Một sinh viên ở Huế trồng rau công nghệ cao kiểu gì mà chả kịp bán, tự trả lương cao cho mình?

Huyền Trang Thứ ba, ngày 05/03/2024 05:22 AM (GMT+7)
Mô hình trồng rau công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP của chàng sinh viên Trường Đại học Nông lâm Huế Trương Minh Kiệt mỗi vụ cho lãi gấp 5-7 lần so với phương thức trồng rau truyền thống.
Bình luận 0

Những năm qua, mô hình trồng rau nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP của Trương Minh Kiệt ở thôn 4, xã Hương Phú, huyện Nam Đông được coi là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao điển hình ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vượt qua những con đường quanh co nối từ huyện Phú Lộc lên huyện miền núi Nam Đông, chúng tôi đến mô hình nông nghiệp kiểu mới của Trương Minh Kiệt. 

Trên diện tích 2.300m2 nhà kính, những loài rau do Kiệt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP xanh mơn mởn khiến ai đến cũng phải trầm trồ. Đằng sau cơ ngơi nông nghiệp công nghệ cao này này câu chuyện về sự khát khao phát triển nông kiểu mới hiện đại của Kiệt.

Năm 2020, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng như nhiều bạn trẻ khác ở huyện miền núi Nam Đông, Kiệt quyết định lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội làm giàu.

Tuy nhiên, thời điểm này đại dịch Covid-19 bùng phát khiến Kiệt không thể xuất ngoại theo kế hoạch.

Một sinh viên ở Huế trồng rau công nghệ cao kiểu gì mà chả kịp bán, tự trả lương cao cho mình? - Ảnh 2.

Chàng sinh viên Trương Minh Kiệt, chàng sinh viên Trường Đại học Nông lâm Huế với mô hình trồng rau công nghệ cao theo phương pháp thủy canh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Huyền Trang.

Không để thời gian trôi qua lãng phí, Kiệt quyết định tìm cho mình hướng đi khác thay vì ngồi chờ đợi đi xuất khẩu lao động. Kiệt muốn thử sức làm giàu bằng nghề nông, nhưng không phải theo phương thức truyền thống mà là làm nông nghiệp công nghệ cao. 

Nghĩ là vậy, nhưng với một người chỉ vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa có kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, mọi chuyện trở nên quá tầm với đối với Kiệt.

Cơ duyên đến với Kiệt là lúc bấy giờ Trường Đại học Nông lâm- Đại học Huế vừa mở thêm ngành học Nông nghiệp công nghệ cao. Không do dự, Kiệt đăng ký ngay vào ngành học hoàn toàn mới mẻ này để theo đuổi dự định phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Kiệt kể, xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nông nên anh thấu hiểu nỗi vất vả, sự rủi ro từ cái nghề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" này. 

Bố Kiệt, ông Trương Minh Hào, thường xuyên động viên con trai cố gắng học tập để kiến thức phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp của quê hương.

Một sinh viên ở Huế trồng rau công nghệ cao kiểu gì mà chả kịp bán, tự trả lương cao cho mình? - Ảnh 4.

Một mô hình trồng dưa leo trong nhà kính được Trương Minh Kiệt hỗ trợ chuyển giao và giám sát chất lượng. Ảnh: Huyền Trang.

Với sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi của bản thân cùng sự động viên và hỗ trợ của gia đình, đang còn là sinh viên nhưng Kiệt đã xây dựng được mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngay tại quê nhà. Trên diện tích 2.300m2 đất, Kiệt xây dựng 2 nhà kính để trồng rau công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình trồng rau của Kiệt ứng dụng công nghệ thuỷ canh hay còn gọi là trồng cây không đất. Cây rau sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước có hòa tan các chất dinh dưỡng. 

Nhóm cây trồng chủ lực tại đây là các loại rau hoa màu như: Cải, xà lách, muống, các loại rau mùi… Mỗi năm mô hình cho thu hoạch hàng chục tấn rau các loại.

Kiệt cho biết, so với phương thức canh tác truyền thống, việc trồng rau theo công nghệ thủy canh trong nhà kính có những ưu thế vượt trội. Trong thời gian 1 năm, Kiệt có thể triển khai trồng tới từ 10 - 12 vụ rau. 

Một sinh viên ở Huế trồng rau công nghệ cao kiểu gì mà chả kịp bán, tự trả lương cao cho mình? - Ảnh 6.

Ngoài đam mê phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Trương Minh Kiệt còn là một đoàn viên cực kỳ năng nổ. Ảnh: Huyền Trang.

Cây rau sinh trưởng và phát triển nhanh và ít bị sâu bệnh gây hại vì đã loại bỏ được phần lớn các tác động từ môi trường bên ngoài, các yếu tố dinh dưỡng của cây được điều chỉnh thông qua nguồn nước nuôi cây. 

Cuối mỗi vụ rau chỉ cần vệ sinh máng nước là có thể quay vòng quy trình để sản xuất ngay vụ khác.

Ngoài tính ưu việt về chất lượng cây trồng, quy trình trồng rau thủy canh còn không tốn công sức. Trung bình 1 nhà kính với diện tích từ 1.500 – 2.000m3 chỉ cần 1 lao động lành nghề để theo dõi và điều phối máy móc. Lao động này cũng nhàn rỗi vì công việc chủ yếu điều khiển thông qua ứng dụng cài sẵn trên điện thoại thông minh.

Do rau được trồng theo quy trình khép kín, ít sử dụng phân bón nên được thị trường ưa chuộng. Giá bán ra thị trường của rau trồng thêo mô hình này cao hơn 1,5 – 2,5 lần so với các sản phẩm rau được trồng theo phương thức truyền thống.

Với những ưu thế về chất lượng cây rau, giá bán, chi phí đầu tư và chi phí nhân công thấp, mỗi vụ rau thu hoạch tại mô hình của Kiệt cho lãi gấp từ 5-7 lần so với phương thức trồng rau truyền thống.

Hiện tại, các sản phẩm rau, hoa màu của Kiệt đang có đầu ra ổn định, sản xuất bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. 

Ngoài cung cấp cho các chợ truyền thống, cơ sở bán thực phẩm trên địa bàn huyện Nam Đông, cơ sở của Kiệt còn ký hợp đồng bán rau cho Trường Mầm non Hoa Đỗ Quyên (thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) và Khu du lịch sinh thái YesHue Eco.

Kiệt phấn khởi cho biết, hiện nhiều hệ thống siêu thị lớn đã ngỏ lời cơ sở của anh hợp tác cung ứng rau. Do sản lượng các siêu thị yêu cầu cung cấp quá lớn nên hiện Kiệt đang cố gắng liên kết các hộ sản xuất để tạo thành chuỗi cung ứng rau có tính ổn định cao, nhằm hướng tới đưa rau thủy canh vào các siêu thị lớn.

Ngoài xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại quê nhà, Kiệt còn lan tỏa niềm say mê "làm nông thông thái" đến nhiều vùng quê ở Thừa Thiên Huế. 

Kiệt đã chuyển giao thành công mô hình trồng rau thủy canh cho 1 hộ gia đình và 2 hợp tác xã gồm Hợp tác xã Thủy Tân và Hợp tác xã Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích khoảng 2.000m2.

Một sinh viên ở Huế trồng rau công nghệ cao kiểu gì mà chả kịp bán, tự trả lương cao cho mình? - Ảnh 9.

Nhiều năm liền Trương Minh Kiệt được nhiều cơ quan, đoàn thể khen thưởng do những thành tích xuất sắc của mình. Ảnh: Huyền Trang.

Kiệt cũng hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiêu thông minh tại nhà cho những hộ gia đình không có nhiều không gian trồng trọt. 

Cậu sinh viên này cũng hỗ trợ chia sẻ kiến thức về nông nghiệp thủy canh cho học sinh tại các trường trung học phổ thông ở tỉnh nhằm lan tỏa niềm say mê với khối ngành học còn mới mẻ với nhiều người trẻ...

Là một sinh viên đang còn trên ghế nhà trường, những điều mà Kiệt đã và đang làm thực sự là tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác.

Không chỉ hăng say với mô hình làm nông nghiệp hiện đại, Kiệt còn là một sinh viên nhiệt huyết với công tác Đoàn, hoạt động của các câu lạc bộ trực thuộc Trường Đại học Nông lâm- Đại học Huế, Câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Huế...

Nhiều năm liền Kiệt được Hội Sinh viên Đại học Huế, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Huế, Đoàn Trường Đại học Nông lâm Huế- Đại học Huế, Hội Sinh viên Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế và nhiều cơ quan, ban ngành khác tuyên dương, khen thưởng.

"Ngoài việc hoàn thành tốt chương trình đại học, thực hiện khóa luận tốt nghiệp…, mình đang cùng những cộng sự tiếp tục nghiên cứu phát triển mô hình kết hợp thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu, áp dụng cho các hộ gia đình nhỏ. 

Dự kiến, mô hình sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay và sẽ tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2025", Kiệt chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem