Chỉ một tiếng động nhỏ phía chân cầu hay tiếng cựa mình chuyển dòng của một luồng nước cũng khiến ông Bảy “đò” giật mình, sẵn sàng cho một pha cứu người trong chớp mắt...
Ông Bảy "đò" là cách gọi thân thương mà người dân ven sông Đồng Nai đặt cho ông Lê Văn Dũng, 54 tuổi, ngụ P. Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Dường như ông Bảy già hơn tuổi thật của mình. Ông cũng công nhận điều đó và cho biết hiện đang mang trong mình 3 thứ bệnh, còn sống ngày nào hay ngày đó.
Nhưng, dù chỉ một ngày được sống thì ông vẫn quyết bám trụ nơi này, một mái chòi nhỏ dưới gốc cây si ngay chân cầu Đồng Nai. Cả đời ông Bảy vùng vẫy với sông nước và những con đò. Gia đình ông vốn là dân hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu.
Ông Bảy "đò" trong lần cứu người đuối nước trên sông
Từ 7 tuổi ông Bảy đã theo cha lênh đênh trên ghe đánh bắt cá tôm mưu sinh. Năm 1993, ông lấy vợ và được cha mẹ vợ cho thửa đất (khu vực ấp Bình Dương, P. Long Bình Tân) nơi có bến đò để kiếm cơm nuôi 4 đứa con. Sau đó khu vực này bị giải tỏa trắng, ông được bố trí về ở khu bến tạm gần cầu cảng Đồng Nai chờ tái định cư.
Vợ chồng ông Bảy sống bằng nghề đưa đò, chạy đò bán hàng cho các tàu thuyền chở hàng và dân nuôi cá bè trên khu vực sông Đồng Nai. Những ngày đi đò như thế, ông Bảy chứng kiến nhiều vụ tai nạn sông nước, trong đó phần nhiều là người gieo mình xuống sông tự tử. Không suy nghĩ nhiều, cũng không tính toán sự hiểm nguy, ông thường lao ra cứu người đuối nước.
Tiếng lành đồn xa, tài cứu người trên sông của ông Bảy được dân quanh vùng biết tới. Họ cảm phục và ngưỡng mộ ông rất nhiều. Hễ thấy vụ đuối nước hay nghe tin có ai nhảy cầu là dân chúng lại gọi ông Bảy. Dù đang làm gì, việc quan trọng cỡ mấy thì ông Bảy cũng sẵn sàng buông bỏ hết để lao ra giữa dòng tìm kiếm, cứu vớt nạn nhân. Ông không nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người, vớt được bao nhiêu cái xác và ông cũng không quan tâm điều đó.
Niềm vui sông nước là giật lại được người từ tay Hà Bá, nhưng cũng chính dòng sông này đã cướp mất đứa con trai duy nhất của ông Bảy. Vào một ngày bươn chải mưu sinh của năm 1996, vợ chồng ông Bảy giao đứa con mới 2 tuổi cho người em gái ở nhà trông nom. Trong phút sơ sẩy, đứa trẻ rơi xuống nước và tử vong. Ông Bảy trở về thì đã không kịp, ông lặn ngụp, vùng vẫy tuyệt vọng dưới đáy sông lạnh căm căm. Nỗi buồn mất con lặn ngấm vào trong trái tim người cha. Phải mất một thời gian dài, ông Bảy mới nguôi ngoai nỗi đau. Ông tự nhủ với lòng mình, phải bám sông, bám đò mà cứu người, để không còn ai phải khổ đau vì sông nước nữa.
Hơn 20 năm sống đời sông hồ, mỗi năm ông Bảy cứu hàng chục mạng, bằng khen về thành tích cứu người của ông Bảy nhiều, xếp lớp trong căn chòi lá bên mé sông.
Những nạn nhân được ông cứu sống thường có hoàn cảnh éo le, vì chuyện gia đình, tình cảm, rồi nợ nần túng quẫn mà tìm đến cây cầu muốn giải thoát. Mỗi người được cứu đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, họ bỗng giật mình tỉnh ngộ và nhận ra sự sống là vô cùng quý giá.
3 năm trước, một cô bé người đồng bào dân tộc XơĐăng quê ở Bình Phước xuống Đồng Nai làm công nhân. Do vướng vào chuyện tình cảm, không tìm được lối thoát nên cô đến cầu Đồng Nai gieo mình. Ông Bảy đang ngồi ăn cơm trên võng, nghe tiếng động, biết ngay có người nhảy cầu. Ông bỏ bát cơm, không kịp lấy ghe mà phi thẳng xuống nước bơi ra vị trí có chỏm tóc đang bồng bềnh trôi theo dòng nước xiết. Ông túm tóc cô gái, từ từ kéo vào bờ rồi thực hiện các thao tác sơ cứu.
Ông chạy vào nhà lấy chăn mền đắp cho nạn nhân rồi xoa dầu gió làm ấm người. Cô bé tỉnh lại, bàng hoàng, hoảng loạn. Biết mình còn sống, cô bé ôm mặt khóc nức nở. Sau khi hỏi chuyện gia đình, chuyện tình cảm, ông Bảy lựa lời khuyên nhủ. Trước khi bàn giao cho người thân cô gái, ông Bảy dúi vào túi cô gái 1 triệu đồng làm lộ phí.
Cứu được bao nhiêu người, ông Bảy không nhớ và cho đi bao nhiêu bộ quần áo, ông Bảy cũng quên luôn. Thỉnh thoảng ông thấy ngăn tủ của mình hết quần áo thì lại ra chợ mua một mớ, vừa để ông mặc, vừa cho nạn nhân nhảy cầu...
Khu vực dưới chân cầu Đồng Nai là nơi ông Bảy cứu được nhiều người nhất
Hỏi ông Bảy có bao giờ nạn nhân quay lại cảm ơn và hậu tạ không? Ông cười chân chất, bảo rằng, có nhưng rất ít và ông cũng không để tâm lắm. Vụ mới nhất ông cứu được một phụ nữ vào chiều 19/6/2022 thì ông chưa thể quên được. Hôm ấy trời mưa tầm tã, ông Bảy "đò" đang nằm võng hướng mặt ra cầu thì phát hiện người phụ nữ đứng trên thành cầu ôm mặt khóc rồi trong tích tắc, cô ấy lao xuống nước. Ông Bảy cũng lao ra con đò của mình nhanh chóng nổ máy. Trời mưa, dòng sông chảy xiết đã cuốn trôi nạn nhân đi xa khoảng 100m so với vị trí rơi.
Ông Bảy cố gắng lái con đò tiếp cận rồi cũng cứu được nạn nhân. Đưa vào lán, hỏi thăm thì được biết người phụ nữ tên M.N (32 tuổi) do buồn chuyện gia đình mà muốn chết. Ông Bảy giữ chị N. lại cho ăn uống, nghỉ ngơi, khi nào thật sự hồi phục và tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo, ông mới bàn giao cho gia đình đón về.
Vào đầu năm ngoái, ông Bảy cứu sống một người phụ nữ khá giả, là chủ nhà hàng ăn uống ở Long Thành. Cũng vì mâu thuẫn gia đình mà chị này chạy xe ô tô từ Long Thành đến cầu Đồng Nai tự tử. Linh tính mách bảo, ông Bảy vừa nhìn thấy chiếc ô tô đậu trên cầu là đoán có người sẽ lao xuống. Ông chuẩn bị đồ nghề bên dưới để chờ đón nhưng không ngờ nước chảy xiết cuốn người phụ nữ trôi xa vị trí của ông. Ông lại gồng đò đuổi theo nạn nhân, vì quá cấp bách mà ông đâm rách mạn một chiếc tàu dầu, bể cả mũi đò. Cánh tay lái đò của ông bị quệt trúng thanh gỗ trầy xước, nhưng ông đã bất chấp tất cả để lao đến cứu nạn nhân kịp thời.
Vừa cứu được nạn nhân lên bờ thì người chồng cũng đuổi kịp. Gặp chồng sau khi từ cõi chết trở về, bỗng nhiên người vợ hết giận hờn, oán trách mà chỉ biết ân hận. Một tuần sau, hai vợ chồng tới gặp ông Bảy tặng hai con gà và một thùng quà cùng chiếc phong bì rất dày.
Ông Bảy vui vẻ nhận gà và làm cơm mời khách ở lại dùng, riêng khoản tiền hậu tạ kia ông Bảy quyết không nhận. Ông bảo, mình làm ở đây đủ sống qua ngày, không thiếu đói. Nếu muốn cảm ơn ông thì hãy đi giúp người nghèo khổ hơn.
Trước khi ra về, hai vợ chồng tha thiết mời ông Bảy xuống nhà hàng ở Long Thành chơi, họ sẽ hậu đãi bất cứ thứ gì ông thích. Ông Bảy nhận lời cho có, rồi cũng quên luôn chuyện thăm viếng.
Những truyền nhân vì nghĩa giúp người thời trai trẻ, ông Bảy có thể bơi từ bên này sang bên kia sông, ông có khả năng lặn sâu mà không cần dùng công cụ hỗ trợ. Những năm sau này, mỗi khi lặn vớt xác người, do sức khỏe sa sút nên ông hay bị xì máu mũi, máu tai. Biết mình đã già, cơ thể không còn dẻo dai, bền bỉ như xưa nữa, ông nghĩ đến việc tìm người thay thế. Ông đi tuyển mộ những đệ tử có cùng tình yêu sông nước và đam mê làm việc thiện. Ông dạy bảo, truyền nghề để họ có thể tiếp nối ước nguyện cả đời của ông.
