Ông Donald Trump tái đắc cử: Bất động sản Việt Nam được và mất gì?
Ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ: Bất động sản Việt Nam được và mất gì?
Phương Thảo
Thứ năm, ngày 07/11/2024 07:16 AM (GMT+7)
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thị trường bất động sản Việt Nam đứng trước một loạt cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh "Trump 2.0", thị trường bất động sản Việt Nam sẽ được và mất gì?
Trong nhiệm kỳ 2017 - 2021, Tổng thống Trump coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và phát động cuộc chiến thương mại chống lại nền kinh tế thứ 2 thế giới. Chính sách “America first” của ông Trump đã mang lại nhiều thay đổi cho kinh tế toàn cầu, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Thị trường bất động sản Việt Nam đã được hưởng lợi lớn từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức đến từ chính sách tiền tệ khắt khe và những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bất động sản Việt Nam hưởng lợi gì từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế nhận định: "Gần như chắc chắn Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Điều này sẽ khiến các công ty quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ, phải cân nhắc rút khỏi Trung Quốc hoặc ít nhất là tìm các điểm sản xuất thay thế để giảm rủi ro."
Theo ông Hiếu, Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, chi phí nhân công thấp và chính trị ổn định.
Chính sách của ông Trump có thể sẽ khiến thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam bùng nổ. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh đã tăng mạnh.
Nếu không muốn các nhà đầu tư vào tay Thái Lan hoặc Indonesia thì các doanh nghiệp cần phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng.
Ông Hiếu nhấn mạnh
Ông Hiếu cho rằng, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong nhiệm kỳ này. Các dự án khu công nghiệp không chỉ tạo ra nhu cầu với về bất động sản công nghiệp mà còn kéo theo nhu cầu nhà ở cho công nhân, văn phòng và các dịch vụ tiện ích liên quan.
Cũng từ sự dịch chuyển trên, nhu cầu thuê đất công nghiệp và văn phòng đang gia tăng, đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam để thu hút dòng vốn và tăng cường năng lực sản xuất.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ.
PGS.TS Ngô Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Việc gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc văn phòng và căn hộ cao cấp cho chuyên gia nước ngoài.
"Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông và đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, chúng ta sẽ thu hút được lượng vốn đáng kể từ các tập đoàn lớn," bà Thảo chia sẻ.
Không chỉ bất động sản công nghiệp hưởng lợi, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, phân khúc bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng cũng sẽ tăng trưởng dương.
Một trong những điều kiện quan trọng mà chính quyền Trump thúc đẩy là chính sách giảm thuế và thúc đẩy kinh tế nội địa, giúp cộng đồng người Việt tại Mỹ có tài chính ổn định hơn
"Trong nhiệm kỳ đầu, nhiều người Việt kiều tại Mỹ đã bắt đầu rót tiền đầu tư về Việt Nam, chủ yếu vào bất động sản. Đây không chỉ là nhu cầu mua nhà để ở mà còn là cơ hội đầu tư sinh lợi nhuận, nhất là tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư sinh lợi của cộng đồng này ngày càng cao", ông Hiếu tâm sự.
Thách thức và rủi ro cho bất động sản Việt Nam trong bối cảnh mang tên "Trump 2.0"
Việc ông Donald Trump tái đắc cử, ngoài những cơ hội mà thị trường bất động sản Việt Nam có thể hưởng lợi, cũng không thiếu những thách thức mà ngành này phải đối mặt. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là chính sách thương mại và tiền tệ của Mỹ có thể tạo ra áp lực lên nền kinh tế Việt Nam. Bất động sản là lĩnh vực quan trọng nên khó tránh khỏi những tác động mạnh.
Trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền của ông Trump đã đưa Việt Nam vào danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. Nếu ông Trump tiếp tục chính sách này, Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực từ phía Mỹ để duy trì sự ổn định của tỷ giá.
“Khi đồng USD tăng giá và Việt Nam chịu sức ép từ Mỹ, việc vay vốn nước ngoài sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Điều này có thể khiến cho nhiều dự án, trong đó có bất động sản bị trì hoãn hoặc giảm quy mô.” PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định.
Ông Thiên nhấn mạnh rằng: Mặc dù Việt Nam có cơ hội từ sự dịch chuyển sản xuất, nhưng nếu không cải thiện hạ tầng và nguồn nhân lực, Việt Nam có thể gặp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.