Phải nhờ cộng đồng giải cứu nông sản, nông dân chúng tôi rất bứt rứt, trăn trở

Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước) Thứ ba, ngày 31/08/2021 18:50 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm cho nông dân khắp mọi miền đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nông sản làm ra khó tiêu thụ. Nhiều loại nông sản của nông dân phải kêu gọi hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Nông dân trồng rau má ở xã Long Phước chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Bình luận 0

Tôi là Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm cho nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nông sản làm ra khó tiêu thụ. Nhiều loại nông sản của nông dân phải kêu gọi hỗ trợ kết nối tiêu thụ..

Nông dân xã Long Phước chúng tôi cũng không ngoại lệ. Khi mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19, lượng rau má ở xã tôi bị tồn đọng lớn hơn. Thời điểm khó khăn nhất, nông dân trồng rau má xã tôi đã phải bán rau má với giá 2.000đồng/kg cho những hộ nuôi heo rừng hoặc ủ làm phân.

Phải nhờ cộng đồng giải cứu nông sản, nông dân chúng tôi rất bứt rứt, trăn trở, tủi nhục - Ảnh 1.

Nông dân xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thu hoạch rau má. Ảnh: Nguyễn Văn Minh

Trước tình hình rau má bị tồn đọng do dịch Covid-19, Hội Nông dân xã Long Phước chúng tôi nỗ lực tìm mọi giải pháp hỗ trợ nông dân. Hội đã có văn bản kiến nghị Hội Nông dân tỉnh, thành phố Bà Rịa, Phòng Kinh tế thành phố Bà Rịa và UBND xã Long Phước. Bản thân nông dân và cán bộ Hội Nông dân xã như chúng tôi cũng đăng tải lên mạng xã hội Facebook, Zalo... kêu gọi cộng đồng cùng kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ rau má. Nhờ đó, phần nào giải quyết được lượng rau má tồn của nông dân. Nông dân trồng rau má xã tôi không còn tình trạng phải bán đổ rau má cho heo rừng ăn hay phải cắt bỏ.

Không chỉ riêng xã tôi, nhiều loại nông sản nào của cả ba miền đất nước cũng đều gặp khó khăn và phải cần hỗ trợ tiêu thụ.

Trước những khó khăn của nông dân, tất cả các cấp Hội Nông dân Việt Nam từ T.Ư Hội đến cơ sở Hội đều đã vào cuộc tích cực để giúp hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản.

Để giúp đỡ tối đa cho nông dân, có nhiều cán bộ Hội cơ sở sẵn sàng trở thành người vận chuyển, giao hàng và bán lẻ nông sản cho nông dân.

Sự tận tụy đó của cán bộ Hội Nông dân đã giúp nông dân hạn chế đến mức thấp nhất thua lỗ và phần nào đã an ủi người nông dân trong lúc khó khăn này để họ không cảm thấy mình bị đơn độc trong lúc khó khăn, hoạn nạn này.

Bao nhiêu loại nông sản phải nhờ cộng đồng giải cứu là nỗi bứt rứt, trăn trở của người nông dân. Họ đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của để làm ra nông sản và đến khi thu hoạch phải nhờ cộng đồng giải cứu.

Cụm từ "giải cứu nông sản" cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần như một điệp khúc cho thấy sức chống chịu trước những tác động bên ngoài của nông nghiệp và nông dân còn rất yếu. Người nông dân cứ sản xuất còn đầu ra, giá cả tùy thuộc vào thương lái, kể cả vật tư đầu vào cũng không có sự lựa chọn. Tình trạng giải cứu nông sản, được mùa rớt giá, được giá mất mùa, chặt rồi trồng, trồng rồi chặt cứ đeo bám mãi người nông dân từ nhiều năm qua mà chưa dứt ra được.

Giải cứu nông sản cho nông dân chỉ là một giải pháp tình thế, muốn giải quyết được tình trạng này cần phải có những chính sách căn cơ, dài hơi. 

Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta phải giải quyết được 3 khâu hạn chế cơ bản của ngành nông nghiệp hiện nay là: lưu thông phân phối, tiêu thụ; bảo quản nông sản sau thu hoạch; chế biến sâu để gia tăng giá trị nông sản.

Về phía người nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp về quy hoạch, thị trường. Không sản xuất theo phong trào, vượt quy hoạch mà phải sản xuất theo nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng. Người nông dân phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Để chủ động thích ứng với tình hình mới, nhất là trong bối cảnh dịch Covidd-19 như hiện nay, nông sản không sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nữa mà mạnh dạn liên kết đầu tư thành những vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn có liên kết với doanh nghiệp. Sản xuất theo hướng an toàn, sạch, tiến tới sản xuất hữu cơ nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và cạnh tranh với nông sản nhập khẩu ngay trên thị trường trong nước.

Bạn đang đọc bài: "Phải nhờ cộng đồng giải cứu nông sản, nông dân chúng tôi rất bứt rứt, trăn trở" của tác giả Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bạn đọc có thể tham gia bằng cách gửi bài viết ý kiến của mình về hộp thư điện tử: hnongdanvietnam@gmail.com , gọi điện tới số 086 993 8874 và 0976 116 924.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem