|
Khách hàng tham quan xưởng sản xuất của Công ty Trung Phước |
Anh Phước nói rằng anh thành lập công ty không vì để được cái danh mà thật sự muốn làm giàu cho mình và bà con ở vùng đất cằn cỗi Bình Lãnh (Thăng Bình, Quảng Nam) này.
Hơn 20 năm trước, khi lập gia đình, tài sản duy nhất của vợ chồng anh là khu đất gò khô cằn, bạc màu nhận từ HTX. Không nản chí, anh xây nhà ở tạm rồi lao vào làm nông nghiệp, chăn nuôi kết hợp với sản xuất gạch thủ công.
Sau một thời gian dài quần quật làm lụng mà vẫn không khấm khá nổi, chính quyền địa phương lại cấm sản xuất gạch thủ công (vì gây ảnh hưởng môi trường), anh nghĩ phải tìm một phương cách làm ăn khác. Anh Phước khăn gói đi khắp nơi học nghề. Gặp cái gì anh cũng học, cũng làm, từ nuôi vịt đẻ, ba ba đến nuôi cá, nuôi heo... nhưng tất cả đều không thành công. Nhiều người khuyên anh dừng lại, “không có số giàu thì đừng nên mong giàu”.
Nhưng anh không tin số phận. Anh quyết định chọn... đất để đi lên. Vẫn làm gạch nhưng anh làm gạch không gây ô nhiễm - tuynel. Anh đi nhiều nơi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm. Khi thấy đã chắc tay, anh đem hết tiền bạc tích lũy được, rồi mạnh dạn vay ngân hàng, mượn bà con họ hàng, và cho ra đời công ty với nhà máy sản xuất gạch tuynel bằng dây chuyền công nghệ hiện đại, cùng các loại xe ủi, xe múc, xe vận tải... giá trị đầu tư gần 10 tỷ đồng.
Tính anh Phước chân thực, nói ít làm nhiều. Viên gạch của anh chưa hề làm khách hàng nào phải phiền lòng. Tiếng lành đồn xa, ban đầu chỉ có dân Thăng Bình quê anh tin dùng, sau mở rộng ra hàng loạt huyện trong tỉnh, rồi khách nhiều tỉnh đến mua hàng.
Lúc đầu Công ty Trung Phước có vài chục công nhân, sau nâng lên 110 công nhân - hầu hết là con em nông dân Bình Lãnh. Làm ruộng bấp bênh chứ đã vào công ty là họ có thu nhập ổn định, lại ở mức cao - trên 2,5 triệu đồng/ người/tháng. Mẻ gạch đầu tiên ra lò, anh trích 15 triệu đồng đóng góp quỹ “Vì người nghèo” của xã. Nông dân Bình Lãnh hãnh diện về anh Phước lắm.
Trần Thanh Liên
(Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.