"Lính của tôi đứa nào cũng giỏi mò lặn, cứu người lanh lẹ hơn cả tôi nữa. Như thằng đò này nè, mới gia nhập được 2 năm mà cứu được nhiều người rồi", ông Bảy tự hào chỉ vào anh Lê Thanh Tuấn (41 tuổi, quê Rạch Giá, Kiên Giang).
Anh Tuấn nhỏ con nhưng vạm vỡ, da rám nắng vì cả ngày chạy ghe, lặn ngụp ở sông. Gà trống nuôi con, anh lái ghe cho ông Bảy chở hàng ra vào cho thủy thủ trên tàu lớn. Làm cho ông Bảy được 2 năm, anh cứu cũng được gần chục người.
Chưa có nhiều kinh nghiệm như ông Bảy, nhưng nhờ trẻ khỏe đã giúp anh Tuấn cứu được nạn nhân sống sót. Lần gần nhất, khi thấy cô gái nhảy xuống đúng lúc dòng chảy xiết, anh Tuấn lái ra giữa dòng thì bỏ xuồng rồi lao xuống để nắm lấy chỏm tóc của nạn nhân cho kịp. Đưa lên bờ, hỏi thăm hoàn cảnh, chỉ là chuyện giận dỗi với chồng rồi cãi nhau đôi ba câu đã muốn tìm đến cái chết. Sau khi khuyên nhủ, cô gái đồng ý để anh Tuấn gọi điện cho chồng đến đón. Gặp nhau, cả hai lại ôm lấy nhau rồi tủm tỉm cười.
Không chỉ anh Tuấn, các thành viên trong nhà ông Bảy ai cũng tham gia cứu người. Đàn ông thì nhảy sông lôi người lên. Phụ nữ lo sơ cứu trên bờ, cho nạn nhân ăn uống, mặc quần áo rồi đưa đi cấp cứu. Đó là việc làm thường xuyên và như là một cái nghiệp của ông Bảy và gia đình ông.
Cứu người là chuyện thường ngày nhưng cuộc đời chạy ghe của ông Bảy lại lênh đênh theo những quyết định di dời. Trong đơn xin cứu xét gửi cơ quan chức năng gần đây, ông Bảy cho biết, năm 2012, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định giải tỏa 200 hộ dân P. Long Bình Tân để mở rộng cảng Đồng Nai. Hơn 400 m2 đất với nhà ở, 10 phòng trọ và bến neo đậu của vợ chồng ông bị giải tỏa trắng. Ông Bảy được phường bố trí cho ở bến đò tạm, diện tích 110 m2, cách cầu cảng 200 m để trữ hàng và neo đậu thuyền, tạo điều kiện kiếm sống. Sau đó, có dự án xây cầu qua rạch Tham Mạng nên hai thuyền 15 tấn và 5 tấn của ông không đi qua được, phải bán thuyền lớn để mua hai thuyền nhỏ 2 tấn, thu nhập giảm hẳn nhưng vẫn còn đắp đổi qua ngày cho gia đình 10 nhân khẩu. Vốn liếng cả đời ông dồn về bến tạm này để mưu sinh.
Những ngày cuối tháng 6 này, gia đình ông Bảy nhận được yêu cầu đi khỏi bến tạm trong vòng một tháng. Ông Bảy "đò" ngồi than thở với chúng tôi: "Cả đời tôi đò ngang sông nước, giờ phải lên bờ xa bến thì sao mà sống nổi. Tôi chỉ cần một túp lều nhỏ, mắc vài chiếc võng lên đó. Cho tôi ở lại, đặng tôi còn cứu người nhảy cầu Đồng Nai. Mỗi năm, tôi phát hiện và cứu được cả chục mạng người ở chân cầu này. Nếu tôi phải đi thì ai sẽ làm điều đó...".
Từ nhiều năm nay, đồng hành cùng ông Bảy "đò" trên sông Đồng Nai là Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai. Hễ ông Lê Văn Dũng (tức ông Bảy "đò") phát hiện được vụ việc, sẽ thông báo cho Đội biết để phối hợp. Trường hợp nào dễ, ông sẽ xử lý bước đầu. Gặp ca khó thì người nhảy xuống sông cứu nạn là chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp của Đội, còn ông Dũng sẽ bơi gần đó phụ giúp khi cần, nhất là chỉ dẫn cho lực lượng chức năng hướng người trôi, nơi thi thể có khả năng dạt vào bờ để tìm kiếm. Đại úy Phùng Văn Hạnh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông cho biết, ông Dũng là người hòa đồng, vui vẻ, chân thật, đã cứu được nhiều nạn nhân đuối nước trên sông Đồng Nai. Trong công tác cứu nạn, cứu hộ, giữa Đội và ông Dũng là sự kết hợp rất ăn ý, hài hòa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.