Lão nông đam mê lịch sử

Thứ tư, ngày 07/09/2022 10:06 AM (GMT+7)
Một đời cày sâu cuốc bẫm, chưa kinh qua ngành sử, không một trường lớp chuyên môn nhưng ông trở thành người kể chuyện sử tinh thông ở mảnh đất huyền thoại 18 thôn vườn trầu. Người đời gọi ông là Tài “sử”, hay người giữ hồn cho “tiếng mõ Nam Lân”…
Bình luận 0

Ông Tài "sử"

Ngôi nhà cấp 4 tại ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đã cũ xưa và xuống cấp đi nhiều, tài sản của chủ nhân chẳng có gì đáng giá ngoài mấy kệ sách, xấp báo cũ với những bài viết được đăng báo từ nhiều năm nay. Ông Mai Công Tài tiếp khách bằng những câu chuyện sử xưa, vốn dĩ là sở trường và ít nhiều giúp tên của ông trở thành "đặc sản" của vùng.

Lão nông đam mê lịch sử - Ảnh 1.

Hơn 70 tuổi, ông Tài vẫn say sưa đi kể chuyện sử ở mảnh đất 18 thôn vườn trầu

Ông Tài "sử" khiêm nhường khi chúng tôi hỏi về cơ duyên khiến ông tinh thông sử học đến vậy, ông cười, miệng móm sọm, khoe độc một cái răng ở hàm trên, rồi vui vẻ phân bua: "Tôi không phải là người dạy sử, mà đơn giản chỉ là người kể chuyện sử".

Ông Tài lại nhớ chuyện xưa, mê sử một phần có lẽ nhờ cách dạy sử của thầy giáo Thụy - Hiệu trưởng trường Bà Điểm cũ, thầy dạy rất kỹ, vừa dạy vừa kể chuyện, vừa xâu chuỗi các sự kiện như từ thời Lý qua Trần. Nhà Hồ tiếp nối nhà Trần ra sao? Một phần nữa, do sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày lịch sử, được coi là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nên ông sống và chứng kiến, nghe kể nhiều về lịch sử đứng lên chống giặc ngoại bang của nhân dân Bà Điểm trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Những tên tuổi lẫy lừng như: Trương Định, Trương Quyền, Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Văn Hớn... lâu dần cứ ngấm vào tâm khảm như một lẽ tự nhiên, ông Tài trở thành người kể chuyện sử lúc nào không biết.

Lão nông đam mê lịch sử - Ảnh 2.

Những câu thơ mộc mạc ông Tài lưu giữ trên cuốn sổ tay cũ kỹ

Thuở xưa, gia đình ông Tài là nông dân trồng trầu, đến năm 1962, chính quyền cũ cho giải tỏa vườn trầu làm Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Cha ông dọn bỏ vườn trầu bị nọc dầm đâm vào chân, về phát bệnh rồi chết. Mất cha, mất luôn cả vườn trầu; là anh cả trong nhà, dưới còn 4 đứa em, ông Tài đang học tú tài phải bỏ ngang đi làm thơ ký, dạy kèm, phụ bán quán ăn để nuôi các em. Khi lấy vợ, hai vợ chồng bắt đầu nuôi bò sữa. Một tay vắt sữa bò đem bán, nuôi hết bầy em ăn học nên người. Nên hễ có ai hỏi về nghề nghiệp của mình, ông Tài thường nheo mắt lẩy câu thơ: "Thất nghiệp gặp lúc khó khăn/Nuôi bò vắt sữa kiếm ăn lần hồi".

Khoảng thời gian làm ở hội nông dân xã Bà Điểm, ông Tài có dịp đi tận nơi tiếp xúc với bà con nông dân, nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Ngày qua ngày, ông trở thành người am hiểu về lịch sử 18 thôn Vườn Trầu. Những câu chuyện ông kể thường không có trong sách vở. Đến khi nhà truyền thống xã Bà Điểm ra đời, ông trở thành hướng dẫn viên tình nguyện đặc biệt, dù không hưởng lương. Mỗi lần có đoàn khách quan trọng, mỗi khi báo đài cần tìm hiểu lịch sử địa phương, anh em Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hóc Môn, lãnh đạo xã Bà Điểm lại gọi chú Tài.

Ông Phan Tấn Cường - Trưởng ấp Hậu Lân chia sẻ: "Ông Tài là một trong những người rất quý của xã Bà Điểm, không chỉ nắm chắc, hiểu rõ về lịch sử của xã Bà Điểm nói riêng mà còn của cả huyện Hóc Môn nói chung. Khi có sinh hoạt đoàn hội bên ấp đều nhờ ông Tài "sử" đến kể lại chuyện sử cho lớp trẻ. Đôi khi trong chính công việc của chúng tôi cũng cần tham vấn ý kiến từ ông, nhất là những kiến thức về truyền thống lịch sử của quê hương 18 thôn Vườn Trầu".

Lão nông đam mê lịch sử - Ảnh 3.

Các con cháu không phản đối việc làm của ông Tài, nhưng không ai "mê" sử như ông

Kể chuyện sử, ông Tài không hề nói tới những chuyện vĩ mô to tát, không dùng mấy từ ngữ nghe xa lạ khó hiểu với đám học sinh, mà chọn những người thật, việc thật xảy ra ở chính mảnh đất 18 thôn Vườn Trầu để dẫn chứng. "Tôi chọn những câu chuyện đó viết bài, viết nhiều rồi tôi tích luỹ lại. Và mình thấy có những sự kiện rất xúc động, tính thuyết phục rất cao. Kể lại những câu chuyện này thì lớp trẻ mới hiểu được cái gian nan của người đi trước, cái cực khổ hy sinh mất mát như thế nào để có được ngày hôm nay", ông Tài tâm sự về cơ duyên khiến ông gắn bó cả cuộc đời với những trang sử truyền thống của đất Bà Điểm.

Vì sao Trung ương chọn xã Bà Điểm làm nơi xây dựng căn cứ cách mạng? Ông Tài xúc động hồi tưởng, trong giai đoạn những năm 1936 đến khi nổ ra Nam Kỳ khởi nghĩa, 18 thôn Vườn Trầu che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ Trung ương về đây hoạt động, được sử sách ghi nhận như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân… cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của cách mạng, quần chúng cốt cán nơi xứ trầu không nề gian khổ, hy sinh làm tròn sứ mệnh Đảng giao.

Có thể nói, xã Bà Điểm là xã truyền thống cách mạng, cái nôi của cách mạng, quê hương của Nam kỳ khởi nghĩa. Ngay từ thời thực dân Pháp, năm 1859 Pháp đánh thành Gia Định, ngài Nguyễn Tri Phương vào xây đại đồn Kỳ Hòa (đồn Chí Hòa ngày nay), ông Trương Định rút về đồn Thuận Kiều. Ở đây, ông cùng nghĩa sĩ của 18 thôn Vườn Trầu và nghĩa sĩ Cần Giuộc xà đi đánh lại suốt 10 năm ròng rã mới lấy lại được đồn Thuận Kiều.

Một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn là vào tháng 3 năm 1935, sau khi dự Hội nghị Trung ương Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) về, đồng chí Võ Văn Ngân đã cùng đồng chí Hà Huy Tập quyết định chọn xã Bà Điểm làm nơi trú đóng và hoạt động của Trung ương Đảng từ năm 1936 đến năm 1939.

Suốt thời gian trên nhân dân xã Bà Điểm đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình để có niềm vinh dự tự hào chính đáng hôm nay và cả thế hệ mai sau. Sau đó Hội nghị Trung ương 6 đã quyết định chuyển mục đích từ đấu tranh chính trị ruộng đất cho dân cày, lương cho công nhân sang giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa năm 1939. Đúng 1 năm sau (1940), nổ ra Nam Kỳ khởi nghĩa, nên người ta gọi nơi đây là quê hương của Nam Kỳ khởi nghĩa.

Trong nhà truyền thống của xã Bà Điểm còn lưu giữ nhiều kỷ vật của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và của những người đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa này. Trong đó đặc biệt là chiếc mõ Nam Lân. Năm xưa, từ lời hiệu triệu của Xứ ủy Nam Kỳ cùng với tiếng mõ Nam Lân, nhân dân các tỉnh thành Nam Bộ, từ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cho đến mũi Cà Mau đã cùng đứng lên khởi nghĩa.

Gìn giữ kho tàng lịch sử cho thế hệ sau

Quá khứ, lịch sử hào hùng là thế nhưng cũng lắm tang thương. Kể về truyền thống đấu tranh của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu, xã Bà Điểm, ông Tài lặng người và bồi hồi: "Chiến tranh đi qua đã lâu nhưng mất mát mà nó để lại quá nhiều. Gia đình tôi có ông anh họ hồi chiến tranh đi tập kết ra Bắc rồi lấy vợ và sinh con ngoài đó luôn, 15 năm sau về chiến đấu miền Nam, có lần đi ngang qua chợ Bà Điểm, nhìn từ xa đã thấy nhà mình nhưng không thể ghé vào thăm mẹ một chút, sau này kháng chiến thành công trở về thì mẹ già đã không còn nữa.

Ông Tài "sử" ngậm ngùi đọc câu thơ: "Chiến tranh khốc liệt gieo tang tóc/ Đã đi qua biết mấy chiến trường/ Có lúc dừng quân gần xóm cũ/ Cồn cào dõi mắt ngóng quê hương".

Nhớ người xưa, nhớ một thời gian khổ, ông Tài nghẹn ngào kể về ông ngoại của mình, xưa nuôi cán bộ, trở thành ông già "rượu". Cứ chiều chiều giặc bắn chết nhiều lắm, những người tỉnh, thân nhân không ai dám ra nên chúng phải dùng mấy ông già say xỉn tay cầm cút rượu, quần áo xộc xệch ống thấp ông cao, đi bước ngắn bước dài liểng xiểng, làm bộ vậy thì mới đưa xác về chôn cất được.

Ám ảnh về chiến tranh, vừa thấy khổ vừa thấy hào hùng, sống trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc, càng cảm nhận hơn về sự hy sinh, dù bản thân ông Tài lúc đó mới chỉ là cậu nhóc 5 tuổi, được mẹ ẵm đi chạy giặc suốt từ vùng này qua vùng khác, cuộc sống chưa một ngày bình yên. Nhưng với ông Tài, đau hơn cả chính là nỗi đau khi bạn cùng ra chiến trường nhưng người đi bộ đội, người đi lính. Ngày trước ngồi học cùng nhau, có miếng bánh, miếng kẹo cũng chia nhau, nhưng vì cuộc chiến mà người đi bên này người đi bên kia cách trở đôi đường.

Năm đó Mậu Thân, đứa này kéo quân về đánh, trong lần về đã ghé thăm nhà bạn thân. Anh bạn nhìn thấy lính ôm súng nên lánh mặt. Người bạn vào nhà không thấy ai bèn rút hộc bàn lấy cuốn tập để viết mấy dòng cho bạn, nhưng mở ra thấy có cây súng ngắn gói trong cái khăn mỏng chung với mấy cuốn tập. Bạn chỉ lấy cuốn tập xé tờ giấy viết vài chữ "tao về đây ghé nhà nhưng không gặp mày, tao đi đây, mày ở lại mạnh khỏe", rồi lặng lẽ rời đi.

Lão nông đam mê lịch sử - Ảnh 5.

Ngôi nhà cấp 4 nhuộm màu thời gian của ông Tài

Những câu chuyện sử thường khô khan, khó dung nạp vậy mà qua lời kể của ông Tài "sử" lại khiến người nghe thích thú, lôi cuốn và dễ hiểu. Biết tiếng của ông, nhiều trường học đã mời ông về kể chuyện cho học sinh nghe.

Học sinh ngày nay đa phần không thích học lịch sử, đó là một thực tế khiến ngành Giáo dục đang phải tìm phương án thay đổi cách dạy và học. Ông Tài cho rằng, cả bài giảng lẫn sách giáo khoa đều khô cứng, không sinh động, nặng về lý thuyết chính trị mà thiếu đi tính hấp dẫn. Nhiều học sinh không đủ bộ nhớ để dung nạp, dẫn đến tâm lý sợ hãi.

Học lịch sử mà buộc phải nhớ từng ngày, thi kiểu trắc nghiệm khác nào đánh đố. Hứng thú phải là những mẩu chuyện người thật, việc thật, dung dị và gần gũi. Học lịch sử không phải thấy vậy mà thực tế lại không phải vậy, phải hiểu nguyên nhân vì sao làm vậy, tâm tình với nhau thoải mái, thấy buồn buồn lại kể chuyện tiếu lâm là đám nhỏ chịu liền.

Bà Điểm đã gắn liền với bao nhiêu huyền thoại về những người mẹ, các chiến sĩ anh hùng trên vùng đất của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Xã Bà Điểm hôm nay đã thay da đổi thịt nhanh chóng với hướng phát triển kinh tế mới thiên về thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Cũng chính những điều này khiến những người như ông Tài trăn trở nỗi lo những địa danh lịch sử ngày càng mai một đi do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Một điều trăn trở nữa là cần giữ được truyền thống trầu cau, vì nếu không 18 thôn Vườn Trầu con cháu mình chỉ biết được qua sách vở.

* Bài có sự biên tập ở title

Ngọc Hoa - Nguyễn Nga (An ninh thế giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem