PGS.TS Lê Văn Toàn: "Làm mới âm nhạc dân gian Việt Nam như Hoàng Thùy Linh đang được giới trẻ yêu thích"

Thủy Vũ Thứ hai, ngày 19/06/2023 06:05 AM (GMT+7)
PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về việc làm thế nào để có thể kế thừa giá trị truyền thống trong âm nhạc ở thời đại hiện nay.
Bình luận 0

Trong thời đại nền âm nhạc càng có nhiều hình thức thể hiện mới, nhiều dòng nhạc mới lên ngôi thì những giá trị xưa cũ, những dòng nhạc truyền thống đứng trước nguy cơ mai một.  PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đã có cuộc trò chuyện với PV Dân Việt về vấn đề này.

PGS.TS Lê Văn Toàn: "Làm mới âm nhạc dân gian Việt Nam như Hoàng Thùy Linh đang được giới trẻ yêu thích" - Ảnh 1.

PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo PGS.TS Lê Văn Toàn, tại sao vấn đề về thẩm mỹ trong âm nhạc của giới trẻ hiện nay cần phải được quan tâm một cách đặc biệt?

- Khi chúng ta nhìn lại những xu thế chung về nhu cầu, về thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ hôm nay, chúng ta luôn thấy giới trẻ là những người ưa sáng tạo, năng động, thích phát hiện và đặc biệt luôn mong muốn, khao khát sản phẩm âm nhạc sáng tạo mới lạ để thưởng thức.

Vì vậy, vấn đề đặt ra cho những người làm nghề là các sản phẩm âm nhạc muốn có sự chú ý khi ra mắt, cần đáp ứng nhu cầu chính đáng này của thế hệ trẻ hôm nay. Tuy vậy, nó cũng đặt ra thách thức không nhỏ với vai trò, trách nhiệm và năng lực sáng tạo, nghiên cứu của người làm nghề chuyên nghiệp phải càng được nâng cao.

PGS.TS Lê Văn Toàn: "Làm mới âm nhạc dân gian Việt Nam như Hoàng Thùy Linh đang được giới trẻ yêu thích" - Ảnh 2.

Phương Mỹ Chi với hình tượng cô Tấm trong Vũ trụ có anh kết hợp âm hưởng ca trù. Ảnh: NSX

Ông có cho rằng các loại hình âm nhạc truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một?

- Nhìn chung, trong cuộc sống mới đã, đang làm mất dần đi nhiều di sản văn học âm nhạc cổ truyền. Nhiều bối cảnh, môi trường văn học, nghệ thuật xưa đã không còn được đáp ứng. Con người nay đã có nhiều thay đổi về môi trường lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật…

Nhịp sống, nhịp lao động và nhiều sinh hoạt đã tác động, làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý của con người hôm nay, trong đó có giới trẻ. Nói là mai một cũng không phải, bởi xã hội hiện đại cho phép các thể loại nhạc mới du nhập vào Việt Nam. Và như đã nói trên, với tư duy hiện đại và sáng tạo thì các nhà làm âm nhạc trẻ vẫn biết cách kết hợp và làm mới âm nhạc dân gian Việt Nam. Ví dụ như một số ca khúc của Hoàng Thùy Linh đang được giới trẻ yêu thích.

PGS.TS Lê Văn Toàn: "Làm mới âm nhạc dân gian Việt Nam như Hoàng Thùy Linh đang được giới trẻ yêu thích" - Ảnh 3.

Thị Màu của Hòa Minzy nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khán giả. Nữ ca sĩ cho biết đã ấp ủ kịch bản từ 4 năm trước nhưng hiện giờ mới có đủ kinh phí thực hiện. Ảnh: NSX

Vậy theo ông, làm sao để giới trẻ nuôi dưỡng được thẩm mỹ về âm nhạc dân gian hay âm nhạc truyền thống?

- Thẩm mỹ âm nhạc cá nhân được đáp ứng theo ý thích, được tùy chọn, tùy thích. Vấn đề cần có ở tuổi trẻ, chính là được trang bị nhận thức về thẩm mỹ âm nhạc truyền thống ngay từ tuổi thơ để thẩm thấu, để biết, để yêu, để dần có thể sáng tạo, thưởng thức, truyền dạy và bảo vệ các giá trị truyền thống âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải tính đến vai trò quan trọng của cộng đồng, đó là bộ lọc, gạn lọc tinh hoa, đóng vai trò lưu giữ, truyền bá di sản, là màng lọc các giá trị âm nhạc nghệ thuật đích thực.

PGS.TS Lê Văn Toàn: "Làm mới âm nhạc dân gian Việt Nam như Hoàng Thùy Linh đang được giới trẻ yêu thích" - Ảnh 4.

See tình là ca khúc thành công nhất của Hoàng Thùy Linh cho đến nay khi khai thác yếu tố dân gian. Ảnh: NSX

Ông cho rằng, nhiệm vụ sáng tác, nghiên cứu, phê bình âm nhạc nên đổi mới ra sao để có thể đưa loại hình âm nhạc truyền thống tới gần khán giả trẻ?

- Chúng ta cần có những liên kết hoạt động mật thiết, gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức xã hội, ngành nghề các chuyên ngành sâu trong lĩnh vực âm nhạc – sân khấu – điện ảnh, mỹ thuật, thậm chí là cả kiến trúc, thiết kế, xây dựng… Sản phẩm nghệ thuật trình diễn âm nhạc gắn với công nghiệp văn hóa như điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, múa, xiếc sẽ tạo tính mở, mới, hấp dẫn hơn.

Chẳng hạn như ở Trung Quốc, nhiều chương trình nghệ thuật ca múa nhạc do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng rất thành công, đã thu lợi kinh tế cao qua sáng tạo mới nghệ thuật truyền thống, trong đó có âm nhạc cổ truyền.

Bên cạnh đó, các mối liên kết trong sáng tạo âm nhạc, biểu diễn âm nhạc, nghiên cứu, phê bình âm nhạc, giáo dục đào tạo âm nhạc (chuyên nghiệp và phổ thông)… cần đặt trong mối quan hệ mật thiết, gắn kết cao trong hoạt động âm nhạc của đất nước.

PGS.TS Lê Văn Toàn: "Làm mới âm nhạc dân gian Việt Nam như Hoàng Thùy Linh đang được giới trẻ yêu thích" - Ảnh 5.

Dương Hoàng Yến với MV Cân cả thế giới mang âm hưởng dân tộc miền núi Tây Bắc. Ảnh: NSX

Ông có thể dẫn chứng một số nét đẹp trong âm nhạc truyền thống để độc giả được hiểu thêm?

- Có thể dẫn chứng ra rất nhiều. Ví dụ cái đẹp trong văn hóa hát Quan họ là trọng nghĩa, trọng tình, khiêm nhường, yêu thuơng và đùm bọc lẫn nhau. Hay hát Xoan gắn tục thờ cúng Hùng Vương, phản ánh truyền thống văn hóa ứng xử cao đẹp của các thế hệ người Việt Nam – tôn trọng bậc tiền bối, văn hóa uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây…

Hiện nay, một số sản phẩm âm nhạc mới của giới trẻ đang bị gây ra nhiều định kiến, ông nghĩ sao về điều này?

- Trước thực trạng cuộc sống mới, chúng ta cần tạo điều kiện để cho lớp trẻ được sống cùng di sản văn hóa, nghệ thuật dân tộc, trong đó có âm nhạc dân tộc. Để âm nhạc dân gian hay âm nhạc chuyên nghiệp đương đại song hành tồn tại, phát triển thì cần trang bị đủ kiến thức để nhận thức rõ ràng yếu tố gốc và ngọn trong sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu âm nhạc (cả âm nhạc cổ truyền và âm nhạc mới).

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem