Ngày 24.5, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cho biết, ngày 27.5 này sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ căn nhà mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Cộng (SN 1951, ngụ xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường) để giao 2.900m2 đất ruộng cho em ruột ông Cộng là ông Nguyễn Văn Lạnh (SN 1969, ngụ cùng xã).
Theo hồ sơ, năm 1978 ông Cộng (bị thương tật nặng do chiến tranh) được cha mẹ ruột cho “ra riêng” trên diện tích đất 2.900m2 (trên tổng diện tích 65.000m2). Ông Cộng trồng trọt, chăn nuôi và cất nhà trên đất này sống hàng chục năm nay. Phần đất còn lại diện tích 62.000m2 cha mẹ ông Cộng canh tác, về sau khi ông Lạnh lớn lên thì cha mẹ giao ông Lạnh quản lý, sử dụng.
Nếu bị cưỡng chế, gia đình ông Nguyễn Văn Cộng sẽ vào ở trong cái chòi nát này. Ảnh: Hữu Danh
Đến năm 1998, mẹ ông Cộng mất, năm 2006 thì cha mất. Đến năm 2012, ông Lạnh trưng ra giấy đỏ được cấp năm 1997, toàn bộ diện tích 65.000m2 là của ông, bao gồm đất ông Cộng đang sinh sống. Do đó, ông Lạnh kiện ra tòa đòi đất. Điều lạ là, hồ sơ cấp giấy cho ông Lạnh ghi nguồn gốc đất là “thừa kế” dù thời điểm này cha mẹ ông Lạnh đang còn sống.
Dù vậy, án sơ thẩm (tháng 9.2013) và phúc thẩm (tháng 1.2014) đều xác định giấy đỏ này cấp hợp lệ, buộc ông Cộng phải trả lại đất. Quyết định cưỡng chế đã được ban hành và tạm hoãn nhiều lần vì gia đình ông Cộng không có nơi trú ngụ. Nhiều người dân sống gần nhà ông Cộng cũng có đơn xin cứu xét hoàn cảnh của ông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Cộng có đến 9 người con và tất cả đều nghèo, làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2014, khi nhận quyết định cưỡng chế, ông đã cất tạm cái chòi lá trên bờ kênh của nhà nước để tá túc nhưng hiện nay cái chòi này cũng sắp sập.
Trao đổi với phóng viên, một lạnh đạo thị xã Kiến Tường cho biết, ngày thi hành án đã cận kề. “Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Chúng tôi biết gia cảnh ông Cộng rất khó khăn nên đã tính đến phương án thuê nhà cho ông Cộng. Tôi sẽ cho rà soát lại quy trình cấp giấy cho ông Lạnh một lần nữa để xem xét vụ việc thấu đáo hơn” - vị lãnh đạo này cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Cộng cho biết, căn nhà mà gia đình ông đang ở được xây dựng từ tiền vay ngân hàng và mượn bà con lối xóm. “Tôi còn nợ hơn 60 triệu đồng. Dự trù kinh phí cưỡng chế là 35 triệu đồng trong khi giá trị miếng đất này chưa đến 100 triệu đồng. Nếu bị cưỡng chế, gia đình tôi hết đường sống”.
Theo luật sư Cao Văn Bình - Đoàn Luật sư Hà Nội, việc cơ quan chức năng cấp giấy cho ông Lạnh vào năm 1997 với nguồn gốc “thừa kế” là không đúng pháp luật vì thời điểm này, cha mẹ ông còn sống nên không thể có chuyện thừa kế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.