Ốc neo tăng đơ cầu treo ở Lai Châu bị nghi ngờ kém chất lượng

Thứ tư, ngày 26/02/2014 18:24 PM (GMT+7)
Sau nhiều ý kiến đặt ra giả thuyết nguyên nhân vụ lật cầu treo ở bản Chu Va 6 (Tam Đường, Lai Châu) là do đứt ốc neo tăng đơ ở đầu cầu, nhiều bạn đọc đã tỏ ra nghi ngờ chất lượng vật liệu làm ốc neo tăng đơ và công tác nghiệm thu cầu.
Bình luận 0
Một bạn đọc tên là Bùi Văn Tuấn bình luận: “Qua hình ảnh tăng đơ cho thấy: Tăng đơ bị đứt tại vị trí có tiết diện chịu lực nhỏ nhất là hợp lý. Tuy nhiên có vẻ như khi thi công lỗ tăng đơ này đơn vị thi công dùng hàn gió đá để khoét lỗ chứ không phải khoan lỗ. Nếu thực sự dùng hàn gió đá để khoét lỗ là hoàn toàn sai về kỹ thuật. Vì khi sử dụng hàn gió đá toàn bộ thép tại vị trí này bi gia nhiệt biến thành gang nên rất giòn, không còn dẻo và chịu lực tốt như thép được”.

Ốc neo bị đứt dẫn đến vụ sập cầu, làm hàng chục người chết và bị thương.
Ốc neo bị đứt dẫn đến vụ sập cầu, làm hàng chục người chết và bị thương.

Bạn đọc Nguyễn Văn Mạo đánh giá: “Tôi thật sự không thể tin nổi trình độ những người thiết kế bu lông cầu treo quá non kém nên đã xẩy ra vụ tai nạn đáng tiếc này... Khu vực lỗ diện tích mặt cắt ngang phải lớn hơn mặt cắt ngang của tăng đơ và thép có sức bền lớn để chịu lực kéo, nén, xoắn đồng thời do trọng tải của cầu và trọng tải khác tác động vào thì câu luôn an toàn”.

Một bạn đọc là kỹ sư kết cấu cũng đồng tình: “Từ khi xảy ra vụ này tôi đã nghĩ tới nguyên nhân là do tăng đơ, dây cáp được thi công không đúng thiết kế được duyệt, còn trường hợp cộng hưởng không thể xảy ra. Cơ quan giám sát thì lơ mơ chẳng biết gì nên nghiệm thu đại cho xong việc. Thực tế ốc neo tăng đơ không đảm bảo cường độ do quy định trong thiết kế. Chờ xem kết luận của cơ quan chức năng nhé”.

Một người khác nhận định: “Theo hình ảnh thì chắc chắn bu lông treo làm sai thiết kế và vật liệu cũng không đúng vì vết gãy như vậy thì chỉ có thể là gang hoặc thép có hàm lượng các bon rất cao, mà tiét diện chịu lực rất nhỏ”.

Bạn đọc Lưu Minh Hải cũng nhận xét: “Nhìn vào bức ảnh tôi thấy chiếc tăng đơ này làm pha gang quá nhiều (chắc là sản xuất gia công thôi). Theo tính chất vật lý thì gang rất giòn, dễ gãy, nếu mà làm bằng thép thì vài trăm người đi qua chiếc cầu này cũng không thể đứt được tăng đơ, cần xử lý nghiêm bộ phận nhiệm thu chiếc cầu treo trên...”.

Trong khi đó, tỏ ra khá thận trọng và điềm tĩnh, bạn đọc Quang Hà đưa ra ý kiến sau khi xem hình ảnh chiếc ốc neo tăng đơ bị gãy làm đôi: Thứ nhất, việc cắt hơi thổi lỗ của tăng đơ không biến thép thành gang được mà có thể gây biến dạng, tạo ứng xuất, gây dòn, giảm độ dẻo và độ dai va đập, nhất là ứng tập trung dẫn đến nứt gãy tại các vết cắt.Tuy nhiên, qua ảnh chụp không thể hiện vết nứt trước nó bị kéo đứt.

Qua đó, bạn đọc Quang Hà cho rằng: Cần có sự thanh kiểm tra về kỹ thuật công nghệ từ thiết kế, thi công, vật liệu thép được sử dụng; qui trình kiểm tra nghiệm thu, qui trình vận hành... Nếu sai đâu thì mới làm rõ trách nhiệm đấy. Không nên quy kết, đưa những dự đoán chưa đủ cơ sở khoa học làm sai lệch sự việc, hiện tượng cũng như tạo áp lực lên cơ quan chức năng trong vấn đề điều tra, kết luận làm rõ.

H.P tổng hợp (H.P tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem