Phải ngừng ngay việc dùng lợn thịt làm lợn nái!

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 28/04/2017 15:55 PM (GMT+7)
Tại buổi Tọa đàm Giải cứu ngành chăn nuôi lợn diễn ra sáng 28.4 tại trụ sở Báo NTNN/Dân Việt, một trong những giải pháp được các đại biểu đưa ra nhằm giảm số đầu lợn đang dư thừa ở mức quá lợn hiện nay là phải giảm số đầu lợn nái. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao chất lượng đàn lợn nái bằng cách sử dụng lợn giống chuẩn.
Bình luận 0

img

Do giá lợn hơi giảm quá sâu, gia đình anh Hoàng Văn Điền ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) đang lâm vào tình cảnh điêu đứng. Ảnh: Trần Quang

Bàn về các giải pháp giảm số đầu lợn đang dư thừa ở mức lớn như hiện nay, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: "Việc phát triển ổn định chăn nuôi lợn ở Việt Nam không phải bây giờ chúng tôi mới đưa ra, mà đã được xây dựng cụ thể trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong hợp phần phát triển bền vững ngành chănn nuôi. Theo đó, muốn giảm số lượng đầu lợn theo hướng bền vững, chất lượng thì một trong những giải pháp là phải giảm số đầu nái xuống, nâng cao hiệu quả chăn nuôi thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng con giống". 

Về mặt công nghệ và thức ăn công nghiệp, ở các nước phát triển, mỗi nái có thể sinh sản 28 – 30 con giống/năm. Tuy nhiên trong điều kiện chăn nuôi của Việt Nam, hệ thống sản xuất chủ yếu là nông hộ nên hiệu suất đàn nái vẫn đạt thấp. Hiệu suất lợn nái cả nước mới chỉ đạt được trung bình 13 con cai sữa/nái. 

"Để giảm đầu lợn nái còn xuất phát từ vấn đề tư duy, khoa học. So với chăn nuôi gà, chi phí cho 1 kg thịt lợn đang cao hơn, cụ thể để con lợn tăng được 1kg phải chi từ 2,2 – 2,4 kg thức ăn hỗn hợp, tuy nhiên với chăn nuôi gà chỉ khoảng 1,9kg. Đặc biệt vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi lợn còn khó hơn gà" - ông Tống Xuân Chinh cho biết. 

Cũng theo ông Chinh, Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo phải giảm đàn lợn nái xuống từ năm 2016. "Chúng tôi cũng biết bà con nông dân muốn giảm đàn nái xuống sẽ rất tốn kém cho bà con, mỗi con sẽ bị thiệt hại từ 20 – 30 triệu đồng, tuỳ quy mô. Nhưng với tổng đàn nái quá lớn như hiện nay sẽ gây gánh nặng cho thị trường. Vì vậy, Bộ đang rà soát, quy hoạch và giảm đàn nái đến năm 2019 khoảng 3 triệu con" - ông Chinh nói. 

Về phía Cục Chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho biết trước tình hình giá lợn hơi tăng cao trong giai đoạn trước, Cục đã nhiều lần khuyến cáo bà con không nên phát triển chăn nuôi ồ ạt, đáng tiếc là khuyến cáo này không có hiệu quả.

img

Nông dân tỉnh Hưng Yên chăm sóc lợn nái. Ảnh: Internet

Thậm chí, nhiều bà con đã không mua lợn giống để làm nái, mà sử dụng lợn thịt để chuyển sang làm nái, vì vậy chất lượng lợn nái giảm sút, chi phí đầu tư tăng cao, hiệu suất đàn nái thấp. Do vậy, trong tình trạng khủng hoảng như thế này, bà con cũng phải chấp nhận rủi ro. Cần thực hiện kiểm soát đàn nái, nhất là các trang trại quy mô lớn, loại bỏ những con nái chỉ có 17 – 18 con cai sữa/năm để đưa vào những con có chất lượng tốt hơn từ 25 – 26 con cai sữa/năm.

"Ngay cả những con lợn mới đẻ ra, nếu trọng lượng nhỏ, hoặc yếu bà con cũng phải mạnh dạn loại thải, vì sức tăng trưởng của nó rất thấp. Thực hiện giảm đàn nái xuống, thông qua đó cũng giảm tổng đàn lợn xuống. Trung bình nếu giữ nuôi một con lợn nái lại sẽ tốn 1 tấn thức ăn công nghiệp, quy ra sẽ biết tốn bao nhiêu tiền" - ông Chinh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem