng 150 triệu đồng, cộng với lợi nhuận từ trái cây đạt khoảng 750 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, tận dụng lá cây tại vườn, chị Toàn học cách ủ phân hữu cơ để phục vụ bón vườn cây ăn trái, hạn chế tối đa phân, thuốc vô cơ, ảnh hưởng đàn ong; dưới các ao trong vườn chị kết hợp nuôi cá. Ước tổng lợi nhuận 5ha vườn sản xuất tuần hoàn của chị thu về trên 1 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, để đầu ra cho nông sản của gia đình và bà con nông dân trong ấp được ổn định, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tháng 5/2023 chị Toàn thành lập HTX nông nghiệp Sơn Phú, với 62 thành viên. HTX chuyên thu mua trái cây các loại và hướng tới sẽ cung ứng vật tư nông nghiệp, kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới tự động, kỹ thuật nuôi ong mật trong vườn trái cây... cho bà con xã viên.
Chị Toàn, chia sẻ: “Sau gần 2 năm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và ứng dụng sản xuất tuần hoàn đã giúp gia đình tôi tiết kiệm hiệu quả chi phí đầu vào, năng suất sản xuất, tăng lợi nhuận đáng kể.
Chính vì thế được sự vận động của chính quyền địa phương tôi đã thành lập HTX Sơn Phú với mong muốn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con cùng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sản xuất tuần hoàn để ổn định sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập”.
Thêm một mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu của xã Đại Thành là mô hình “trồng mít kết hợp nuôi dê thương phẩm” của hộ ông Lê Văn Hùng, ở ấp Ba Ngàn.
Với diện tích 1,5ha vườn, ông Hùng tận dụng trồng mít và nuôi dê để tạo thêm thu nhập, hiện vườn mít đã được hơn 3 năm tuổi và đang trong giai đoạn thu hoạch trái. Mô hình này đã giúp ông thu lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng bền vững.
Ông Hùng chia sẻ: “Từ lúc thực hiện mô hình này, gia đình tôi khá giả hơn trước, hiện ước tính mỗi năm thu hoạch được 30 tấn trái bán cho thương lái, với giá bán bình quân khoảng 20.000 đồng/kg. Năm 2022, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 50% vốn để mua 9 con dê giống về nuôi. Hiện số lượng đàn dê đã tăng hơn 20 con, gồm có dê thịt và dê giống”.
Trong quá trình nuôi dê, ông Hùng đã tận dụng nguồn phụ phẩm từ trái mít non và lá mít để làm thức ăn cho dê. Cùng với đó, sử dụng phân dê, lá, cành, trái mít, cỏ,… có trong vườn để ủ thành phân hữu cơ bón lại cho cây mít, từ đó giảm thiểu được chi phí sản xuất và giảm lượng phân hóa học bón cho cây trồng. Với cách làm kết hợp trên, hàng năm gia đình ông Hùng có nguồn thu nhập từ 400-500 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.