Ông chủ "vua dép lốp" kể về duyên đưa sản phẩm ra thế giới

Kim Duyên Chủ nhật, ngày 05/06/2022 09:52 AM (GMT+7)
Nghề làm dép cao su từ những chiếc lốp xe hỏng tưởng như đã biến mất mấy chục năm trước, nhưng CEO của thương hiệu "vua dép lốp" Nguyễn Tiến Cường đã âm thầm đưa đôi dép cao su (dép lốp) ra thế giới với slogan “đi dép cao su giúp ý chí mạnh hơn”.
Bình luận 0

Phòng trưng bày dép cao su của ông "vua dép lốp". Clip: Kim Duyên

Đôi dép cao su (dép lốp) đã gắn bó với những người lính trong suốt hai cuộc kháng chiến, đi cả vào những tác phẩm thi ca... Hiện tại, đôi dép ấy đang được anh Nguyễn Tiến Cường, con rể của nghệ nhân Phạm Xuân Quang làm "sống lại", không chỉ với ý nghĩa là một hành trang không thể thiếu của nhiều người mà còn mong muốn đưa sản phẩm này vươn ra thế giới.

Ông chủ "vua dép lốp" kể về duyên đưa sản phẩm ra thế giới - Ảnh 1.

Cửa hàng tại Hà Nội, trong khuôn viên Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong 4 cửa hàng chính của thương hiệu "vua dép lốp" trên cả nước. Ảnh: Kim Duyên

Tiếng vang mà "vua dép lốp" có được, trước tiên là nhờ bàn tay của nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã có hơn 50 năm gắn bó với việc tái tạo đôi dép Bác Hồ sử dụng trong những năm kháng chiến, được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đôi dép cao su sau đó đã trở thành biểu tượng của ý chí, sự kiên cường và đồng hành với những người chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập cho dân tộc.

Với thế mạnh tuổi trẻ và hiểu biết trong ngành công nghệ thông tin, sau khi được truyền nghề, anh Cường nhanh chóng phát triển sản phẩm dép cao su và tiến hành đăng ký thương hiệu "vua dép lốp" Phạm Quang Xuân.

"Cường phò mã" học nghề dép lốp từ bố vợ

Chúng tôi đến gian hàng "vua dép lốp" ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh vào một ngày đầu tháng 6. Không giống như biệt danh "phò mã", CEO của thương hiệu "vua dép lốp" xuất hiện trước mặt tôi với nước da ngăm, đôi bàn tay nhỏ nhuốm màu của chiếc lốp cao su đen. Từ những chia sẻ của anh, tôi đã hiểu, tại sao anh kĩ sư công nghệ thông tin này lại "rẽ ngang" để gắn bó với những chiếc dép lốp.

Ông chủ "vua dép lốp" kể về duyên đưa sản phẩm ra thế giới - Ảnh 2.

"Tuỳ thuộc vào mẫu mã, kiểu dáng và phí vận chuyển mà sản phẩm xuất khẩu nước ngoài luôn ở tầm trung", anh Cường chia sẻ. Ảnh: Kim Duyên

"Vua dép lốp" là cái tên mà những người yêu dép cao su dành tặng nghệ nhân Nguyễn Quang Xuân - người có tay nghề làm dép lốp nổi tiếng của Hà Nội. Vậy nên, anh Nguyễn Tiến Cường (sinh năm 1979) là con rể "vua" thì đương nhiên là "phò mã".

Tâm sự về cơ duyên và lý do gắn bó với nghề, anh Cường nhớ lại: "Được chứng kiến bố vợ mình làm dép cao su, thỉnh thoảng gặp những người đến đặt ông làm dép lốp, phần nhiều là thanh niên nên tôi thấy tò mò. Nghe ông kể về cách làm, về lịch sử dép lốp, tôi càng thấy thú vị và ý nghĩa. Bởi, dép lốp gắn liền với lịch của đất nước, dép lốp gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh - "đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ" và đặc biệt được làm 100% từ vật liệu tái chế, bảo vệ môi trường".

Bị lôi cuốn bởi dép lốp, nhưng ước mong thay ông Xuân "giữ nghề truyền thống của gia đình và bảo tồn di sản cho đất nước" của chàng phò mã chẳng hề dễ dàng. Bởi khi anh có ý định học thì "vua dép lốp" đã ở tuổi gần 80 và đặc trưng của nghề làm dép lốp là hoàn toàn thủ công, mất nhiều thời gian từ khi là chiếc lốp xe đến lúc thành đôi dép hoàn thiện.

Ông chủ "vua dép lốp" kể về duyên đưa sản phẩm ra thế giới - Ảnh 3.

Đôi dép cao su là một trong những đôi dép phổ biến thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ảnh: Kim Duyên

Không ngờ, chàng "phò mã" ấy lại nặng lòng với giá trị lịch sử, tinh thần dân tộc thể hiện qua những đôi dép lốp. "Tôi đã phải rong ruổi đi khắp nơi để tìm xem ai muốn và có khả năng làm nghề. Cùng với đó, tôi phải nhờ vợ thuyết phục "vua dép lốp" hỗ trợ đào tạo hướng dẫn họ để hiểu dép cao su rồi từ đó mới dạy cách làm", anh Cường tâm sự.

Chấp nhận bỏ một công việc ổn định, lương cao để gắn bó với nghề truyền thống là điều rất khó. Bởi, không chỉ khó khăn trong việc tìm nhân lực mà mẫu mã của sản phẩm cũng khiến anh trăn trở. 

"Thường dép lốp chỉ có một vài mẫu cổ điển, nên mình phải đi tìm hiểu, tham khảo, nghiên cứu thêm nhiều mẫu. Rồi lại nhờ bố, đào tạo thợ để sản xuất ra những đôi dép đa dạng kiểu mẫu và chất lượng hơn, anh Cường bộc bạch thêm.

Ông chủ "vua dép lốp" kể về duyên đưa sản phẩm ra thế giới - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Tiến Cường, CEO của thương hiệu "vua dép lốp" (43 tuổi) gần chục năm theo nghề làm dép lốp. Ảnh: Kim Duyên

Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của ông "vua dép lốp", gần chục năm gắn bó, theo đuổi nghề làm dép cao su, anh Cường đã sáng tạo ra hàng chục mẫu mã khác nhau, không chỉ sẵn sàng phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Thương hiệu dép cao su độc đáo tại Việt Nam

Tâm sự với phóng viên, anh Cường không giấu tham vọng mong muốn có hàng triệu đôi dép lốp sẽ có mặt khắp nơi thế giới, không chỉ thông qua đường xách tay mà còn qua đường "chính ngạch" là những cửa hàng mang tên "vua dép lốp" đặt ở nước ngoài với thông điệp: "Dép lốp chỉ có tại Việt Nam, bảo vệ môi trường và gìn giữ lịch sử dân tộc".

Ông chủ "vua dép lốp" kể về duyên đưa sản phẩm ra thế giới - Ảnh 5.

Năm 2015, thương hiệu "vua dép lốp" được chứng nhận là thương hiệu danh tiếng Việt Nam. Ảnh: Kim Duyên

Theo lời kể của anh Cường, đến nay, anh đã quy tụ được hàng chục người thợ gắn bó với nghề làm dép cao su ở các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Tuy nhiên, nhờ áp dụng dụng cụ, máy móc hiện đại trong quá trình sản xuất hàng vạn đôi dép cao su hoàn toàn thủ công và theo chân khách hàng chu du qua hơn 60 quốc gia sản phẩm của "vua dép lốp" được tiêu thụ 30% trong nước, 70% được xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh của mình, anh bật mí: "Xác định thị trường quan trọng là nước ngoài, nếu bán được cho những khách hàng khó tính như Nhật, Trung Quốc… thì số lượng tiêu thụ rất lớn. Khi đó, với khách hàng trong nước sẽ không cần phải quảng cáo, người Việt sẽ tự tìm đến với những sản phẩm huyền thoại, gắn liền với lịch sử nước nhà".

Để gắn bó với nghề, phát triển thương hiệu "vua dép lốp", anh luôn lắng nghe góp ý của khách hàng, đa dạng phân khúc, kiểu dáng, màu sắc, giảm trọng lượng đôi dép nhẹ hơn so với dép truyền thống. Nhờ vậy, sản phẩm được khách du lịch, đặc biệt là phụ nữ, giới trẻ chuộng và mua nhiều hơn.

Ông chủ "vua dép lốp" kể về duyên đưa sản phẩm ra thế giới - Ảnh 6.

Với mức giá 140.000 - 400.000 đồng/đôi (bán buôn); 160.000 - 700.000 đồng/đôi (bán lẻ), sản phẩm luôn thu hút khách hàng vì những chi tiết khác lạ, bền, bóng… Ảnh: Kim Duyên

Từ bỏ công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin với mức lương cao để làm dép cao su, anh Cường luôn nghĩ đến việc áp dụng công nghệ vào quản trị sao cho hiệu quả, tạo ra sản phẩm thủ công đẹp mà không lạc hậu với xu hướng thời trang.

"Thường, mỗi đôi dép liên quan đến 7 người thợ ở các công đoạn khác nhau, vì vậy, phải tính toán rút ngắn công đoạn, mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Không chỉ thế, mình vẫn có thể quản lý công việc từ xưởng sản xuất, cửa hàng và trang thương mại điện tử mà không cần phải mất quá nhiều thời gian đi lại", anh kĩ sư công nghệ cho biết thêm.

Những slogan rất trẻ trung, hợp thời mà lại rất đúng và chứa đựng nhiều ý nghĩa cho những đôi "dép lốp huyền thoại" trong các chiến dịch truyền thông, quảng bá sản phẩm: Buồn ngủ vì không có đối thủ; Dìm cũng không chìm; Thách thức triều cường... khiến người ta tin rằng, những dự định, kế hoạch của anh Nguyễn Tiến Cường gặt hái được nhiều kết quả trong tương lai không xa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem