Dân Việt đã trò chuyện với PGS Nguyễn Thạch Giang, năm nay ông đã 85 tuổi.
Thưa ông, được biết, năm 2005, khi nhận được đề nghị làm đơn xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh, ông đã gửi thư cho Trường ĐH KHXHNV bày tỏ ý định cho xin rút lui với nhiều lý do, trong đó có lý do “thời của mình đã hết”. Vậy lần này, cảm xúc của ông ra sao khi Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh quyết định trao giải Nghiên cứu cho ông cùng với GS Trần Văn Khê?
- Tôi thực sự đáng giá cao cách làm việc rất có văn hóa của các anh chị ở Giải thưởng Phan Châu Trinh. Tôi phục tài năng của những người như ông Nguyên Ngọc, ông Chu Hảo... và cảm kích tấm thịnh tình của họ, cách làm của họ thực sự là muốn uốn nắn lại những gì chưa đúng đắn lắm về các giải thưởng văn hóa hiện nay. Tôi biết những người thành lập nên Quỹ thật sự mong muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho đất nước, những điều họ làm chỉ có lợi cho đất nước, cho nhân dân nên tôi hết lòng ủng hộ.
|
Một số cuốn sách của PGS Nguyễn Thạch Giang xuất bản gần đây. |
Suốt đời ông miệt mài nghiên cứu và làm việc liên tục “quanh năm suốt tháng không có lấy một ngày Chủ nhật, một ngày nghỉ hè” như trong lời nói đầu của tập 5 cuốn “Lời quê chấp nhặt” mới xuất bản đầu năm 2012. Ông có thể nói gì về “nghiệp” nghiên cứu văn học Hán Nôm của mình?
- Tôi đã từng nói, việc bút nghiên bao giờ cũng đưa lại cho tôi văn hóa và hưng phấn- niềm vui thanh nhã mà chỉ riêng việc viết lách mới có. Suốt một đời tôi làm việc thầm lặng trong cô đơn, suốt một đời cô đơn để mua vui. Cũng may, trời còn thương cho có chút chữ nghĩa để có cái mà trả nợ đời.
Trong đề từ cuốn “Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam” tôi đã viết: “Tìm hiểu tiếng Việt trong thư tịch cổ cũng là một khía cạnh nhìn lại quá khứ. Nhìn lại quá khứ để định hướng đi cho tương lai- chân trời bao la của lòng tin, của tình thương và của tiến bộ không cùng. Không như vậy, quá khứ chỉ là những điều mê tín cho hiện tại”.
Tôi buồn khi thấy giới trẻ ngày nay, nhiều bậc trí thức hiện nay không am tường văn minh phương Tây mà cũng chẳng hiểu biết văn hóa phương Đông, nhìn vào thư tịch cổ của cha ông để lại cũng không biết chút gì, giống như những người nước ngoài xa lạ vậy.
Vậy theo ông từ đâu mà chúng ta có nhiều thế hệ đáng buồn như vậy?
- Từ hồi bé đi học, một điều làm tôi không hiểu là tại sao người Pháp sang Việt Nam ta, bất kỳ họ làm nghề gì, thầy giáo, lục lộ, kiểm lâm, nhà đoan... họ đều có sách xuất bản lưu chiểu ở thư viện trên toàn xứ. Giáo dục của phương Tây quả thực tuyệt vời và đáng để chúng ta suốt đời học hỏi.
Tôi lấy một thí dụ này, tôi là 1 trong 5 người Việt Nam đầu tiên có thẻ để vào đọc ở thư viện ở Trường Viễn Đông Bác Cổ. Người Pháp đào tạo con người của họ cực tốt, một ông thủ thư ở đó cũng nắm được toàn bộ số code (mã) sách, chỉ cần tôi viết sai mã một cuốn ông ấy cũng có thể sửa ngay.
Vậy mà khi giao cho chúng ta tiếp quản, sách đã bị mất gần hết, cả một cái thư viện quý như thế bị xé nát hết, thực là khủng khiếp. Chúng ta đang thiếu một xã hội học tập suốt đời. Thế giới hiện nay vẫn làm như vậy và họ làm được vì việc dạy việc học đều nhằm những mục đích cụ thể, thiết thực.
PGS Nguyễn Thạch Giang sinh năm 1928 tại Nghệ An. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu VN về văn học trung cận đại. Ông đã có trên 20 công trình khảo cứu về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu... Riêng cuốn “Kiều” do ông biên soạn đã tái bản 28 lần với 200.000 bản và “Từ ngữ văn chương Quốc âm” 10 cuốn với 10.000 trang in khổ lớn.
Tự nhận mình là một người em, người học trò của GS Trần Văn Giàu, thế hệ những trí thức của ông, như các GS Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Cao Xuân Huy... đã để lại không chỉ những công trình khoa học quý báu mà còn là những nhân cách sống. Điều ông tự hào nhất về thế hệ của mình là gì?
- Gia sản lớn nhất của tôi để lại cho con cái là những cuốn sách mà cả đời tôi truy tầm, sưu tập, ai trả giá bao nhiêu tôi cũng không bán. Khi tôi còn ở trong căn nhà chật hẹp ở ngõ Hàng Chuối, phòng làm việc của tôi là nơi tra cứu sách vở của các bác Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Vũ Tuấn Sán, Nguyễn Sỹ Lâm...
Mới đây tôi đi bộ đến thăm bà Tạ Quang Bửu, bà chống gậy run run dẫn tôi lên xem phòng làm việc gia đình làm cho ông vẫn nguyên như hồi ở 36 Hoàng Diệu. Bà Bửu bảo: “Anh xem, sách của anh Bửu tôi không bán đi quyển nào hết”. Rồi đây tôi sẽ trao đổi với các anh ở Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, nếu họ đảm bảo được, tôi sẽ chuyển toàn bộ thư viện hơn 1.000 cuốn sách quý của tôi cho họ, trong đó có cả bộ rất quý là “Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu” mà tôi đã lùng khắp Bắc Kinh hay bộ “Tam Hy Đường pháp thiếp” tôi đem từ về Trường An (Trung Quốc). Tôi muốn nhiều người được tiếp cận với những bộ sách quý này, càng nhiều người đọc càng tốt.
Xin cảm ơn PGS!
Ngọc Anh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.