Ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức, có dễ thực hiện?

Bảo Yến Thứ năm, ngày 06/06/2019 12:41 PM (GMT+7)
Ông Đoàn Ngọc Hải – nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) sáng nhận quyết định điều động về làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn (SGC), chiều ông làm đơn xin từ chức. Việc xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải phải thực hiện theo quy định nào?
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, sáng 4/6, UBND TP.HCM đã điều động, phân công ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1) về làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn (SGC). Tuy nhiên, đầu giờ chiều cùng ngày, ông Hải đã làm đơn xin từ chức gửi Thành uỷ và lãnh đạo SGC.

Tuy nhiên, ông Hải là cán bộ, công chức thuộc quản lý của Thành ủy TPHCM, việc từ chức phải thực hiện theo quy định nào? 

Nói về việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP. Hà Nội khẳng định: “Dưới góc độ pháp lý, ông Hải đã có ứng xử phù hợp với Luật cán bộ công chức và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, chấp hành sự điều động của tổ chức, thể hiện ở việc ông Hải vẫn tiếp nhận quyết định điều động, bổ nhiệm về công tác tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên, rồi sau đó mới xin “từ chức”. Nếu như trong buổi sáng 4/6 ông Hải không nhận quyết định điều chuyển, mọi chuyện sẽ chuyển biến theo chiều hướng khác”.

img

Ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn. Ảnh: D.V

Theo luật sư, sau khi điều động sang giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, ông Đoàn Ngọc Hải phải được miễn nhiệm công chức theo Khoản 2 Điều 42 Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức.

Theo Điều 2, Điều 3 Nghị định 97/2015/NĐ-CP, sau khi nhận chức Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, ông Đoàn Ngọc Hải là người quản lý doanh nghiệp.

Căn cứ Điều 40 Nghị định 97/2015/NĐ-CP, ông Đoàn Ngọc Hải có quyền nộp đơn từ chức đến Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty xây dựng Sài Gòn và UBND TPHCM để được xem xét giải quyết trong thời hạn 60 ngày.

"Khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định cho từ chức, ông Hải vẫn phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao" - luật sư Cường cho biết.

Theo thông tin, ông Hải đã xin nghỉ việc 2 tháng không lương trong lúc chờ quyết định từ chức, việc này cũng hoàn toàn phù hợp vì trên thực tế ông Hải cũng chưa làm việc, công tác tại Công ty xây dựng Sài Gòn.

Trong trường hợp ông Hải không còn là Công chức hoặc Viên chức nhà nước theo Luật cán bộ Công chức, Luật Viên chức, không hưởng lương theo thang bảng lương, không được hưởng các chế độ, quyền lợi của công chức, viên chức thì cơ quan, đơn vị sử dụng lao động sẽ ký hợp đồng lao động với ông Hải.

Lúc này, việc chấp hành kỷ luật lao động, thực hiện việc làm và các quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động và các quy định khác của Bộ luật lao động hiện hành.

Pháp luật quy định quyền tự do lao động của người lao động và các quyền tự do, tự định đoạt khác trong quan hệ lao động. Bởi vậy trong trường hợp này, thì ông Hải còn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.

“Về nguyên tắc, quan hệ lao động là tự nguyện, tự định đoạt. Bởi vậy, nếu thấy môi trường làm việc không phù hợp, khả năng không đảm đương được nhiệm vụ phân công thì ông Hải có quyền có ý kiến bằng văn bản tới các cấp chính quyền, các lãnh đạo quản lý. Nếu vẫn không có được giải pháp tích cực thì ông Hải có quyền quyết định tới việc có tiếp tục công tác trong ngành đó, lĩnh vực đó hay không và có quyền lựa chọn cho mình môi trường làm việc, vị trí công việc phù hợp với năng lực và sở thích của mình theo quy định pháp luật” – Luật sư cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem