Tôi chỉ có một mụn con gái nhưng cháu sống quá vô tâm, vô tính. Cháu học hết lớp 9 thì bỏ học. Vợ chồng tôi ngoài làm ruộng còn làm ăn buôn bán nên cũng đủ sống. Tôi nghĩ con gái không học thì có thể theo mẹ ra chợ bán hàng. Nhưng con tôi chẳng làm mà cứ lông bông, sà hết vào hàng này quán nọ để buôn chuyện, ăn quà vặt.
Tôi có mắng mỏ, cấm đoán được vài hôm là lại chứng nào tật nấy. Có lúc cháu thích mở hàng ăn, rồi hàng lưu niệm, nhưng chỉ được vài tháng quán lại sập tiệm vì cháu cứ như "trên giời". 18 tuổi, cháu vẫn lông bông, ham chơi. Mới đây, cháu khoe kiếm được việc làm, cả nhà đã mừng. Hóa ra là nghề... xem bói. Tôi thật cười ra nước mắt. Tôi cần làm gì để con biết tỉnh ngộ, tu thân?
Lý Thị Tĩnh (Lý Nhân, Hà Nam)
|
Ảnh minh họa |
Sự vô tâm của cháu có lẽ do anh chị đã tạo nên từ bé. Con chị chẳng phải làm gì đã đầy đủ, dư dật. Lẽ ra khi cháu mới vài ba tuổi, anh chị đã phải dành thời gian hướng dẫn con tự lập, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của mình, khi lớn hơn thì biết giúp mẹ dọn nhà, nấu cơm. Bố mẹ kiếm sống vất vả thì con cần có trách nhiệm thu dọn nhà cửa, đóng góp lao động.
Con chị đã có một khoảng thời gian sống một cách bản năng, hồn nhiên và chẳng lo nghĩ gì. Cho nên bây giờ, khi chị muốn cháu sống tự lập, biết chăm lo cho tương lai, biết thương bố mẹ thì có lẽ đã hơi muộn. Nếp sống, nhận thức về cuộc sống đã ăn sâu vào suy nghĩ của cháu. Nhưng muộn còn hơn buông xuôi.
Trước hết chị phải giúp cháu tránh được việc yêu đương buông tuồng, dẫn đến việc có thai ngoài ý muốn hoặc bệnh tật. Sau đó, khi cháu đã nghe lời (hoặc buộc phải nghe), chị nên giúp cháu học một nghề có ích để kiếm sống.
Chị nên hỏi cháu cặn kẽ, xét xem năng lực của con làm được gì, rồi hướng dẫn cho con đi học nghề. Thời gian học cũng là lúc giúp cháu "lớn" hơn trong suy nghĩ. Đương nhiên, anh chị phải giám sát chặt chẽ việc cháu đến lớp, không thể tiếp tục thả nổi. Khi con học nghề xong, nếu cháu có năng lực thì xin việc, không được thì chị bỏ vốn và cùng giám sát kinh doanh với con. Cũng không nên tỏ thái độ thất vọng, cho rằng con là kẻ bỏ đi, chẳng ra gì, thiếu niềm tin tuyệt đối vào con.
Anh chị cũng nên cắt hết các khoản viện trợ cho cháu ăn chơi hoang phí (chỉ cung cấp những nhu cầu thiết yếu tối thiểu), buộc cháu phải về nhà đúng giờ. Khi không có tiền, không có thời gian, con chị sẽ buộc phải hướng sự chú ý của mình vào việc có ích.
Tơ Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.