Ở Xuân Lộc của Đồng Nai, nông dân hào hứng ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất hàng hóa

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 05/06/2024 05:49 AM (GMT+7)
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ là hướng đi chính của ngành nông nghiệp huyện Xuân Lộc nói riêng cũng như của tỉnh Đồng Nai.
Bình luận 0

Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững cũng là định hướng mà huyện Xuân Lộc sẽ tập trung xây dựng để hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 -2025.

Huyện Xuân Lộc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Thống kê trên lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai có khoảng 246 trang trại chăn nuôi heo và 170 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều năm nay, Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Sản Xuất và Chăn Nuôi Thanh Đức ở xã Xuân Phú đã nhập công nghệ chăn nuôi hiện đại của châu Âu về chăn nuôi gà.

Đáng chú ý, hệ thống cân bằng nhiệt độ, độ ẩm, cho đến công nghệ làm mát, sưởi ấm đều được công ty cải tiến cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương.

Chăn nuôi gà ở Công ty TNHH Thanh Đức ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: N.V

Chăn nuôi gà ở Công ty TNHH Thanh Đức ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: N.V

Ở xã Xuân Trường, Công ty TNHH Thương Mại Trang Trại Việt đầu tư nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ và lập trang trại rộng 13ha với hệ thống nhà màng trồng rau, quả sạch.

Ông chủ trang trại này còn tự thiết kế robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất.

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều đơn vị trên địa bàn huyện Xuân Lộc cũng tiên phong đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Điển hình như HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến ở xã Xuân Phú đầu tư hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay tại cánh đồng… 

Để giảm chi phí nhân công, HTX còn ứng dụng máy bay không người lái (drone) giúp phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, bắp thuận lợi hơn.

Nhờ ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận từ mô hình sản xuất lúa đặc sản an toàn của HTX tăng thêm từ 15-25% so với cách làm truyền thống.

"Với giống lúa đặc sản ST24, HTX đã trở thành đơn vị cung ứng sản phẩm gạo chất lượng cao hàng đầu tại địa phương", ông Trần Quang - Giám đốc HTX cho biết.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Ca cao Suối Cát (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các thành viên. Ảnh: N.V

HTX Dịch vụ nông nghiệp Ca cao Suối Cát (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các thành viên. Ảnh: N.V

HTX Dịch vụ nông nghiệp Ca cao Suối Cát (xã Suối Cát) chọn hướng liên kết sản xuất, tạo ra cánh đồng lớn để tiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông Trương Văn Mỹ - Giám đốc HTX kể, liên kết sản xuất ca cao Xuân Lộc được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2709 năm 2022 với tổng kinh phí được duyệt là hơn 22,6 tỷ đồng.

Khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân được hỗ trợ về vật tư, phân bón và hệ thống tưới tiết kiệm. Tất cả thành viên trong HTX đang canh tác theo chuẩn GlobalGAP.

Dưới nhãn hiệu hàng hóa Ca cao Thành Ý, HTX ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp để lo đầu ra cho nông dân. HTX đã có 2 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao là bột ca cao nguyên chất và socola sữa.

Tiền đề để huyện Xuân Lộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Theo UBND xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), nhờ áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch, giá trị sản phẩm được nâng lên. Giá trái ca cao ở các địa phương khác thường được mua từ 6.000 đồng/kg trở lại. Còn ở Xuân Lộc, ca cao được mua với giá 7.000 đồng/kg

Nhiều vườn điều trước đây ở địa phương cho thu nhập thấp, nay thay bằng các vườn ca cao trĩu quả, thu nhập 200-300 triệu đồng/ha.

Nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tự nguyện tham gia vào chuỗi liên kết của HTX Ca cao Suối Cát; đưa số lượng thành viên HTX tăng từ 67 lên hơn 100 thành viên, và diện tích tăng từ 72, ha lên gần 100ha.

Ông Trương Văn Mỹ (thứ 2, phải sang) và các du khách tham quan mô hình du lịch sinh thái ở HTX Ca cao Suối Cát. Ảnh: N.V

Ông Trương Văn Mỹ (thứ 2, phải sang) và các du khách tham quan mô hình du lịch sinh thái ở HTX Ca cao Suối Cát. Ảnh: N.V

Còn theo ông Trương Văn Mỹ, chính nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở những vùng sâu, vùng xa có sự thay đổi lớn. Đường sá khang trang, nhà cửa sạch đẹp. HTX cũng mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch sinh thái.

Cách làm này không chỉ quảng bá nông sản của địa phương mà còn tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người nông dân. "Việc HTX đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ giúp gắn kết tốt hơn các mối quan hệ trong xã hội, góp phần xây dựng nông nghiệp kiểu mẫu", ông Mỹ nói.

Ông Lê Kim Bằng - Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết, huyện đã được Chính phủ công nhận là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Việc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao sẽ là tiền đề, điều kiện để tiếp tục hành trình tiến lên phía trước. Xuân Lộc sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tham quan mô hình sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Ảnh: T.L

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tham quan mô hình sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Ảnh: T.L

Theo ông Lê Văn Gọi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, huyện Xuân Lộc là địa phương duy nhất trong cả nước chọn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

Cùng thi đua với một số huyện ở phía Bắc, Sở NNPTNT đang tập trung xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên khu vực phía Nam.

Mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững; thu nhập bình quân đầu người đạt 92 triệu đồng/người; giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt 220 triệu đồng/ha.

Tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, mỗi xã có ít nhất 2 mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và liên kết theo chuỗi giá trị, ông Gọi chia sẻ.

4 huyện được Trung ương chọn xây dựng thí điểm mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu gồm:

Huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

Huyện Nam Đàn (Nghệ An) xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về Phát triển văn hóa gắn với du lịch

Huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp để phát triển bền vững.

Huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem